Thị trường bất động sản còn nhiều bất ổn
Theo báo cáo tổng kết của Bộ Xây dựng, chương trình nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp hiện có 25 dự án được khởi công với tổng diện tích sàn 787.000 m2, góp phần giải quyết chỗ ở cho khoảng 129.000 công nhân lao động tại các khu công nghiệp. Đã có 9 dự án hoàn thành bàn giao, với tổng diện tích sàn là 200.000 m2 sàn, đáp ứng được khoảng 27.000 chỗ ở cho công nhân.
Nhà cho người thu nhập thấp, đã có 37 dự án được khởi công với tổng diện tích sàn 750.000 m2, góp phần giải quyết chỗ ở cho khoảng 64.000 người. Hiện đã có 1.653 căn hộ hoàn thành phần xây dựng, đã bán được 728 căn hộ, số còn lại đang thực hiện xem xét các đối tượng để triển khai việc bán, cho thuê theo quy định. Bộ cũng đã làm việc với Ngân hàng Phát triển Việt Nam để tháo gỡ vướng mắc trong việc cho vay vốn triển khai thực hiện các dự án.
Về bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo Nghị định số 61/CP đến nay cả nước bán được 290.300 căn, đạt gần 87,4% trong tổng số 332.000 căn thuộc diện được bán. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện công tác bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo Nghị định số 61/CP diễn ra còn chậm, trong đó có nguyên nhân là do lực lượng cán bộ thực hiện công tác bán nhà tại một số địa phương còn mỏng, yếu về chuyên môn nghiệp vụ và nhu cầu mua nhà của người dân còn ít.
Mặt khác, theo các chuyên gia Bộ Xây dựng, tình hình thị trường bất động sản (BĐS) có nhiều diễn biến phức tạp, ẩn chứa nhiều yếu tố bất ổn. Giá nhà ở vẫn cao, diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, sản phẩm tuy nhiều nhưng ít sản phẩm phù hợp với khả năng chi trả và nhu cầu của đa số người dân.
Bên cạnh đó, thiếu loại hình nhà cho thuê, tiến độ triển khai các dự án BĐS còn chậm mặc dù cơ chế đã được tháo gỡ, làm giảm nguồn cung cho thị trường; thị trường BĐS phụ thuộc lớn vào động thái của chính sách tiền tệ, tín dụng, việc huy động vốn và mua bán nhà trả trước trong các dự án phát triển nhà, đô thị còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn cho xã hội; chưa kiểm soát được tình trạng đầu cơ BĐS, hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS thiếu tin cậy và chưa thống nhất, các quy định liên quan đến công tác quản lý nhà ở chung cư cần phải tiếp tục được nghiên cứu, hoàn chỉnh.
Phấn đấu 18,3 m2 nhà ở/người năm 2011
Trong năm 2010, Thanh tra thuộc Bộ đã tổ chức 7 đoàn thanh tra hành chính, phòng chống tham nhũng và 18 đoàn thanh tra chuyên ngành tại một số Bộ, Ngành và địa phương, đã thu hồi nộp ngân sách Nhà nước trên 3.193 triệu đồng, xử phạt hành chính đối với 12 đơn vị sai phạm số tiền là 925 triệu đồng.
Thanh tra các Sở Xây dựng trong năm 2010 cũng đã thực hiện hơn 400 đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo kế hoạch và đột xuất, thu hồi gần 16.000 triệu đồng, đã tiến hành kiểm tra, phát hiện và xử phạt 14.242 vụ vi phạm trật tự xây dựng hành chính trong lĩnh vực xây dựng, chủ yếu là các vụ xây dựng không phép, sai phép, tổng số tiền xử phạt trên 50.653 triệu đồng, trong đó TP.Hồ Chí Minh là địa phương làm tốt công tác xử phạt vi phạm hành chính trong xây dựng với 5.352 vụ việc, số tiền xử phạt thu được trên 28 tỷ đồng; một số địa phương khác cũng đã thực hiện tốt công tác này như: Hải Phòng, Cần Thơ…
Hiện nay, việc thổi giá, đầu cơ, đầu tư theo phong trào, theo đám đông… là một trong những thách thức, khó khăn cho nhà quản lý trong thời gian tới.
Nhằm quản lý và ổn định thị trường BĐS, nhiều chương trình sẽ triển khai trong năm 2011 được Bộ Xây dựng đề ra như: tiếp tục triển khai nghiên cứu xây dựng “Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030’’; sửa đổi các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh BĐS, về quản lý quỹ nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước; Đề án thành lập quỹ tiết kiệm nhà ở; Đề án Nhà ở tái định cư; Đề án Hỗ trợ nâng cao điều kiện an toàn nhà ở trong khu vực thường xuyên có lũ lụt tại các tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung…
Nếu như năm 2010, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc khoảng 17,5 m2/người (ở đô thị là 20,2 m2/người; nông thôn 16,3 m2/người) thì năm 2011, Bộ Xây dựng phấn đấu diện tích bình quân nhà ở toàn quốc vào cuối năm 2011 đạt bình quân khoảng 18,3 m2/người. Tổng diện tích nhà ở toàn quốc tăng thêm khoảng 87 triệu m2.
Trong khi thị trường còn đang tiềm ẩn nhiều bất ổn cũng như còn quá nhiều thách thức đang khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn thì mục tiêu đặt ra của Bộ Xây dựng liệu có dễ dàng đạt được?
Lê Thảo - Ảnh: N.Lê
Tin mới hơn:
- Giá bất động sản tại Hà Nội: Liệu có “bong bóng”?
- Bộ Xây dựng “ưu tiên” nhà ở xã hội
- Nhà đất TP.HCM 2011: Chờ và quan sát?
- Nhà đất công bị “ế”
- Biệt thự, nhà liền kề ở Hà Nội: Kênh đầu tư hấp dẫn
Tin cũ hơn:
- Tiếp thị bất động sản: Doanh nghiệp “nội” đang lớn
- Phác họa thị trường bất động sản 2011
- Năm 2011: Phấn đấu 70.000 hộ thu nhập thấp có nhà ở
- Bất động sản tại Đà Nẵng: Doanh nghiệp địa phương “thua trên sân nhà”
- "2011 - năm khắc nghiệt nhất của bất động sản TP HCM"