Ashui.com

Tuesday
Dec 03rd
Home Tin tức Việt Nam Hà Nội cho tiếp tục dự án khách sạn gây tranh cãi

Hà Nội cho tiếp tục dự án khách sạn gây tranh cãi

Viết email In
Tại cuộc họp báo chiều 13/2, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chánh văn phòng UBND Hà Nội cho hay, sau khi xem xét các ý kiến, Thường trực Uỷ ban đã quyết định tiếp tục cho thực hiện dự án khách sạn Novotel on the Park trên khu đất tiền sử thuộc công viên Thống Nhất.

Sau dự định xã hội hóa công viên Thống Nhất, cải tạo thành Disneyland bất thành, dự án khách sạn 4 sao này đang gây nên những phản ứng gay gắt từ dư luận.

Một dự án kéo dài 18 năm

Tại cuộc họp báo, ông Ngô Vinh Trung, Phó TGĐ Tổng Công ty Du lịch Hà Nội, đối tác Việt Nam trong liên doanh đầu tư khách sạn Novotel on the Park cũng thông tin về xuất xứ của dự án và những căn cứ để chủ đầu tư tiến hành dự án.

Ông Trung cho biết, dự án khách sạn với tên gọi ban đầu là SAS Hanoi Royal đã manh nha từ trước những năm 90. Khi đó, phía Thụy Điển muốn hợp tác xây dựng một khách sạn tầm cỡ quốc tế ở Hà Nội để phục vụ các chuyên gia nước ngoài.

Lúc đó, để kêu gọi đầu tư nước ngoài, chống lệnh cấm vận của Mỹ, dự án này đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ Chính phủ. Hà Nội đã chỉ định Công ty du lịch dịch vụ Hà Nội, trực thuộc UBND làm việc với đối tác.
  • Ảnh bên : Từ một bãi cỏ, vườn cây, một góc công viên Thống Nhất đã trở thành nơi trưng bày các hiện vật một thời Hà Nội hào hùng…mà ông Trung nói là "phần đất giáp công viên, khu trưng bày hiện vật mảnh B52 bị vỡ". Ảnh tư liệu do KTS Nguyễn Bắc cung cấp

Hội đồng Bộ trưởng đồng ý trên nguyên tắc xây dựng khách sạn trên phần đất giáp công viên Lênin, khi đó chỉ là một khu trưng bày hiện vật mảnh B52 bị vỡ cùng với một số xí nghiệp thiết kế và xây dựng đóng tại đó”, ông Trung nói.

Năm 1991, Ủy ban nhà nước hợp tác và đầu tư đã cấp giấy phép cho liên doanh này trên diện tích 15.300 m2.

Lý giải tại sao có giấy phép từ năm 1991 nhưng đến 2008 mới triển khai, ông Trung cho hay, do việc việc tìm quỹ đất để di dời hơn 100 căn hộ của dân trên mặt đường Lê Duẩn gặp nhiều khó khăn.

Tháng 6/1996, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nhắc nhở các bộ xem xét tiến độ triển khai. Tháng 10/1996, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt có công văn chấp thuận tiếp tục cho thực hiện dự án, sau khi đã có cuộc trao đổi phi chính thức giữa Chính phủ Việt Nam và Thụy Điển.

Năm 1997, UBND Thành phố đã chấp thuận bàn giao 10.000 m2 đất. Do có sự điều chỉnh về diện tích nên liên doanh đã phải làm lại từ đầu toàn bộ hồ sơ về đất đai, giấy phép, quy hoạch… Đến 2003, mọi hồ sơ mới hoàn thành đúng quy định.

Tháng 6/2008, dự án này khởi công và đến nay đã xong tầng hầm.

  • Ảnh bên : Và nay là một khách sạn 4 sao đang thi công. (Ảnh: Phạm Hải)

Ông Ngô Vinh Trung khẳng định: "Toàn bộ quá trình dự án, Công ty Du lịch Hà Nội chỉ thực thi nhiệm vụ chính trị cho Hội đồng Bộ trưởng và UBND Thành phố giao, hoàn toàn không có mục đích tư túi cá nhân”.

“Chấp nhận vì là vấn đề do quá khứ để lại”

Trong khi đó, Phó Chánh văn phòng Nguyễn Văn Thịnh nhiều lần nhấn mạnh đây là vấn đề quá khứ, đã được “thông suốt từ Chính phủ đến thành phố”, “nên không bàn việc này nữa”.

Dự án mà nói nằm trong đất công viên Lê Nin trước đây, vấn đề này không mới, đã được đề cập ngay từ khi đặt vấn đề xây khách sạn. Cũng có nhiều vấn đề trao đi đổi lại giữa Hà Nội và Hội đồng Bộ trưởng. Trên yêu cầu thực tế của việc khó khăn do kêu gọi đầu tư những năm 90, bị Mỹ cấm vận, nên ta tạo mọi điều kiện cho bạn vào đầu tư”.

Tuy nhiên, ông Thịnh cũng thừa nhận: “Giá như là thời điểm bây giờ thì sẽ không bố trí ở vị trí này”.

Quan điểm của Thành phố là đất dành cho công viên thì phải để cho công viên. Còn vấn đề nào trong quá khứ, do quá khứ để lại thì chúng ta tạm thời chấp nhận như vậy”.  

  • Chủ đầu tư của dự án hiện nay là Tập đoàn Accor - Tập đoàn đầu tư SIH Ltd (trụ sở tại Singapore) liên doanh với Tổng công ty Du lịch Hà Nội. Ảnh: Phạm Hải

Hà Nội tiếp tục cấp phép đầu tư khi được thực hiện quyền phân cấp, nhà đầu tư không thay đổi và đối tác liên doanh không thay đổi, ông Thịnh lập luận.

Hà Nội mong báo chí ủng hộ" vì việc tiếp tục thực hiện dự án “mang tính chất ân nghĩa, lúc khó khăn họ đã vào với chúng ta”.

Thế nhưng, ông Thịnh quên mất một chi tiết: Đối tác nước ngoài hiện góp vốn xây dựng Novotel on the Park không còn là Tập đoàn SAS của Thụy Điển, nước bạn đã có nhiều “ân nghĩa” với Việt Nam.

Chủ đầu tư của dự án hiện nay là Tập đoàn Accor - Tập đoàn đầu tư SIH Ltd (trụ sở tại Singapore) liên doanh với Tổng công ty Du lịch Hà Nội.

“Đất công viên hay không là chuyện trước đây”

Giải đáp ý kiến của các nhà chuyên môn cho rằng dự án khách sạn không có trong quy hoạch công viên Thống Nhất, ông Thịnh cho biết, đến nay vẫn chưa có quy hoạch chi tiết công viên Thống Nhất.

Tuy nhiên, theo chính thông tin ông Thịnh cung cấp, trong quy hoạch tổng thể của Hà Nội năm 1998 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, gọi là điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, đã khoanh vùng khu vực này để xây công viên Thống Nhất.

Nhưng đến quy hoạch chi tiết do Thành phố phê duyệt, trong bản vẽ quy hoạch chi tiết 1/2000 của quận Hai Bà Trưng đã khẳng định khu đất này là đất công cộng.

Tôi cũng khẳng định theo quy hoạch chi tiết 1/2000 được thành phố phê duyệt năm 2000 thì đó là đất công cộng, còn trước đó có là đất công viên không và như thế nào là chuyện trước đây”, ông Thịnh nhắc lại.

  • Ảnh bên : Quy hoạch chi tiết 1/2000 quận Hai Bà Trưng năm 2000, khu đất để xây khách sạn là ô màu đỏ, cạnh công viên Thống Nhất, dùng để chỉ đất công cộng.

Cơ sở nào để đất công cộng thành đất xây khách sạn?

Ngay cả khi theo quy hoạch chi tiết mới nhất năm 2000 mà TP đã phê duyệt, việc chuyển khu đất công cộng này thành đất xây khách sạn vẫn là chưa hợp lý, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đặng Hùng Võ khẳng định.

Mọi chuyển đổi mục đích sử dụng đất của thành phố phải là Chính phủ duyệt, còn thành phố chỉ có trách nhiệm duyệt cụ thể việc sử dụng đất đó như thế nào, xây bao nhiêu tầng...”.

Đất vàng, giá 3,6 triệu USD trong 20 năm

Theo ông Đặng Hùng Võ: Ngay cả khi được phép, cơ chế liên doanh đầu tư cần xem xét lại dưới góc độ bài toán kinh tế có lợi nhất cho nhân dân, nhà nước và nhà đầu tư một cách phù hợp. Bài toán ấy phải được công khai, minh bạch.

Với điều kiện nơi đông người, vị trí thuận lợi cho kinh doanh của nhà đầu tư, một tác đất ở khu vực này chắc chắn phải xem là một tấc vàng, giá phải rất cao".

Tuy nhiên, theo tiết lộ của Phó TGĐ Tổng Công ty Du lịch Hà Nội, bên góp vốn liên doanh bằng quyền sử dụng đất, giá trị khu đất là 3,6 triệu USD trong 20 năm, tính ra là 17,42USD/m2.


Phối cảnh khách sạn Novotel Hanoi on the Park trong công viên Thống Nhất. Ảnh tư liệu dự án

Ông Trung cho rằng, mức giá này đã cao hơn giá Nhà nước rất nhiều vì “năm 1991, theo Luật Đất đai, vốn góp quyền sử dụng đất ở khu vực hạng A phố cổ chỉ 12 USD/m2. Khu đất này tính ra chỉ 5,88 USD/m2. Việc đàm phán để tăng lên được như vậy mất rất nhiều thời gian và công sức”.

Bây giờ ai cũng nói đất ngày xưa rẻ, ai cũng mua, giờ ai cũng giàu lắm rồi. Nhưng giá đất thời kỳ đó rất rẻ”, ông Trung than thở.

Trong khi đó, ông Đặng Hùng Võ khẳng định: Về nguyên tắc, mọi yếu tố quy hoạch, thẩm định giá trị bồi thường cho nhà nước phải công khai. Nhà nước chính là toàn dân, không phải là một vài quan chức. Trong việc bồi thường đất công thành đất kinh doanh, Hà Nội được bao nhiêu, sử dụng vào mục đích gì? Bài toán kinh tế phải công khai và mỗi người dân có quyền chất vấn trong vụ bồi thường này, Nhà nước được bao nhiêu.

Lê Nhung - Thảo Lam - Phương Loan thực hiện

>> Phản đối "xén" đất công viên Thống Nhất để xây khách sạn 

>> Đối thoại: "Dự án khách sạn không có trong quy hoạch công viên Thống Nhất" - Ông Huỳnh Đăng Hy 

>> Rao bán linh hồn Thành phố 

 

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...