Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Phản biện Quảng trường trung tâm và Công viên bờ sông Khu đô thị mới Thủ Thiêm

Quảng trường trung tâm và Công viên bờ sông Khu đô thị mới Thủ Thiêm

Viết email In

Tại hội thảo góp ý lập quy hoạch chi tiết 1/500 Quảng trường trung tâm và Công viên bờ sông Sài Gòn tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTMTT) vừa qua do Ban Quản lý KĐTMTT tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, TPHCM đang rất cần một không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nên khi thiết kế cần phải lưu ý đến cảnh quan của dự án chứ không chỉ tập trung vào chức năng chính trị, tài chính.

Nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng

Theo Ban Quản lý KĐTMTT, mục tiêu của việc lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Quảng trường trung tâm và Công viên bờ sông Sài Gòn nhằm phát triển bền vững KĐTMTT và tạo cho TPHCM một cảnh quan không gian công cộng phục vụ cộng đồng. Theo đó, Quảng trường trung tâm cũng sẽ được thiết kế như một điểm đến năng động về đêm, là một không gian công cộng đa năng và đa dạng với sự kết hợp những yếu tố kiến trúc, cảnh quan công trình, cảnh quan cây xanh. Quảng trường trung tâm tại KĐTMTT sẽ là không gian công cộng hiện đại trong thế kỷ 21 của người dân Việt Nam.

  • Ảnh bên : Phối cảnh Quảng trường trung tâm và Công viên bờ sông Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Ảnh: Huy Anh)
Công viên bờ sông cũng là công viên văn minh, hiện đại. Cùng với việc chỉnh trang bờ Tây sông Sài Gòn, Công viên bờ sông tại đây sẽ là trung tâm sinh thái độc đáo, đặc trưng của bản sắc văn hóa “sông nước Nam bộ”. Toàn bộ Công viên bờ sông trải dài 2km từ Trung tâm triển lãm quốc tế phía Bắc đến Khu thể thao và giải trí phía Nam. Công viên được dự kiến là không gian công cộng đa chiều, phục vụ các hoạt động giải trí. Quảng trường trung tâm và Công viên bờ sông KĐTMTT sẽ là nơi phục vụ sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân TP.

Theo đề xuất của Công ty Tư vấn Deso (Pháp), quảng trường và công viên có diện tích khoảng hơn 20ha, có sức chứa khoảng 1,8 triệu người. Quảng trường đặt tại một trong những vị trí đẹp nhất của KĐTMTT, đối diện Công viên Bạch Đằng của khu trung tâm TP hiện hữu và kết nối bởi 2 cây cầu đi bộ. Quảng trường sẽ là nơi diễn ra các sự kiện chính trị, lễ hội, đồng thời là điểm vui chơi giải trí của người dân. Ngoài ra, trong dự án này, công viên cũng là một trong những yếu tố rất quan trọng, do đó một mảng xanh sẽ được thiết kế như một không gian mở bao gồm các loại cây xanh và vườn tre có diện tích trên 30.000m². Chính công viên này sẽ tạo ra không gian sống động cho khu vực này.

Quảng trường trung tâm và Công viên bờ sông sẽ đóng góp vào việc thúc đẩy sự phát triển của KĐTMTT. Trình bày tại hội thảo, đại diện Công ty Tư vấn Deso cho rằng, muốn xây dựng một quảng trường thành công thì không chỉ xây dựng những công trình bên trên nó mà cần phải tạo ra một không gian sống cho người dân tại khu vực đó. Đặc biệt không gian đó phải thể hiện được nét văn hóa, bản sắc của người Việt Nam. Đó là một yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sự thành công của dự án.

Ông Trang Bảo Sơn, Phó ban Quản lý đầu tư - xây dựng KĐTMTT, đề nghị khi lập quy hoạch, đơn vị tư vấn cần tạo không gian cảnh quan phong phú để mọi người dân hưởng thụ khi vui chơi tại đây. Không chỉ thể hiện tính khả thi của dự án mà còn phải đáp ứng được những yêu cầu của TP đã giao.

Đừng để nhà cao tầng “ép” công viên

Sau khi nghe Công ty Tư vấn Deso trình bày, nhiều ý kiến đồng tình với thiết kế rất đẹp của Quảng trường trung tâm nối liền với Công viên bờ sông Sài Gòn, 2 cây cầu nối quảng trường và công viên với khu trung tâm hiện hữu là hợp lý, nhưng phải thiết kế 2 cây cầu này thành tác phẩm nghệ thuật đích thực chứ không đơn thuần là chiếc cầu nối. Tuy nhiên, ông Vũ Hùng Việt, nguyên Trưởng ban Quản lý KĐTMTT, cho rằng, đầu bài đặt ra cho nghiên cứu lần này chưa cụ thể, nội dung sinh hoạt của công viên cũng chưa rõ ràng. Bà Nguyễn Thị Hậu, Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cũng đồng tình và cho rằng nên xác định chức năng chính của dự án là gì, đồng thời chức năng của công viên nhằm phục vụ sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân nhưng phải đưa ra cụ thể những hoạt động cộng đồng nào được sinh hoạt tại công viên để từ đó đưa ra một thiết kế hợp lý nhất.

KTS Lưu Trọng Hải cho rằng, TP hiện đang rất cần một không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nên khi thiết kế cần phải lưu ý đến cảnh quan của KĐTMTT chứ không chỉ tập trung vào chức năng chính trị, tài chính. Với KĐTMTT, chức năng là một trung tâm cảnh quan cũng quan trọng không kém chức năng trung tâm tài chính vì khu trung tâm của KĐTMTT sẽ đối trọng với khu trung tâm hiện hữu đang phát triển.

Việc phục vụ cho các hoạt động về chính trị như mít tinh, diễu hành, duyệt binh… cũng phải tính đến, nhưng nên chọn không gian sinh hoạt cộng đồng là chủ thể chính của dự án vì những hoạt động chính trị như duyệt binh sẽ không diễn ra thường xuyên. Góp ý thêm với thiết kế của Công ty Tư vấn Deso, KTS Lưu Trọng Hải cho rằng, nếu bố trí 2 dãy nhà 2 bên khu vực Công viên bờ sông Sài Gòn thì công viên sẽ bị ép và sẽ không còn bản sắc công viên. Khu vực phía Nam của dự án nên bố trí các công trình thấp tầng và công trình công cộng thay vì các tòa cao tầng để tạo không gian thông thoáng cho công viên.

Đóng góp ý kiến để lập quy hoạch cho dự án, một số ý kiến cũng cho rằng không nên bố trí không gian ngầm quá nhiều tại dự án mà nên để người dân tận hưởng thiên nhiên trong lành trên mặt đất, đặc biệt là khu vực bờ sông Sài Gòn - vốn rất mát vào buổi tốt. Công viên nên bố trí nhiều mảng xanh và hồ nước, không nên đặt các “khu vui chơi giải trí hóa công viên” như những công viên hiện nay sẽ rất ồn ào, xô bồ.

NHUNG NGUYỄN - MINH HUY
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo