Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Phản biện Đừng quên phí môi trường

Đừng quên phí môi trường

Viết email In

Đối với các nước đang phát triển, một thách thức to lớn luôn buộc các chính phủ phải cân nhắc là cố gắng nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế. Điểm cốt yếu ở đây là lựa chọn những dự án đầu tư hợp lý nhằm khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và lực lượng lao động, nhưng phải giữ gìn cho được môi trường sinh thái.

Từ lâu, nhiều ý kiến cho rằng, lệch pha môi trường và tăng trưởng kinh tế là một lựa chọn bắt buộc. Lập luận này nhấn mạnh tăng trưởng không phải chỉ là phương tiện, mà trong nhiều trường hợp còn là mục tiêu của các chính phủ. Với dân số thế giới hiện nay khoảng 6,5 tỉ người, xu hướng sẽ tăng lên 9 tỉ những năm tới, trong đó tỷ lệ tăng chủ yếu tập trung vào các nước đang phát triển, nhu cầu tiêu dùng đang tăng theo một biên độ rất lớn. Bên cạnh đó, năng suất lao động đang được cải thiện nhanh, tạo sức ép lên thị trường lao động.

Một khi năng suất lao động vượt nhanh hơn tổng sản phẩm nội địa (GDP) theo cùng một khoảng thời gian làm việc, xu hướng thất nghiệp sẽ có xu hướng tăng theo. Khi cắt giảm giờ làm không phải lúc nào cũng tối ưu (vì sẽ tạo ra phản ứng phụ từ phía nghiệp đoàn), tăng trưởng vẫn là một biện pháp khả dĩ nhất để xoa dịu đi những mâu thuẫn tiềm tàng xã hội. Rốt cuộc ai cũng bằng lòng, miễn là có phân phối nhiều hơn và nhiều hơn nữa.

Ở các nước nghèo và đang phát triển, gia tăng về lượng còn song hành với những nhu cầu mà người trong cuộc đánh giá là cần thiết. Nếu một gia đình chạy ăn từng bữa thì nhu cầu thiết thực là kiếm đủ gạo cho ba bữa sáng, trưa, chiều, hơn là mơ ước về một lý tưởng xa xăm nào đó như thế giới xanh, đa dạng sinh học hay bảo vệ loài rùa.

Hơn nữa, chính sách tập trung vào môi trường có thể làm kinh phí đắt đỏ hơn và gia giảm tốc độ kinh tế. Hãy hình dung cách thức mà các nước chậm phát triển di chuyển trong vòng xoáy cạnh tranh giữa các nước muốn vượt khỏi chuẩn nghèo. Vũ khí của họ được ví von bằng cụm từ mang tính thương mại "phá giá môi trường". Điều này có nghĩa là thay vì phải tạo ra rào cản, xu hướng định giá các tiêu chuẩn môi sinh thấp hơn bình thường được xem là một lợi thế.

Ta có thể thí dụ như việc đánh thuế môi trường cao, sẽ làm các nhà đầu tư nhìn vào Việt Nam một cách lưỡng lự. Hay ràng buộc với chuẩn mực bảo tồn thiên nhiên sẽ làm tăng giá thành phẩm, khiến mặt hàng khó cạnh tranh trên thương trường. Một đánh đổi cho "cơm áo gạo tiền" vì vậy là nguyện vọng của số đông. Làm giàu trước, rồi mới làm "môi trường" trở thành quyết sách.

Không phủ định hoàn toàn mô hình tập trung vào tăng trưởng, nhưng các lập luận và bằng chứng gần đây cho thấy môi trường không nhất thiết phải là gánh nặng. Mà ngược lại, phí tổn từ việc sử dụng môi sinh làm nền tảng đòi hỏi thế giới và các nước trả một giá đắt hơn rất nhiều.

Trong một nghiên cứu, Pavan Sukhdev, Giám đốc Thị trường toàn cầu của Deutsche Bank ở Ấn Độ, chỉ ra những hậu quả kinh tế mạnh mẽ của suy thoái môi trường. Đối chiếu tính toán của ông, sự mất mát đa dạng sinh học sẽ dẫn đến suy giảm chưa từng có đối với sản lượng kinh tế thế giới, mà trong đó chỉ riêng nạn phá rừng đã tốn gần 2.000 tỉ euro.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, hằng năm các chi phí do ô nhiễm môi trường đem lại chiếm vào khoảng 8 - 12% GDP của một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu - Trung Quốc. Trong một báo cáo khác phát hành năm 2006, cơ quan thống kê nước này đưa ra con số tối thiểu 551 tỉ nhân dân tệ (khoảng 68 tỉ USD) mỗi năm cho các phí tổn về ô nhiễm môi trường, tương đương gần 3% GDP.

Các chi phí này nếu được tính toán có hệ thống ở nước ta chắc chắn sẽ rất đáng chú ý. Bởi vì nhìn từ những cắt lát, bức tranh đã pha lẫn nhiều gam màu. Sự cố kênh Ba Bò chẳng hạn đã làm tiêu tốn ngân sách TP. Hồ Chí Minh gần 745 tỉ đồng. Hà Nội vừa đưa ra con số dự tính kinh phí 286 tỉ đồng cải tạo 13km bờ sông Tô Lịch và 7km bờ sông Kim Ngưu.

Còn ở Đà Nẵng, cuối 2009 kế hoạch giải cứu môi trường sông Phú Lộc đã tiến hành với tổng vốn đầu tư 110,2 tỉ đồng và 301.500 USD (tổng cộng là trên 116 tỉ đồng). Những hóa đơn hàng tỉ đồng này có thể tiếp tục mở rộng ra ở những tỉnh và khu vực nông thôn lân cận, nơi quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa đang dần dần tăng tốc.

Nhưng chưa hết, cao hơn nhiều là những chi phí gián tiếp ảnh hưởng đến con người. Năm 2007, nghiên cứu của khoa học gia Hoa Kỳ đưa ra con số 40% số người thiệt mạng trên toàn thế giới do ảnh hưởng các yếu tố môi trường như không khí, nước, ô nhiễm đất. Thông số này làm chúng ta liên tưởng đến các khu làng ung thư, hay người dân sinh sống dọc bên các dòng sông Cầu, sông Thị Vải hay các sông rạch Đồng bằng sông Cửu Long đang bị bức tử hàng năm trời.

Đánh đổi là trước mắt, nhưng hậu quả lâu dài, bởi những phí tổn này không sớm thì muộn phải được thanh toán. Càng để lâu, các tác động tiêu cực của nó càng lan xa, và ảnh hưởng trên diện rộng. Kinh nghiệm các quốc gia đi trước cho thấy, việc chấp nhận hy sinh môi sinh cho tăng trưởng kinh tế dường như không còn tối ưu, vì phí môi trường càng ngày càng đắt đỏ hơn và nhiều hệ quả của nó không phải có tiền là giải quyết được.

Hơn nữa, ô nhiễm môi trường và cạn kiệt nguồn tài nguyên không những tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, mà còn tạo ra những bất ổn xã hội, đặc biệt dưới hậu quả liên thông ngày càng rõ nét hơn của hiện tượng biến đổi khí hậu. Tranh luận của Việt Nam vì vậy không phải là có nên theo đuổi một chính sách tăng trưởng hay không, mà tăng trưởng như thế nào để dài hạn, hướng tới một mô hình phát triển bền vững.

Thực hiện nhiệm vụ này là một quá trình dài với nhiều chuyển đổi và phí tổn phát sinh. Bài toán ở một góc nhìn nào đó vượt ra các vấn đề nguồn nước, không khí hay năng lượng. Một mặt, nó thách thức quan niệm hiện hành của phát triển kinh tế, khả năng cạnh tranh toàn cầu, và phương thức chúng ta theo đuổi sự thịnh vượng trong dài hạn. Mặt khác, nó đòi hỏi một tổ chức sản xuất với tính kinh tế cao trong các quyết định phân bổ nguồn lực, cũng như khả năng sử dụng tài nguyên một cách hiệu năng với cam kết tự nguyện đầu tư xanh hay tham gia tái tạo từ các ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường.

Thị trường không phải là nhà từ thiện hay bảo vệ môi sinh tự nguyện, vì thế sẽ khó yêu cầu khu vực này phải gồng mình vô điều kiện tất cả chi phí. Cái làm từ không thành có chính là chuyển động lợi ích tạo ra khuôn chính sách chuyển hóa ý muốn thành hành động. Điều này trước hết cần một định hướng. Bằng thuế khóa, ưu tiên đầu tư hay quy định chuẩn mực môi sinh trong các dự án, Nhà nước có thể khuyến khích các doanh nghiệp muốn đầu tư vào các lĩnh vực bảo vệ môi trường hay sử dụng công nghệ tiêu tốn ít tài nguyên hơn, và ngăn chặn các dự án tổn hại đến thiên nhiên. Một khuôn pháp lý tạo niềm tin cậy dài hạn sẽ là chất xúc tác "bàn tay vô hình" đi tìm những giải pháp.

Đối với các doanh nghiệp, điều này cũng có lợi, bởi vì hội nhập toàn cầu đang không chỉ là cuộc chạy đua đơn thuần về lợi ích, mà còn gắn liền với sự hình thành những chuẩn mực mang tính phổ quát xuyên quốc gia. Cá tra của Việt Nam có thể đủ chuẩn nhập khẩu vào tất cả thị trường khó tính nhất thế giới, nhưng để được xem là "chuẩn", thì chất thải xung quanh ngành nuôi trồng thủy sản cũng phải đảm bảo môi sinh. Nha Trang, một trong những bãi biển đẹp nhất Việt Nam, chỉ vào tầm ngắm các tạp chí du lịch toàn cầu, nếu môi trường, kết cấu hạ tầng hay cơ sở vật chất xung quanh cũng được đóng dấu thương hiệu thiên nhiên thân thiện. Vũ khí chạy đua không còn là đem môi trường "phá giá", mà làm sao tạo ra cách tiếp cận sáng tạo nhất dung hòa hai tiêu chí song song.

Có thể trong ngắn hạn, phí môi trường sẽ tạo ra rào cản nhất định cho tăng trưởng kinh tế. Những phí tổn này, tuy vậy, không nên đánh giá dưới lăng kính tiêu cực, mà là bước đệm cần thiết để chuyển hóa phương thức sản xuất sử dụng tài nguyên và môi sinh hiệu năng hơn, từ đó sử dụng thành công vai trò của tăng trưởng kinh tế để thực hiện những mục tiêu chung mà cộng đồng đang hướng tới, trọng tâm vào cải thiện môi trường diện rộng và nâng cao chất lượng sống của người dân. Cần nhắc lại rằng tăng trưởng kinh tế chỉ có thể bền vững nếu những yếu tố đóng góp vào quá trình này (đất đai, tài nguyên, không khí...) cũng bền vững. Học phí "môi trường" có thể tiết kiệm, nếu chúng ta đồng thuận về một tầm nhìn dài hơi hơn những chỉ số thống kê.

Nguyễn Chính Tâm

>> GDP xanh 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo