Ashui.com

Tuesday
Apr 16th
Home Tương tác Đối thoại Thành phố hai bên sông Hồng: Không thể áp dụng Seoul vào Hà Nội

Thành phố hai bên sông Hồng: Không thể áp dụng Seoul vào Hà Nội

Viết email In

Mới đây, UBND TP Hà Nội cho biết đang phối hợp với thủ đô Seoul (Hàn Quốc) tiếp tục thực hiện dự án phát triển thành phố ven sông Hồng giai đoạn 2, dự kiến sẽ lồng ghép bản quy hoạch này với đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. PV có cuộc trao đổi với ông Trần Trọng Hanh - nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc, Đại biểu Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội xung quanh vấn đề này tại kỳ họp thứ 22 HĐND TP Hà Nội khóa 13 diễn ra từ ngày 7 -10/12/2010.

Dự án "Lập quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng, đoạn qua Hà Nội" trên khu vực 40 km sông Hồng đoạn qua Hà Nội thuộc địa bàn các quận Tây Hồ, Ba Ðình, Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên và các huyện Từ Liêm, Ðông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì được tiến hành từ tháng 7/2006 đến tháng 11/2007. Đây là dự án nằm trong khuôn khổ hợp tác quốc tế giữa hai TP Seoul - Hà Nội. 

- Là một KTS, quan điểm của ông như thế nào xung quanh việc Đề án xây dựng thành phố hai bên bờ sông Hồng tiếp tục triển khai ? 

Ông Trần Trọng Hanh (ảnh bên): Theo tôi việc lập dự án hai bên bờ sông Hồng là cần thiết vì rõ ràng đây là dòng sông trung tâm của TP. Sông Hồng có chức năng  không chỉ về mặt cảnh quan mà còn trị thủy, cần thiết phải nghiên cứu. Chính vì vậy chúng ta đã thống nhất nghiên cứu quy hoạch 100 km thay thế cho quy hoạch 40 km trước kia (tôi chỉ nhấn mạnh đến việc quy hoạch hai bên bờ sông chứ chưa nói đến đô thị hai bên bờ sông).

- Vì sao TP lại phải thống nhất nghiên cứu quy hoạch 100 km thay cho quy hoạch 40 km trước kia, thưa ông ? 

Quy hoạch cũ có quá nhiều vấn đề bất cập được nhiều đại biểu HĐND cũng như các nhà khoa học phản biện. Cụ thể, nhiều vấn đề sai lạc từ việc đặt ra “quy hoạch cơ bản” là không phù hợp, việc nắn một số đoạn đê thì mất truyền thống mấy nghìn năm lịch sử của chúng ta xây dựng nên. Đặc biệt, việc chất tải, tạo quỹ đất là không phù hợp. Chúng ta tạo quỹ đất để cho dân sinh, các vấn đề công cộng chứ không phải tạo quỹ đất để kinh doanh, đấy là nhược điểm.

Việc quy hoạch là cần thiết nhưng quy hoạch như thế nào, và quan trọng là làm thế nào, nếu lấy luôn mô hình của Seoul mà lắp vào Hà Nội như Hàn Quốc thì sẽ thành nhà chi chit như bức tường thành. Đây là vùng trũng, nếu nói về mặt sắp xếp thì đây chỉ là vùng cảnh quan. Cần tách bạch phần xây dựng và phần còn lại dành cho cảnh quan thiên nhiên và vùng để xả lũ. Do đó trong thời gian tới, nếu có khởi động dự án này cần tính toán cụ thể. Theo tôi, về nguyên tắc, tính thiên nhiên phải trội lên, vùng này không được chất tải lên bằng việc xây dựng quá nhiều nhà cao tầng.

- Việc TP đề nghị đưa vào Quy hoạch TP bên sông vào Quy hoạch chung của Thủ đô theo ông có phù hợp ? 

Các nội dung lồng ghép của dự án sông Hồng vào quy hoạch chung của Thủ đô nếu là những nội dung cơ bản, nguyên tắc mà mang tính quy hoạch chung của sông Hồng vào quy hoạch chung của Hà Nội, như là bộ phận cấu thành quy hoạch chung Thủ đô, mang tính định hướng thì nên xin  đưa vào. Nhưng chỉ đưa vào để hợp thức hóa thì không nên.


Phối cảnh khu vực 2 hữu ngạn. Nguồn: Dự án quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng - 2007 


Viễn cảnh “Thành phố Sông Hồng"

-  Nếu đưa dự án này vào quy hoạch chung của Thủ đô, thì khi quy hoạch chung Thủ đô được thông qua, quy hoạch TP bên sông cũng được thông qua, thưa ông ? 

Dự án này như một bộ phận cấu thành kiến trúc đô thị, nên nếu thông qua các chỉ tiêu về Quy hoạch Thủ đô mà thông qua luôn dự án hai bên bờ sông là không thích hợp. Còn nếu việc phê duyệt đồng nghĩa với việc duyệt nội dung khung của quy hoạch phát triển sông Hồng đoạn qua Hà Nội mà đã được lồng ghép vào quy hoạch chung. Sau đó sẽ triển khai các quy hoạch lớp sau.

- Vậy theo ông, chúng ta cần quy hoạch thành phố hai bên bờ sông như thế nào cho nó phù hợp ?  

Thành phố ven sông Hồng là dự án cấp quốc gia

"Thành phố Hà Nội đã ký kết với thành phố Seoul (Hàn Quốc) thỏa thuận giai đoạn 2 dự án quy hoạch phát triển sông Hồng đoạn qua Hà Nội từ tháng 7/2009 và hiệu lực đến năm 2011. Thời gian gần đây còn im ắng là bởi Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo bằng văn bản cụ thể là yêu cầu các cấp, các ngành phải lồng ghép nghiên cứu Quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng đoạn qua Hà Nội vào đồ án quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội. Dự án giờ không còn là sự hợp tác giữa hai thủ đô là Hà Nội và Seoul mà được nâng tầm dự án cấp quốc gia. Hàn Quốc và VN trước đây là đối tác hợp tác nhưng giờ trở thành đối tác chiến lược." - Ông Dương Đức Tuấn, PGĐ Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội

Thứ nhất là mật độ nên thấp, thứ hai là ưu tiên nhiều công viên cây xanh, thứ 3, sắp xếp lại nhà cửa để tăng diện tích tự do lên. Còn nếu quá tải thì phải sắp đặt chỗ khác thích hợp hơn chứ không nên chất tải lên.

- Việc xây dựng đối với các nhà cao tầng trong khu vực này nên theo phương án nào, thưa ông ? 

Theo tôi chỉ xây dựng các nhà cao tầng ở các điểm nhấn. Nếu không thì cũng không nên xây các nhà cao tầng như bức tường thành.

- Tuy nhiên, vấn đề di dân ở đây lại rất phức tạp và tốn kém, thưa ông ?

Việc di dân dẫu lớn nhưng để trả lại giá trị cho Thủ đô thì tôi nghĩ là cần thiết. Vấn đề cơ bản đó là những khu tái định cư, khu di dân cần phải có chất lượng để đáp ứng nhu cầu của dân cho thỏa đáng. 

Phương Bình (thực hiện)

[ Chuyên đề : Dự án "Thành phố sông Hồng"

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 1707 khách Trực tuyến

Quảng cáo