Đô thị lịch sử biết chắt chiu những gì ông cha để lại là đô thị đầy giá trị nhân văn. Một cổng làng rêu phong giữa phố tràn hàng hiệu, một miếu nhỏ thờ tự những thánh thần không biết mặt nhưng giúp tạo nghề nuôi sống muôn dân hay như khoảng không gian vừa đủ thắp nén nhang những liệt sỹ từng có thời niên thiếu nghịch chơi nơi phường xã... Rất nhỏ, rất nhỏ thôi nhưng đó là những Dấu Chấm (.) gạch nối giữa HÔM NAY và QUÁ KHỨ, là Khoảng lặng đô thị. Giá trị này thật đáng trân trọng và phải được giữ gìn giữa một Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, nơi "lắng hồn núi sông ngàn năm..."
Không thể so với các "anh, chị cả" trong làng di tích đã xếp hạng với lý lịch oai phong hay khuôn viên rộng lớn như Thành Cổ, Quốc Tử Giám, Quán Thánh, Cổ Loa...
Chẳng dám ví đến những đại công trình có tính chất trọng điểm, giá trị nổi trội về kiến trúc hay hiệu quả kinh doanh để được ưu tiên hay hỗ trợ từ khâu giải phóng mặt bằng đến đầu tư xây dựng hoặc nếu để so với các kế hoạch 10, 20 năm của Thành phố... thì chúng tôi là những Dấu Chấm rất-nhỏ-rất-vụn-vặt, nơi thì có thể có người bảo là chỗ tâm linh mê tín, nơi lại bị coi là chốn cũ kỹ cổ xưa, không cách tân trong một đô thị đang rạo rực mọi nơi để phát triển theo hướng đời hiện đại...
Chúng tôi là những gì đời trước đã xây, đời nay đang dựng và đời sau còn tiếp tục - gọi chung là những vật thể kiến trúc hoặc chưa hoặc không xếp hạng: Nhỏ thì như cổng làng cổ cũ (mà hầu hết đô thị Việt Nam bắt nguồn từ làng xã), miếu thần thánh, to thì như nhà thờ họ, đình tổ nghề, cũ như nhà thờ, mới như khu tưởng niệm, bia lưu danh liệt sỹ phường mà không phường nào không có...
- Ảnh bên : Cổng làng cổ phố Thụy Khuê
Nhỏ vậy mà hà cớ sao chúng tôi cứ hay tự nâng quan điểm là nếu không coi trọng chúng tôi thì bất kể thành phố nào cũng đã thiếu đi trong tiêu chí để đánh giá văn hoá đô thị, nhất là tại đô thị lịch sử gần ngàn năm như Thủ đô Hà Nội, nơi mà người ta dù một lần đến đã có thể nhìn nhận và đánh giá, dễ vô tình suy luận rộng ra cả văn hoá dân tộc?
Hà Nội chiếm 2000/5000 di tích cấp quốc gia, nhiều nhất cả nước. Thủ đô, Anh Cả mà. Với Luật Di sản ban hành thì từng đấy di tích với các quy định về vùng bảo vệ cấp 1, cấp 2 thì quả là cũng khó khăn cho nhà quản lý biết mấy khi sức ép cấp phép xây dựng các công trình lân cận di tích xếp hạng tại Hà Nội là đô thị mà có nơi mỗi cm vuông đất đã giá trị cả cây vàng. Lo cho từng ấy di tích từ bảo vệ đến trùng tu đã thấy mệt và hết sức lực, nên sao còn tâm tưởng đến thứ nhỏ-nhặt như lũ chúng tôi. Nên hầu hết chúng tôi không được nhà quản lý quan tâm mà sống được lay lắt bằng sự hảo tâm của các cụ già, hưu trí, những người mà tâm huyết thì đầy nhưng cạn dần về sức lực.
Thế nên, chúng tôi vốn đã nhỏ, không được để mắt quan tâm nên bị quán hàng che mặt, lấn chiếm cũng chẳng dám kêu, vì cổ họng bị bóp hầu đã quá bé, tai các vị chức trách lại quá xa và đa mang qúa-quả-là bao công việc lớn. Đâu đâu cũng cảnh ngược đãi chúng tôi: nếu không bị lấn chiếm làm nhà ở của các cụ từ trông đền truyền đời kiếp đến thế hệ sau sinh sống đến quên cả nghề nông thì cũng bị chuyển chức năng thành Nhà Văn hoá phường, điểm Bảo vệ dân phòng khu vực... chứ đừng nói chi ứng xử của công trình "hàng xóm" bao quanh... Thế là bé lại càng thêm nhỏ-li-ti.
Đó có phải là sự ứng xử của đô thị với tuyệt đại chúng tôi không nhỉ???
Đài tưởng niệm số 49 Phố Khâm Thiên - Bên khách sạn, bên karaoke
Tỷ như được quan tâm như Đài tưởng niệm tại 49 Khâm Thiên, xây để khắc ghi tội ác đế quốc Mỹ ném bom rải thảm khu phố này, nơi cần tĩnh lặng đến là vậy mà một bên là khách sạn xanh rực rỡ, một bên là karaoke đỏ hồng tía lên khi có nắng, nay vừa chuyển sang là quán tửu tiên, mở hết cửa sổ trông sang khu tưởng niệm mà hồn nhiên, ngơ ngáo, ồn ào mọi tiếng động, âm thanh. Hãy đừng để họ nhìn sang tự nhiên, đừng kệ họ kinh doanh lấy tiền thu về cho riêng họ mà lờ đi cái vật thể kiến trúc nhỏ nhoi của chúng tôi đang sống vì cái chung mà hết mình vì đô thị và luôn muốn nói lời kêu cứu.
Hay lấy ví dụ Phố Nhà Thờ vừa xây công trình cao ngất mang tên "Church Hotel" nghe thì tôn trọng công trình chủ thể là Nhà Thờ Lớn và tên phố Nhà Thờ mà công trình trú ngụ. Khen nhỏ ở chỗ "nó" có ý nhấn mạnh khi khai thác được mái vòm nhọn gotich trên các ô cửa sổ như các nhà trong dãy phố hiện có nhưng chê lớn là ở chỗ cả một dãy nhà hai tầng giống hệt nhau lại xuất hiện một ông nghễu nghện 6 tầng (quy định nơi đây cao nhất là 4 tầng phía trước). Chắc lại lý do việc đã rồi, không thể phá vì tiền của dân cũng là tài sản, quả bài này đã cũ nhưng vẫn là câu trả lời quen thuộc. Thế là đang từ công trình mang tính đóng góp sự ổn định, dẫn hướng vào công trình chủ thể Nhà thờ Lớn, nay lại ngạo mạn nhìn Nhà thờ Lớn và tuyến phố nơi sinh ra, nhìn sang cả phía Chùa Bà Đá nhỏ tin hin mặt ngoài và chìm lẩn vào không gian phía trong của rừng nhà cao ngất ngất. Hay, có tiền sướng thật. Thảo nào vì nó mà có người sẵn sàng đánh đổi bằng cả lương tâm trong sạch.
Này, sao đội Thanh tra xây dựng thành phố, quận sở tại không kiểm tra sau khi cấp phép xây dựng, sao vi phạm lớn mà vẫn được cấp phép kinh doanh, mà nếu không sửa ngay được vì "quan hệ" hay thủ tục nào đó thì ban quản lý xây dựng, thanh tra hãy chỉ cho phép sơn sửa hai tầng phía dưới còn các tầng trên để vôi trắng, vừa là nhấn mạnh không gian hai tầng của dãy phố hiện có, vừa để dân chúng hiểu rằng những tầng trên đang nhận án treo "cờ trắng" đầu hàng, chỉ chờ ngày lịch sử phán quyết mà thôi và để khách muôn phương trong và cả ngoài nước đến đây (nhiều vô kể) hiểu những quy định rất văn hoá của Việt Nam mình, của Thủ đô này chứ!
- Ảnh bên : Công trình cao 6 tầng trong dãy nhà hai tầng phố Nhà Thờ
Rồi các đền thờ tổ nghiệp gắn liền với các nghề của Phường Hội Phố Cổ xưa cùng nằm trong cả Khu di tích quốc gia Khu Phố Cổ được xếp hạng tháng 4/2004 nữa cũng cần được giải phóng, trở lại dáng vẻ, không gian xưa để người người biết giá trị của ngày hôm qua: Quá khứ đã làm nên Hiện tại.
Không gian trong các phố nhỏ là chuyện nhỏ ư? Vậy không gian của các đền đình chùa trong các khu đô thị mới xây dựng trên đất làng cũ cũng phải được tính đếm đến chứ khi chúng tôi lọt thỏm giữa rừng nhà cao tầng. Hãy cho quy định để các công trình thấp dần và có khoảng cách với chúng tôi, hãy gắn chúng tôi được gần các khu cây xanh hay khu mang tính chất nghỉ ngơi, tĩnh lặng để góp phần cùng làm nên những không-gian-mở - Khoảng lặng đô thị.
…
Vậy, để Khoảng lặng chúng tôi thật sự tĩnh lặng thì các công trình xung quanh (nếu là di sản thì được gọi là vùng bảo vệ) phải có quy định cụ thể về màu sắc và cả chức năng sử dụng nữa, để đừng "tréo giò" nhau như các câu chuyện trên. Không xắn tay vào thì không thể có động đậy chuyển biến, mà phải nhanh tay không thị trường sẽ làm... biến mất chúng tôi.
Dấu Chấm chúng tôi một phần làm nên văn hoá đô thị. Trong văn viết, chấm một dấu có nghĩa để sau đó sang một ý khác mới mẻ. Dấu Chấm văn hoá là dấu chấm của sự tiếp nối, trân trọng ý trước để cả bài là cái kết của một chuỗi những ứng xử nhân văn. Xin đừng để Dấu Chấm chúng tôi trở thành Dấu kêu Than (!) trong lòng đô thị.
Thế nên, Dấu Chấm tôi vốn nhỏ, càng nhỏ hơn khi vị trí bên phải dấu chấm luôn bắt đầu là những chữ cái viết hoa để khởi đầu một câu mới. Giờ thì mọi người vội vã, bươn chải việc riêng mà có khi quên đi cách viết, quên cả Dấu Chấm đang vì việc chung... nên dường như chúng tôi càng trở nên xa lạ, chẳng còn ai để ý, đếm xỉa nữa.
Hôm nay, Dấu Chấm chúng tôi xin được nói vì sợ đến ngày mai, những tẩy bút xoá sẽ nhanh chóng xoá nhoà, dễ xoá sổ chúng tôi. Nhưng Dấu Chấm vẫn tin vì biết rằng: Hà Nội mình, tòan là người biết tôn trọng và sống nội tâm, ẩn nghĩ suy vào trong thành tiềm tàng tri thức nên tựu chung thường bắt đầu câu chuyện của ngày mai bằng giọng văn Ngày xửa, ngày xưa… để kể và gíao dục cháu con. Và ắt hẳn Dấu Chấm chúng tôi sẽ lại được tôn trọng, ưa dùng.
Văn Miếu - biểu tượng Hà Nội lịch sử nhân văn
Hà Nội là trung tâm của vùng đất ngàn năm văn hiến. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, cái quý giá về mặt tinh thần thì khó nhìn thấy và khó cảm nhận thấy. Trong lúc đó việc chạy theo lợi nhuận thông thường thì cái giá trị vật chất hữu hạn lại dễ thấy và kích thích sự ham muốn của con người. Từ đó, ý thức của con người về trách nhiệm với quá khứ, với các Di sản bị mờ nhạt. Ý thức đó nếu không được chấn chỉnh ngay thì ngày càng bị mất đi những giá trị mà các công trình di tích lịch sử để lại cho chúng ta, giá trị đó mất đi thì chẳng vật chất nào co thể mua lại được và cũng chẳng bao giờ có thể lấy lại được.
Tết đến hay những ngày lễ hội, kỉ niệm hoặc những ngày mùng một, ngày rằm tại những chỗ trong chúng tôi có thể thắp hương vì được nghĩ sẽ là nơi khấn cầu thiêng ứng nghiệm, đem về tài lộc cho người trần thế... là còn có thể được sáng lên bởi đèn, nhang, nến... và "mặt mũi" còn được khơi quang không quán, hàng vây phủ. Đó còn là những Dấu Chấm may mắn dù là năm thì mười hoạ. Còn đại đa số những Dấu Chấm "cha chung" thì chẳng ai đếm xỉa quanh năm ngày tháng, bị giành dật từng phần làm của riêng như cổng làng, các tam quan, phế tích không được xếp hạng dù không có chúng thì không đủ thiết chế của những phường hội nghề, làng Việt cổ xưa...
Con cái chúng ta sẽ biết cách làm giàu hơn chúng ta, nhưng nếu không xác định cho chúng những giá trị của ngày hôm qua ông cha để lại là di sản văn hoá thì chúng sẽ chẳng thể nhận ra con người Việt Nam ta. Vậy nên, Dấu Chấm là sự tiếp nối, là một cách đảm bảo văn hoá theo phương châm "Tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc" như Đảng ta đã xác định đấy. Thật vậy, Dấu Chấm (.) chúng tôi đồng nghĩ.
Hà Nội chắc không dừng việc đăng ký đánh giá để xếp hạng di tích, thế cũng có nghĩa là nếu đô thị không đối xử trân trọng chúng tôi từ hôm nay thì những dấu xưa sẽ lại trở thành phế tích khi chúng tôi được công nhận là di tích cần phải bảo vệ!
Kỉ niệm một năm, người đời đã nhắc chuyện cũ. Kỉ niệm mười năm, trăm năm hay nghìn năm như Hà Nội sắp tới đều cần có những mốc để ghi dấu sự trưởng thành mà văn hoá của đô thị, trong đó kiến trúc là vật thể hiện hữu và biểu hiện rõ nét nhất. Những giá trị đô thị mà hôm nay ta gìn giữ sẽ là tấm gương để con cháu ta mai sau làm theo nghĩa cử văn hoá để ứng xử với những giá trị đô thị mà hôm nay chúng ta đang tạo dựng. Hà Nội, thành phố ân nghĩa và nhân văn một phần cũng từ đây - trong tiềm thức.
Một chút khoảng lặng nho nhỏ trong lòng tôi ngày Tết xin suy rộng tới Khoảng lặng của cả đô thị chúng ta để mọi giá trị Thủ đô đều được lung linh toả sáng, kể cả về đêm./.
KTS Nguyễn Phú Đức
- Quy hoạch Hà Nội: Tìm lại không gian xanh
- Kiến trúc bền vững - hiểu một cách đơn giản
- Chuyện kiến trúc, suy cho cùng là chuyện ứng xử
- Đừng quên phí môi trường
- Thành nhà Hồ - Hành trình đến với di sản văn hóa
- Hợp khối công trình với thực tiễn ngăn ngừa nhà “siêu mỏng - siêu méo” ở Hà Nội
- Kiến trúc Sài Gòn - TP.HCM: Chuyện lớn và chuyện nhỏ
- Không thể cấm người dân di cư vào Hà Nội
- Dự án công trình điều tiết Sông Hồng phục vụ quy hoạch tổng thể vùng Hà Nội
- Quản lý chung cư: Việc cấp thiết của chính quyền đô thị