Nguồn vốn cần thiết để đáp ứng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam đã vượt quá khả năng chi trả của ngân sách nhà nước, theo một báo cáo do Ngân hàng Thế giới và Cơ quan Phát triển Úc công bố ngày 11/3.
Thiếu vốn trầm trọng
Báo cáo mang tên “Đánh giá khung tài trợ cho cơ sở hạ tầng địa phương ở Việt Nam” cho biết, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng hàng năm là 25 tỉ đô la Mỹ, trong khi lượng vốn có sẵn từ khu vực nhà nước và tư nhân khoảng 16 tỉ đô la Mỹ, thiếu hụt khoảng 9 tỉ đô la Mỹ.
Một thập kỷ trước đây mức thiếu hụt này chỉ vào khoảng 2,1 tỉ đô la Mỹ.
Ở TPHCM, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng giai đoạn 2011-2015 dự kiến gần 315.000 tỉ đồng, với thiếu hụt khoảng gần 185.000 tỉ đồng (59%).
Nhu cầu thực cho đầu tư cơ sở hạ tầng ở Quảng Ninh là hơn 49.000 tỉ đồng, và 842 triệu đô la Mỹ, với mức thiếu hụt khoảng 88% cho phần nhu cầu bằng tiền đồng, và 100% cho phần nhu cầu bằng đô la Mỹ.
Tỉnh Quảng Nam có nhu cầu thực tế đầu tư cơ sở hạ tầng là gần 7.000 tỉ đồng, mức thiếu hụt tài trợ khoảng 34%.
Báo cáo cho biết, tính đến cuối thập kỷ vừa qua, cả nước có 1 triệu ô tô và 20 triệu xe máy, so với 450.000 ô tô và 6 triệu xe máy trong thập kỷ trước đó.
Hiện nay, hệ thống giao thông đang lâm vào cảnh tiêu cực - tắc nghẽn và ô nhiễm, đặc biệt tại Hà Nội và TPHCM.
Báo cáo cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, tổng nhu cầu vốn sẽ vào khoảng 2.200-2.300 nghìn tỉ đồng.
Ngân hàng Thế giới ước tính rằng, các nguồn vốn như ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, ODA, trái phiếu chính phủ chỉ có thể đáp ứng 50% nhu cầu trên.
Cần sự tham gia của thị trường vốn và khu vực tư
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, nguyên nhân sâu xa của tình trạng đầu tư thiếu hiệu quả ở Việt Nam là do sự phân tán trong đầu tư vào cơ sở hạ tầng mang lại sự trùng lắp là lãng phí.
Bà cho rằng, do phân cấp mạnh mẽ, các tỉnh đã thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng riêng và cạnh tranh với nhau bởi các quyết định hành chính.
Báo cáo nêu lên một số cách thức cải thiện hiệu quả thông qua hợp tác với khu vực kinh tế tư nhân và các cơ chế thị trường tăng cường tài chính cho phát triển hạ tầng để chính phủ xem xét, trong đó bao gồm hình thành một Quỹ Phát triển Địa phương (Municipal Development Fund - MDF) cho các đô thị hạng hai. Quỹ này sẽ đóng vai trò như là chủ thể cho vay thứ cấp dựa trên kinh nghiệm thành công các quỹ tương tự ở các nước khác và cải thiện môi trường huy động vốn qua trái phiếu đô thị.
Tại cuộc họp chiều nay, bà Jennifer Sara, Giám đốc Ban Phát triển Bền vững, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nói: “Đầu tư hạ tầng hiện nay không hiệu quả chính là cơ hội để ta nâng cao hiệu quả – có nghĩa làm được nhiều hơn nữa với cùng một nguồn lực không đổi. Cần sử dụng các cơ chế thị trường mạnh mẽ hơn nữa - không chỉ nhằm nâng cao hiệu quả mà còn nhằm thu hút đầu tư và tham gia của khu vực tư nhân nhiều hơn nữa”.
Bà bổ sung thêm: Một cơ chế cấp vốn bền vững cho phát triển hạ tầng địa phương tại Việt Nam không thể chỉ dựa vào ngân sách nhà nước và vốn ODA mà đòi hỏi sự tham gia sâu rộng hơn nữa của thị trường vốn và khu vực tư nhân.”
Tư Hoàng
- Bộ Xây dựng đề nghị điều chỉnh gói 30.000 tỉ đồng
- Bình Dương cắt giảm diện tích “siêu dự án” Chánh Mỹ
- Hơn 1.600 tỷ đồng thi công, nâng cấp dự án Saigon Centre
- Sẽ đề nghị sửa quy định cho nhà sai phép đóng phạt để tồn tại
- Hà Nội: Duyệt quy hoạch 2 khu đô thị lớn tại Đông Anh
- Hà Nội dự kiến đấu giá quyền sử dụng đất cho 34 dự án
- Đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi: làm đoạn 8 km tốn 2.133 tỉ đồng
- Sửa đổi Luật Nhà ở: “Chả có nước nào hạn chế người nước ngoài mua nhà”
- TPHCM sắp dời dân khỏi chung cư Thanh Đa
- Điều chỉnh quy hoạch Công viên Yên Sở, bổ sung thêm chức năng nhà ở