Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Đầu tư PPP: Nhất sân bay, nhì điện nước

Đầu tư PPP: Nhất sân bay, nhì điện nước

Khả năng sinh lãi cao chính là điểm hấp dẫn của các dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) ở các lĩnh vực cảng, điện và nước. 

Với cơ hội hoàn vốn đầu tư chỉ sau 5-7 năm ở một số hạng mục, dự án sân bay quốc tế Long Thành sẽ tạo ra một cuộc đua giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước thời gian tới”, ông Nguyễn Thành Thái, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Xây dựng Phú Mỹ, nhận định.

Cơ hội vàng

Trong danh mục gồm 9 lĩnh vực thí điểm đầu tư theo hình thức PPP thì các cảng hàng không, cảng biển, cảng sông, nhà máy nước sạch và nhà máy điện lần lượt chiếm vị trí thứ 4-5-6. Tuy nhiên, ông Thái cho rằng đó mới chính là những lĩnh vực ngon nhất để đấu thầu vì khả năng sinh lãi cao hơn hẳn so với những lĩnh vực khác.

Mới đây, ông Phạm Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, tiếp tục đề cập đến tình trạng quá tải của 2 sân bay quốc tế lớn nhất Việt Nam là Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Lĩnh vực đầu tư cảng hàng không trong nước cũng đang sôi động dần lên và được Chính phủ rất khuyến khích. Trong đó, dự án sân bay quốc tế Long Thành ở Đồng Nai (sẽ có quy mô lớn nhất Đông Nam Á) với tổng vốn dự kiến 8 tỉ USD) là một trong những đích ngắm của một số nhà đầu tư.

Hồi tháng 3, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết đang triển khai nghiên cứu khả thi về kế hoạch phát triển sân bay Long Thành với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn của Nhật như Mitsubishi, Taisei, Japan Airport Consultants và Narita International Airport. Theo dự kiến, nghiên cứu sẽ được hoàn tất vào đầu năm 2012 để chuyển sang giai đoạn kêu gọi vốn đầu tư cho giai đoạn 1. Có nhiều khả năng những hạng mục như nhà ga hành khách, ga hàng hóa, bãi đậu xe, hạ tầng cung cấp điện, nước sẽ được kêu gọi vốn đầu tư theo PPP. Và ông Thái cho rằng, đây là cơ hội vàng cho các tập đoàn tư nhân. Chủ tịch Hội đồng Quản trị một tập đoàn đầu tư tư nhân lớn trong nước (đề nghị không nêu tên) khẳng định, sẽ tham gia đấu thầu một số hạng mục nhà ga hành khách như cửa hàng miễn thuế, bãi đậu xe vì các khoản đầu tư này có thể bắt đầu thu lãi sau khoảng 4 năm.

So với sân bay, cảng biển, đầu tư PPP trong lĩnh vực hạ tầng giao thông đô thị thường khó có lãi vì vốn đầu tư cao, trong khi nguồn thu là phí cầu đường phải phù hợp với thu nhập của người dân. Trong trường hợp này, nhà đầu tư tư nhân phải đặt lợi ích cộng đồng lên trên mục tiêu lợi nhuận của mình. “Tại Pháp, một số dự án đầu tư PPP giao thông công cộng có doanh thu những năm đầu chưa đến 13% tổng chi phí vận hành nên Nhà nước phải trợ giá”, ông Thái cho biết.

Năm 2008, liên danh TTI gồm Công ty Xây dựng và Thương mại Thanh Danh và Công ty Titanium Management (Malaysia) được TP.HCM giao nghiên cứu đầu tư dự án tuyến xe điện mặt đất số 1 dài 12,5 km, từ phà Thủ Thiêm đến Bến xe Miền Tây theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Nhằm bảo đảm khả năng thu hồi vốn và có lợi nhuận trong 15 năm đầu, TTI đã đề xuất dự trù bù giá vé đến 10.750 tỉ đồng (khoảng 717 tỉ đồng/năm), gần bằng mức bù giá của TP.HCM cho 120 tuyến xe buýt trong năm qua (gần 800 tỉ đồng). Tuy nhiên, mới đây TP.HCM đã quyết định ngưng đàm phán đầu tư với TTI vì liên danh này chưa chứng minh được năng lực tài chính. Và ông Thái cho biết, liên danh này có thể sẽ đề xuất đổi hình thức đầu tư từ BOT sang PPP. Trong đó, phần vốn của Nhà nước có thể lớn hơn nhiều so với quy định 30% trong Quy chế Thí điểm đầu tư theo PPP.

