Hội thảo “TPHCM thế kỷ 21 - Hướng tới một đô thị với hệ thống giao thông đẳng cấp thế giới” nhằm báo cáo kết quả nghiên cứu dự án “TPHCM thế kỷ 21” được Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) và Tập đoàn Siemens hỗ trợ với sự hợp tác của UBND TPHCM và Viện nghiên cứu phát triển TPHCM đã diễn ra ngày 4/3.
PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM cho biết: “Sau 18 tháng hợp tác nghiên cứu, các bên đã công bố những kết quả đạt được để hướng đến thực thi trong tương lai”.
Theo kết quả nghiên cứu dự án, nhóm nghiên cứu đã xác định được 5 điểm ưu tiên đầu tư nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống tại TPHCM và đề xuất 11 vấn đề cần đi vào nghiên cứu chi tiết hơn để thực hiện. Trong đó, nổi bật lên là vấn đề giao thông. Cụ thể, trong 5 ưu tiên đầu tư thì có đến 3 thuộc lĩnh vực giao thông, trong 11 vấn đề cần nghiên cứu chi tiết thì có đến 7 vấn đề cũng thuộc lĩnh vực giao thông.
Các chuyên gia nghiên cứu dự án cho rằng: “Chất lượng của hệ thống giao thông là nền tảng cho năng lực cạnh tranh của thành phố. Một trong những phụ đề của dự án có tầm quan trọng đặc biệt là “Hướng tới một đô thị giao thông công cộng đẳng cấp thế giới”.
Khả năng đi lại hiện là vấn đề của TPHCM. Cơ sơ hạ tầng là một thử thách đáng kể, gây ảnh hưởng đến các yếu tố khác như môi trường, biến đổi khí hậu… Do đó, cần có những giải pháp vận chuyển an toàn và hiệu quả.
Ngoài ra, các chuyên gia nhận định vấn đề đô thị hóa cũng là một thách thức bởi trong tương lai dân số tại TPHCM sẽ tăng cao hơn nữa. Vì thế, thành phố cần có một chiến lược phát triển bền vững về an sinh, xã hội, môi trường… nhằm đáp ứng tốt cho chất lượng cuộc sống của người dân.
Phương án phát triển TP tầm vĩ mô đã được nghiên cứu đề ra rất rõ ràng. Tuy nhiên, điều mọi người quan tâm nhất là chi phí khổng lồ để thực hiện dự án: 290 tỷ USD, số tiền phải chi hàng năm lên đế 7,3 tỷ USD (chiếm khoảng 8,1% GDP).
Theo đề nghị của các chuyên gia, Việt Nam nên trích 5% GDP để đầu tư cho TPHCM phát triển dự án (chiếm 73% tổng nhu cầu vốn), phần còn lại sẽ do khu vực tư nhân đảm trách hoặc thu từ các khoản phí, lệ phí.
Cụ thể, những người hưởng lợi từ dự án này phải đóng góp tài chính. Dự kiến, khu vực tư nhân sẽ đóng góp khoản 25% tổng vốn đầu tư. Phần còn lại sẽ thu từ thuế gia tăng giá trị của đất, thu từ các loại phương tiện lưu thông khi đi vào thành phố…
Ngọc Thanh - Tùng Nguyên
- Pháp luật đất đai hiện nay: Rào cản của phát triển kinh tế
- Hà Nội – Chợ dân sinh, lối sống và sức khỏe cộng đồng bị đe dọa
- Bài kiểm tra đột xuất về khả năng đàn hồi hệ thống của nước Nhật
- Hình thức đầu tư PPP : Lợi thì có lợi, nhưng...
- Quy hoạch sẽ “tiêu” nếu mỗi đời chủ tịch quyết một kiểu
- "Metro không giúp giải quyết dứt điểm nạn kẹt xe"
- Cao ốc xanh tiết kiệm năng lượng
- Ngập lụt tại TP Hồ Chí Minh: Hướng tiếp cận "mềm"
- Khôi phục cảnh “trên bến dưới thuyền” Sài Gòn xưa
- Trường ra ngoại thành, đất vàng dành ai?