"Bài toán" di dời 12 trường đại học, cao đẳng ra ngoại thành thì những "khu đất vàng" để làm gì vẫn chưa có câu trả lời từ phía các nhà hoạch định chính sách. Trong đó, một số trường đang có phương án: giữ lại "đất vàng" và được nhận thêm đất.
Trên 30 ha "đất vàng"
Tại buổi làm việc với Bộ GD-ĐT sáng 16/1, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo "đến hết tháng 8/2011, các trường phải đăng kí xong kế hoạch di dời đến địa điểm mới". Trong khi đó, hầu hết các trường phải di dời vẫn chưa biết địa điểm mới ở đâu.
Về lý thuyết, vùng Thủ đô Hà Nội sẽ có 12 trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) phải di dời ra ngoại thành - như vậy 12 khu "đất vàng" sẽ dùng vào mục đích gì đang là "bài toán" chưa có lời giải.
Danh sách 12 trường ĐH, CĐ phải di dời thì trường có nhiều "đất vàng" trong nội thành nhất là ĐH Y Hà Nội với 11 ha. Kế đến là Trường CĐ Y tế Hà Nội với 5,9 ha. Trường ĐH Xây dựng đứng thứ ba với 3,72 ha...Trường có diện tích đất trong nội thành nhỏ nhất là Viện ĐH mở Hà Nội, chỉ có 0,37 ha.
Các trường còn lại có diện tích "đất vàng" trên 2ha gồm ĐH Ngoại thương (2,73ha); ĐH Công đoàn (2,31ha); ĐH Văn hóa Hà Nội (2ha)...
Diện tích đất trong nội thành nói trên do Bộ GD-ĐT khảo sát năm 2009. Tổng diện tích đất 12 trường hiện có trên 30ha.
Là một trong những đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng đề án Quy hoạch và Xây dựng hệ thống các trường ĐH, CĐ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thiết kế trường học (Bộ GD-ĐT) Trần Thanh Bình cho biết, việc giải quyết những khu "đất vàng" hiện chưa có phương án cụ thể.
"Tuy nhiên, nhiều khả năng những cơ sở thuộc diện phải di dời mà địa điểm cũ không khai thác được vào mục đích đào tạo theo chuẩn quy định thì nhà nước cho bán. Kinh phí bán được dùng đầu tư xây dựng cơ sở mới" - ông Bình nói.
Sẽ có trường đề xuất giữ lại cơ sở cũ kèm theo những cam kết đảm bảo chuẩn đào tạo đạt hiệu quả. Nhưng "bán" hay "giữ lại" các trường phải tính toán "cân - đo - đong - đếm"; đồng thời đưa ra được giải pháp khả thi đạt hiệu quả thì nhà nước sẽ xem xét trên cơ sở đề xuất của các trường.
Vẫn theo ông Bình thì hiện việc di dời trường ĐH ra ngoại đô mới đang được triển khai bước 1: quy hoạch đất sạch cho các khu ĐH tập tập trung. Quy hoạch này nằm trong quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ.
Dự kiến, nhanh thì quý 1/2011 sẽ có đất sạch cho các trường, còn chậm nhất là cuối năm 2011 các trường sẽ được bàn giao đất xây trường - ông Bình dự đoán.
Trường muốn thêm cơ sở 2
Không chỉ Viện ĐH mở Hà Nội mong được giữ lại khu "đất vàng" ở phố Nguyễn Hiền (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) làm cơ sở 1; lãnh đạo Trường ĐH Văn hóa đặt giả thuyết, nếu được chọn "ở hay đi" thì trường sẽ chọn ở lại nội thành (đường La Thành, Đống Đa)...
Còn PGS-TS Nguyễn Đức Hinh - Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho rằng, việc di dời trường ĐH, CĐ ra ngoại đô là chủ trương đúng. Tuy nhiên khi thực hiện triển khai cần tính toán lộ trình, bước đi cho phù hợp; thậm chí nên có lộ trình di dời cho từng trường hoặc từng nhóm trường (khối Văn hóa, Kinh tế...) vì mỗi trường có một đặc thù riêng.
Đặc thù của Trường ĐH Y Hà Nội là sinh viên từ năm 3 trở đi, buổi sáng phải đi đến các bệnh viện thực tập, buổi chiều quay về trường học và buổi tối cũng tham gia trực với các bác sĩ ở các bệnh viện...Sự gắn kết mô hình Viện - trường là đặc thù của trường nhiều năm nay - ông Hinh chia sẻ. Do đó, giả sử tháng 8 trường phải chuyển lên Sơn Tây thì sinh viên sẽ thực tập ở đâu? Ra một khu không có bệnh viện cho sinh viên thực tập sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo y - bác sĩ và trường sẽ không hoạt động được.
"Chưa kể, xét về "tuổi đời" gắn bó với đời sống Thủ đô thì không có trường nào vượt ngưỡng 109 năm hoạt động như ĐH Y Hà Nội..." - ông tự hào.
Do đó ông Hinh kiến nghị, với những trường có bề dày lịch sử văn hóa thì thực hiện việc di dời nhưng không xóa bỏ chỗ cũ. Trường ĐH Y Hà Nội cũng đã có công văn gửi Bộ Y tế xem xét cho giữ lại cơ sở 1 và bổ sung xây mới cơ sở 2. Cách đây hơn một năm trường đã làm việc với UBND huyện Quốc Oai và huyện đã có công văn gửi UBND TP.Hà Nội chấp thuận cho trường 60ha xây dựng cơ sở 2. Và trường đang chờ câu trả lời từ phía các cơ quan chức năng cho phép xây dựng cơ sở 2 càng sớm càng tốt.
Vấn đề kinh phí để xây trường ở địa điểm mới cũng được các trường "đá bóng" về phía Chính phủ với lý do: trường của nhà nước nên nhà nước phải lo!. Vậy nên để việc di dời đi đến "đích" Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội đề xuất, song song với việc xác định lộ trình di dời cho từng nhóm trường nên làm thí điểm 1-2 trường rồi vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Chứ sức thì hạn chế, tiền lại không có nhiều mà di dời đồng loạt cùng lúc cả 12 trường sẽ quá sức?
Quyết định bước đi như nào? đầu tư thế nào cho hiệu quả...nằm ngoài tầm của Bộ. Theo Hiệu trưởng Hinh thì phải Chính phủ vào cuộc thì việc di dời sẽ hiệu quả.
Còn theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu thiết kế trường học Trần Thanh Bình thì đến nay Tổ công tác liên ngành gồm đại diện các Bộ: Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Kế hoạch và đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải vẫn chưa được thành lập. Trong khi chỉ đạo này được Văn phòng Chính phủ phát đi kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ngày 23/12/2010.
Kiều Oanh
>>
- TPHCM thế kỷ 21
- "Metro không giúp giải quyết dứt điểm nạn kẹt xe"
- Cao ốc xanh tiết kiệm năng lượng
- Ngập lụt tại TP Hồ Chí Minh: Hướng tiếp cận "mềm"
- Khôi phục cảnh “trên bến dưới thuyền” Sài Gòn xưa
- Quy hoạch Hà Nội: Tìm lại không gian xanh
- Kiến trúc bền vững - hiểu một cách đơn giản
- Chuyện kiến trúc, suy cho cùng là chuyện ứng xử
- Đừng quên phí môi trường
- Thành nhà Hồ - Hành trình đến với di sản văn hóa