Thôn Đông Mai, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm với nghề tái chế chì từ nhiều năm nay đã nổi tiếng trong tốp 4 làng nghề gây ô nhiễm môi trường ở mức trầm trọng nhất tỉnh Hưng Yên.
Theo Quyết định 64-2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến hết năm 2007 làng nghề này phải hoàn thành việc xử lý ô nhiễm môi trường, thực hiện di dời ra khỏi khu dân cư, xây dựng hệ thống xử lý chất thải. Nhưng đã qua 2 năm mọi việc vẫn chưa hề nhúc nhích.
Nghề tái chế chì ở thôn Đông Mai có từ năm 1978, thời kỳ cao điểm thường xuyên có 25 lò mỗi ngày nấu trên 10 tấn chì, thải ra không khí hàng tấn khói bụi. Nguyên liệu nấu chì là phế thải từ bình ắcqui như tấm cách điện và nước axít sau khi phá dỡ đổ bừa bãi, vỏ bình để khắp đường làng ngõ xóm.
Những ngày nắng nóng bụi chì và nước axít trong các cống rãnh bốc mùi khét lẹt; khi trời đổ mưa thì chảy bừa bãi, ngấm vào lòng đất, đọng đầy các ao hồ. Không khí trong thôn luôn ngợp trong khói bụi của chì.
Theo các nhà chuyên môn, hàm lượng chì thải ra ở Đông Mai quá lớn, trong nguồn nước, mức trung bình là 0,77mg/l, vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 7,7-15 lần. Ở nơi ao hồ đãi và đổ xỉ, hàm lượng là 3,278mg/l, vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 32-65 lần.
Do bề mặt nước bị ô nhiễm, một số thực vật cũng bị ảnh hưởng. Trong đó bèo tích lũy tới 430,35 mg/kg; rau muống từ 168,15-430,35 mg/kg. Trong đất, hàm lượng chì trung bình là 398,72 mg/kg. Trong không khí, từ 26,332 mg/m3 - 46,414 mg/m3, gấp 4.600 lần so với tiêu chuẩn cho phép...
Do nhiễm độc từ nước và khí thải của chì, có thời kỳ cả thôn Đông Mai có hơn 50% số người bị đường ruột, tá tràng, đau dạ dày; 30% mắc bệnh đường hô hấp, đau mắt; 100% số người trực tiếp nấu chì đều bị nhiễm độc chì trong máu.
Đáng buồn hơn, đã có hơn 40 người bị tàn tật nặng do ảnh hưởng của bụi và khói chì; trong đó có hơn 20 trẻ em bị viêm não, với các di chứng ngớ ngẩn, thọt chân, mù mắt, bại liệt...
Một số gia đình có 2-3 con bị não dị dạng, có cháu đã thiệt mạng, nhiều cháu nhiễm chì trong máu, hàng tháng phải đi lọc chì rất tốn kém. Theo phân tích từ cơ thể những người bị nhiễm độc chì, hàm lượng chì trong nước tiểu từ 0,25 -0,56 mg/l; trong máu 135 mg/l, vượt 1,5 lần mức cho phép.
Năm 2009, lực lượng công an đã thu giữ hàng trăm tấn ắc quy chì do các hộ vẫn lén lút tàng trữ để nấu chì. Huyện Văn Lâm cũng đã quy hoạch 15ha nhằm đưa các cơ sở tái chế chì ra sản xuất xa khu dân cư.
Tuy nhiên với nhiều lý do, đến nay các hộ dân Đông Mai vẫn chưa thể sản xuất tại nơi đã quy hoạch mà vẫn tiếp tục nấu chì ngay tại nhà, thải độc hại ngột ngạt như cũ./.
Mai Ngoan
- Con người đang cạnh tranh nước với thiên nhiên
- Thực thi REDD và tác động đối với người bản địa
- Làng nghề Bát Tràng tìm không khí trong lành
- Ba thông điệp hành động chống biến đổi khí hậu
- Ứng phó với biến đổi khí hậu: trách nhiệm của cả cộng đồng
- Môi trường thế giới đón chào 2010
- Khí thải giao thông hạn chế sự phát triển bền vững
- COP15: Chúng ta đã phung phí suốt 20 năm
- Môi trường tệ hại do cách dùng kinh phí
- Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu ở Copenhagen: Hy vọng và chờ đợi