Cửa đang mở

Điều cần biết

Theo Quyết định 71/2010/QĐ-TTg về ban hành Quy chế Thí điểm đầu tư PPP, vốn của khu vực tư nhân tham gia dự án (không tính phần tham gia của Nhà nước) gồm vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, các nguồn vốn thương mại trong nước và quốc tế và các nguồn vốn khác được huy động theo nguyên tắc không dẫn đến nợ công. Vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư phải đảm bảo tối thiểu bằng 30% phần vốn của khu vực tư nhân tham gia dự án. Nhà đầu tư có thể huy động vốn vay thương mại và các nguồn vốn khác (không có bảo lãnh của Chính phủ) tới mức tối đa bằng 70% phần vốn của khu vực tư nhân tham gia dự án.

(Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Tuy mới được triển khai tại Việt Nam nhưng từ hơn nửa thế kỷ qua, PPP đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Nhờ vậy, nhiều vấn đề liên quan đến nhu cầu phát triển kinh tế xã hội đã được giải quyết như tình trạng ùn tắc giao thông, đảm bảo cung cấp điện, nước, nâng cấp hạ tầng sân bay, cảng biển.

Đơn cử là việc Singapore khởi công xây dựng Trung tâm Thể thao Quốc gia với hợp đồng đầu tư PPP giữa nhà thầu tư nhân là Tập đoàn Singapore Sports Hub Consortium và Hội đồng Thể thao Singapore ngày 29/9/2010. Một dự án PPP khác mà Việt Nam có thể tham khảo là mô hình cấp nước sạch ở Thượng Hải, ký kết năm 2009 giữa địa phương với Tập đoàn VE (Pháp) trong 50 năm. Gần đây nhất là ngày 30.3.2011, Tổng cục Đường sắt Pháp đã phê duyệt dự án đường sắt cao tốc đầu tư theo PPP (tổng vốn 7 tỉ euro) giữa Tập đoàn Vinci, Công ty Caisse des Dépôts và Quỹ Đầu tư AXA. Dự án có chiều dài 303 km, nối thành phố Tours với cảng Bordeaux. 

Tác động tích cực nhất của Quy chế Thí điểm đầu tư theo PPP là góp phần mở ra cơ hội và điều kiện huy động vốn từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước vào các dự án hạ tầng trọng điểm, giảm gánh nặng cho ngân sách quốc gia. “Việt Nam phải phát triển các dự án PPP vì nguồn vốn nhà nước hiện chỉ đáp ứng 30% nhu cầu. Vốn viện trợ phát triển có thể bị cắt giảm trong thời gian tới”, ông Eric Đinh Gia, Giám đốc Công ty Xây dựng Vinci Grands Projects tại Việt Nam (thuộc Tập đoàn Vinci), cho biết.

Tuy nhiên, hình thức PPP vẫn còn khá mới tại Việt Nam và khung pháp lý cần được tiếp tục hoàn thiện bằng thông tư hướng dẫn cụ thể cho nhà đầu tư, nhất là vấn đề linh động tỉ lệ góp vốn trong dự án. Theo quy chế trên, tổng giá trị phần vốn nhà nước không vượt quá 30% tổng mức đầu tư dự án, trừ những trường hợp được Thủ tướng quyết định. Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải đã kiến nghị Chính phủ bố trí kinh phí cho việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án PPP, từ đó các cơ quan quản lý có thể chuẩn bị phương án tài chính làm cơ sở mời thầu, đàm phán với nhà đầu tư. Việc này phải mất ít nhất 1-2 năm nữa.

Bên cạnh việc hoàn chỉnh khung pháp lý, theo phân tích của bà Đỗ Thị Thu Hà, Phó Tổng Giám đốc phụ trách lĩnh vực phát triển hạ tầng của Công ty KPMG Việt Nam, có 3 rủi ro chính đối với nhà đầu tư tiếp cận vốn vay từ ngân hàng quốc tế cho dự án PPP tại Việt Nam. Trước hết là về tiền tệ, Việt Nam còn thiếu công cụ phòng ngừa rủi ro hối đoái dài hạn nên các ngân hàng nước ngoài mong đợi Chính phủ Việt Nam chia sẻ một phần rủi ro. Quy chế trên chưa quy định rõ về vấn đề này. Tiếp đến là rủi ro trong xây dựng khiến các ngân hàng nước ngoài thường muốn làm việc với tập đoàn xây dựng quốc tế danh tiếng. Rủi ro về tài chính và luật pháp cũng là vấn đề các ngân hàng quan tâm trước khi quyết định cho vay. 

Vĩnh Bảo 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo