Ashui.com

Thursday
Apr 25th
Home Tương tác Phản biện Lối ra nào cho vấn đề bất bình đẳng về tài sản?

Lối ra nào cho vấn đề bất bình đẳng về tài sản?

Viết email In

Để nâng cao chất lượng tăng trưởng và duy trì ổn định xã hội, Việt Nam cần tiếp tục tập trung vào 3 nhóm chính sách: quản lý kinh tế vĩ mô trong bối cảnh hội nhập, xây dựng nguồn lực trong nước cho tăng trưởng, gia tăng giá trị và giải quyết những vấn đề mới phát sinh do tăng trưởng kinh tế gây ra.

Hiện nay, dù các nhà hoạch định chính sách Việt Nam dường như chỉ chú trọng đến kiềm chế lạm phát nhưng những thách thức khác cũng cần được giải quyết nhằm duy trì tăng trưởng trong dài hạn và vượt qua “cái bẫy” thu nhập trung bình.

Ở Đông Á, có 2 nhóm nền kinh tế tăng trưởng cao. Nhóm thứ nhất gồm Nhật (trong những năm 1960 và 1970), Hàn Quốc và Đài Loan. Tại các nước và lãnh thổ này, khoảng cách về thu nhập và giàu nghèo được thu hẹp khi kinh tế tăng trưởng nhanh, nông dân và công nhân đều cảm thấy hạnh phúc và hy vọng vào tương lai tươi sáng bởi thu nhập thực tế của họ tuy thấp nhưng mỗi năm đều tăng.

Tại Nhật, có những chu kỳ kinh doanh và bong bóng nhà đất, nhưng khoảng cách thu nhập vẫn tiếp tục được thu hẹp mặc dù xảy ra những bất ổn về kinh tế vĩ mô.

Tại Hàn Quốc, trong thời kỳ tăng trưởng cao, tỉ lệ thu nhập bình quân đầu người của khu vực thành thị giàu nhất với tỉnh nghèo nhất vẫn luôn duy trì ở mức 2,0 từ năm 1971 đến năm 1981 và sau đó đến năm 1991 giảm xuống còn 1,75. Nông dân không bị tụt hậu trong thời kỳ kinh tế phát triển thần kỳ ở Hàn Quốc.

Tại Đài Loan, hoạt động mạnh mẽ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tạo ra điều kiện xã hội giúp người dân nâng cao đời sống và thụ hưởng thành quả của tăng trưởng.

Nhóm thứ 2 gồm Trung Quốc, Thái Lan và Philippines. Các nước này cũng tăng trưởng khá nhanh, đôi khi rất nhanh.

Tuy nhiên, họ vẫn bị phân hóa giàu nghèo giữa các vùng, ngành nghề và cá nhân. Tăng trưởng cao chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm dân số trong khi phần lớn lại cảm thấy bị tụt hậu và thất vọng. Chừng nào tăng trưởng bình quân còn cao, bất mãn có thể chưa xảy ra ngay. Nhưng sự phân hóa tiếp diễn trong thời gian dài sẽ dẫn tới nguy cơ xảy ra chia rẽ và xung đột xã hội.

Yasusuke Murakami, một nhà kinh tế chính trị từng viết rằng, chính sách công nghiệp hóa chắc chắn thất bại nếu những người bị thiệt thòi không được quan tâm đúng mức.

Tăng trưởng cao chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm dân số trong khi phần lớn lại cảm thấy bị tụt hậu và thất vọng. 

Hệ số Gini (chỉ số bất bình đẳng) của Việt Nam về thu nhập và chi tiêu trong thời gian dài ổn định ở mức 0,4 và thấp hơn (tức là bình đẳng hơn) so với Trung Quốc (khoảng 0,5). Tuy nhiên, con số này không phản ánh được nguyên nhân chính gây ra bất bình đẳng đang nổi lên ở Việt Nam. Đó là sự bất bình đẳng về tài sản liên quan đến thị trường bất động sản ở thành thị đang tạo ra khoảng cách giàu nghèo mới.

Rõ ràng, cư dân thành thị lâu năm sở hữu đất đai và nhà cửa ở Hà Nội và TP.HCM là những người hưởng lợi.

Những người tiếp cận được nguồn thông tin bất hợp pháp có chăng kiếm lời lớn một cách nhanh chóng nhờ mua bán bất động sản? Trong khi đó, người lao động bình thường, những người thuê nhà và những người đang di cư ra thành thị không có cách nào để tham gia vào thị trường bất động sản và lương thì bị thâm hụt vì lạm phát. Thật kinh ngạc khi giá bất động sản tại Hà Nội tương đương với giá tại Tokyo trong khi thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ bằng 2,8% của Nhật. Có lẽ, đầu cơ tài sản là động lực chính tạo ra sức mua ở Việt Nam chứ không phải lợi nhuận của doanh nghiệp hay thu nhập của người lao động.

Để giải quyết vấn đề này, trước hết, cần thu thập và phân tích số liệu thống kê tài sản để phục vụ cho việc hoạch định chính sách. Thứ hai, cần từng bước áp dụng các loại thuế nhằm thu hẹp khoảng cách về tài sản, bao gồm thuế bất động sản, thuế giao dịch bất động sản và thuế thừa kế như một số thành phố ở Trung Quốc đang thực hiện. Thứ ba, cần tiếp tục cuộc chiến với tham nhũng, sự thiếu minh bạch và giao dịch nội gián.

Cuối cùng và cũng là quan trọng nhất, các chính sách công nghiệp phải được cải thiện nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam và chất lượng giáo dục đào tạo cho sinh viên và người lao động phải được nâng cao. 

GS. Kenichi Ohno - Đồng Giám đốc Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo