Nhiều dự án tìm vốn đầu tư hạ tầng ngoài ngân sách đã khó, tìm mô hình đầu tư cho hạ tầng lại càng khó hơn. Chính vì vậy, hợp tác công - tư (PPP) được các nhà quản lý VN xem như giải pháp hữu hiệu thay thế cho các mô hình cũ như: BOT, BT... vốn được ưa chuộng trước đây.
Đứng trước những đòi hỏi khách quan và cấp thiết, việc Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg ban hành Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) ngày 9/11/2010 và có hiệu lực từ ngày 15/1/2011 sẽ là động lực, tạo ra bước đột phá mới để phát triển cơ sở hạ tầng, lĩnh vực hạ tầng giao thông, đặc biệt là những tuyến cao tốc lớn ở nước ta.
Bước đột phá
Theo nhiều chuyên gia, tác động tích cực nhất của Quy chế thí điểm PPP là mở ra cơ hội, điều kiện huy động nguồn vốn của khu vực tư nhân vào việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Quy chế cũng quy định, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tối thiểu phải bằng 30% vốn của tư nhân tham gia dự án và được huy động (không có bảo lãnh Chính phủ) tối đa bằng 70% vốn của khu vực tư nhân tham gia dự án.
- Ảnh bên : Tập đoàn Bitexco được Thủ tướng Chính phủ giao lập dự án đầu tư dự án đường cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết-với tổng mức kinh phí lên tới 14.355 tỉ đồng
Ngoài ra, quy chế cũng quy định một số quyền của DN dự án như quyền thế chấp tài sản; quyền được mua ngoại tệ; đảm bảo cung ứng các dịch vụ công cộng; và bảo lãnh nghĩa vụ của nhà đầu tư. Đồng thời, quy chế cũng quy định rõ phần tham gia của Nhà nước không vượt quá 30% tổng mức đầu tư của dự án. Việc quy định rõ phần vốn tư nhân và phần tham gia của Nhà nước như vậy sẽ đảm bảo được đúng tính chất của dự án PPP, vì thực tế đã có những dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, BTO (những hình thức của mô hình PPP) tại VN, vốn của Nhà nước tham gia tới 80 – 90%.
Một điểm đột phá nữa được nhiều nhà đầu tư quốc tế đánh giá cao trong Quy chế thí điểm PPP là đã quy định rõ: Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thực hiện theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước hoặc quốc tế, trên cơ sở cạnh tranh công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế, phù hợp với pháp luật VN và theo tập quán, thông lệ quốc tế. Đấu thầu rộng rãi là cánh cửa mở cho rất nhiều nhà đầu tư có tiềm lực tham gia dự án PPP.
Nhà đầu tư vẫn băn khoăn
Nhu cầu cho đầu tư cơ sở hạ tầng của VN khoảng 16 tỷ USD/năm, trong khi khả năng đáp ứng của Nhà nước chỉ khoảng 7-8 tỷ USD. Hiện nay, rất nhiều dự án đường cao tốc lớn đang được xúc tiến và dự kiến triển khai theo hình thức PPP như: Dầu Giây - Phan Thiết, Ninh Bình - Thanh Hóa, Mỹ Thuận - Cần Thơ, Nội Bài - Hạ Long, Hạ Long - Móng Cái, Dầu Giây - Đà Lạt... |
Mặc dù được kỳ vọng rất lớn nhưng việc huy động vốn theo hình hợp tác Nhà nước- Tư nhân (PPP) vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân của việc này chủ yếu là do hành lang pháp lý chưa rõ ràng, khiến cho các nhà đầu tư tư nhân chưa thật sự yên tâm để “vào cuộc”. Ông Ben Darche - chuyên gia Tư vấn quốc tế cho biết: Kinh nghiệm thực hiện PPP của nhiều nước trên thế giới cho thấy, việc các luật thiếu thống nhất, thiếu các văn bản hướng dẫn thực hiện thỏa đáng là những yếu tố góp phần làm các dự án PPP thất bại.
Phải đặc biệt quan tâm đến các quy định về trách nhiệm tài chính đối với hỗ trợ tài chính của Chính phủ, cơ chế lãi suất, cũng như quy định rõ cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm thực hiện các dự án PPP. Ngoài ra, vấn đề tiên quyết đối với việc huy động các nhà đầu tư thực hiện mô hình PPP chính là cơ hội tìm kiếm lợi nhuận từ các dự án nhưng một số DN còn băn khoăn về ràng buộc bảo lãnh vốn vay của Chính phủ và tỷ lệ góp vốn 30% - 70% trong một dự án PPP. Cũng đồng quan điểm này, theo các chuyên gia trong lĩnh vực XDCB giao thông, suy cho cùng thực chất PPP chính là làm sao Chính phủ có thể đảm bảo được những lợi ích thiết yếu cho người dân, DN và toàn xã hội. Thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phải kiến nghị Chính phủ bố trí kinh phí cho công tác chuẩn bị nhiều dự án PPP giao thông để các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có đủ dữ liệu cần thiết về phương án tài chính, mức hỗ trợ tài chính chi tiết làm cơ sở mời thầu và đàm phán với các nhà đầu tư trong tương lai.
Theo một nghiên cứu của ADB, phương pháp PPP có những thuận lợi chính như sử dụng được kỹ năng, công nghệ hiện đại và tính hiệu quả của khu vực tư nhân. PPP buộc khu vực công ngay từ đầu phải chú trọng vào đầu ra và lợi ích, thay vì các yếu tố đầu vào. PPP còn giúp đưa vốn tư nhân và và giúp giảm nhẹ gánh nặng tài chính cho dự án. Hơn nữa, PPP giúp chia sẻ rủi ro cho các đối tác khác nhau, xong lại đảm bảo được ngân sách cho dự án thực hiện. Theo hình thức đầu tư này, các nhà đầu tư tư nhân có trách nhiệm hơn trong việc cung ứng dịch vụ trong môi trường khuyến khích thích hợp. Tuy nhiên, ADB cũng đặt ra một số thách thức: liệu khu vực công có đủ năng lực và kỹ năng để áp dụng PPP và thiết lập môi trường pháp lý và khuyến khích thích đáng không? Liệu khu vực tư nhân có đủ năng lực chuyên môn để đảm bảo thực hiện PPP không? Bởi suy cho cùng, PPP không thể chuyển giao rủi ro tuyệt đối.
Khắc Lãng
- Lối ra nào cho vấn đề bất bình đẳng về tài sản?
- Dự thảo Luật Thủ đô: Bỏ rơi ngoại thành và khu vực nông nghiệp nông thôn
- Pháp luật đất đai hiện nay: Rào cản của phát triển kinh tế
- Hà Nội – Chợ dân sinh, lối sống và sức khỏe cộng đồng bị đe dọa
- Bài kiểm tra đột xuất về khả năng đàn hồi hệ thống của nước Nhật
- Quy hoạch sẽ “tiêu” nếu mỗi đời chủ tịch quyết một kiểu
- TPHCM thế kỷ 21
- "Metro không giúp giải quyết dứt điểm nạn kẹt xe"
- Cao ốc xanh tiết kiệm năng lượng
- Ngập lụt tại TP Hồ Chí Minh: Hướng tiếp cận "mềm"
Lời bình
tin bình luận RSS của chủ đề này