Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Phản biện Dự thảo Luật Thủ đô: Bỏ rơi ngoại thành và khu vực nông nghiệp nông thôn

Dự thảo Luật Thủ đô: Bỏ rơi ngoại thành và khu vực nông nghiệp nông thôn

Viết email In

Chiều 22/3, Quốc hội thảo luận cho ý kiến dự thảo Luật Thủ đô. Đây là dự án luật quan trọng, dự kiến được thông qua từ kỳ họp thứ bảy để chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Nhưng việc xác định cơ chế đặc thù, với nhiều nội dung đụng Hiến pháp, xung đột với nhiều luật khác nên đã bị lùi lại qua hai kỳ họp. Tuy nhiên, ngay tại buổi thảo luận đầu tiên của kỳ họp thứ chín Quốc hội Khoá XII, nhiều đại biểu vẫn băn khoăn cho rằng dự thảo còn ngổn ngang trăm mối, chưa yên tâm khi bấm nút thông qua.

Đừng biến người không có hộ khẩu thành công dân hạng hai

Theo đại biểu (ĐB) Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của QH - thì dự thảo luật lần này đã được tiếp thu, chỉnh lý, không còn những quy phạm đụng Hiến pháp. Hai vấn đề lớn từng gây tranh cãi và thảo luận sôi nổi là quản lý dân cư, trong đó đặc biệt là điều kiện nhập hộ khẩu vào nội thành Hà Nội và các chính sách, pháp luật đặc thù cho thủ đô cũng đã được điều chỉnh.

  • Ảnh bên : Các đại biểu thảo luận về dự thảo Luật Thủ đô (Ảnh: TTXVN)

Theo tờ trình của UBTVQH thì do quy định của Luật Cư trú về điều kiện đăng ký thường trú khá “mở”, vì thế tốc độ phát triển dân cư trên địa bàn Hà Nội thời gian qua rất nhanh. Sức ép về dân số đang thực sự là thách thức đối với chính quyền thủ đô. Vì vậy, UBTVQH đề nghị QH cho phép chỉnh lý lại nội dung này theo hướng giữ nguyên các điều kiện đăng ký thường trú tại nội thành Hà Nội như quy định hiện hành của Luật Cư trú đối với trường hợp được điều động, tuyển dụng, làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn; trường hợp về ở cùng người thân hoặc trường hợp đã từng có hộ khẩu trong nội thành.

Chỉ quy định các điều kiện đăng ký thường trú đối với các trường hợp không thuộc các đối tượng nêu trên nhằm giảm bớt số lượng người nhập cư vào nội thành. Điều kiện cụ thể đối với các trường hợp này là phải đáp ứng đủ: Có việc làm hợp pháp, ổn định ở Hà Nội; có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê lâu dài của tổ chức, cá nhân kinh doanh nhà ở; đã tạm trú liên tục tại nơi đăng ký thường trú ít nhất 2 năm.  

Tuy nhiên, theo ĐB Trần Du Lịch thì trong điều kiện kinh tế thị trường không thể quản lý nhập cư bằng hộ khẩu. Hà Nội muốn hạn chế nhập cư nhưng vẫn gia tăng xây dựng cao ốc, trung tâm thương mại thì mục tiêu trên không thể thực hiện được. Theo ĐB Lịch thì muốn tăng chất lượng dân số phải bắt đầu từ thay đổi cơ cấu kinh tế, muốn hạn chế nhập cư, chống kẹt xe thì phải bắt đầu từ thay đổi quy hoạch hạ tầng đô thị và giao thông. “Đừng vì đặc thù này mà biến người dân không có hộ khẩu thành công dân hạng hai” - ĐB Lịch đề nghị.

Cùng luồng ý kiến này, ĐB Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, để hạn chế nhập cư cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó hướng đến việc mở rộng đô thị ra ngoại thành.

Bỏ rơi ngoại thành, nông nghiệp, nông thôn

Theo ĐB Trần Du Lịch thì các quy định được cho là đặc thù của thủ đô trên thực tế đã có địa phương thực hiện thành công. Ví như quy định về thu hồi đất hai bên đường theo quy hoạch... thành phố Đà Nẵng đã làm. Còn quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung thủ đô sau khi trình QH cho ý kiến... thì thực tế chưa có luật này chúng ta cũng đã thực hiện. Từ đó, ĐB Trần Du Lịch đề nghị cần phải tính toán và cân nhắc kỹ nếu không nay mai những địa phương có đủ điều kiện đô thị nhưng chỉ vì không phải là thủ đô nên không thể thực hiện được các chính sách ưu việt trên.

Ngoài ra, cũng theo ĐB Trần Du Lịch thì ban soạn thảo đã có nhiều nỗ lực và cố gắng nhưng việc chuẩn bị dự thảo luật lần này vẫn chưa đạt yêu cầu. Mới chỉ nặng về quy mô đô thị, tức Hà Nội là đô thị đặc biệt. “Tuy nhiên nếu chỉ cần thay từ “thủ đô” bằng từ “đô thị” trong 7 mục tiêu đặc trưng xây dựng và phát triển thủ đô thì Hà Nội không khác bất kỳ một đô thị nào khác”. Theo ĐB Lịch thì vấn đề quan trọng là xác định địa vị chính trị, pháp lý của thủ đô chứ không phải chỉ giải quyết những bức xúc về đô thị.

Đồng tình với quan điểm này, ĐB Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, các quy định trên tưởng là đặc thù nhưng lại không phải là đặc thù, nhiều địa phương đã làm và cũng cần được hưởng, vì vậy cần quy định trong các luật chuyên ngành chứ không thể quy định trong Luật Thủ đô. Theo ĐB Kso Phước, các quy định về cơ chế đặc thù cho thủ đô còn rất lúng túng. Nếu quy định không khéo sẽ biến Hà Nội thành khu tự trị.

Cũng theo ĐB này, quá trình xây dựng luật này đụng đến 12 luật, vì vậy ĐB Kso Phước đề nghị ban soạn thảo cần rà soát xem các quy phạm trong luật có xung đột với 12 luật khác không, nếu có xung đột phải báo cáo QH xem xét.

Ngoài ra, theo nhiều ĐB thì vì quá chú trọng đến đô thị mà Luật Thủ đô đã gần như bỏ qua các khu vực ngoại thành. Vấn đề nông nghiệp, nông thôn, một địa bàn quan trọng và rộng lớn của thủ đô đã không được quy định đầy đủ trong luật.

Duy Thanh


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo