Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Đối thoại Chung cư nhiều như “nấm” có thể phá vỡ không gian đô thị

Chung cư nhiều như “nấm” có thể phá vỡ không gian đô thị

Viết email In
Chung cư thường nằm trong quy hoạch chi tiết, mà quy hoạch chi tiết lại không được thay đổi nội dung mà quy hoạch chung đã phê duyệt. Vì thế, nếu không xem xét kỹ đến tính tương đồng, phù hợp thì việc xây nhiều chung cư sẽ có thể phá vỡ không gian đô thị.

Đó là những điều mà ông Lưu Đức Hải, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) trao đổi bên lề Hội thảo "Kiến trúc: Thành phố tương lai Chất lượng và đặc điểm kiến trúc trong đô thị lớn".

Ông Hải cho rằng, đến thời điểm này dân số trong khu vực nội thành, nội thị đạt tới con số gần 31%, cuối thế kỷ 20 mới đạt khoảng 20%, tức là trung bình mỗi năm tăng 1% dân số sống trong đô thị (ĐT). Theo điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống ĐT Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2050 thì đến năm 2025 chúng ta sẽ có khoảng 50% dân số sống trong ĐT. Tiếp đó phải nói đến sự tăng trưởng của hệ thống ĐT. Cuối thế kỷ 20, chúng ta mới có khoảng 600 ĐT, đến nay số lượng đó tăng lên 750. Theo định hướng quy hoạch tổng thể đến năm 2025 sẽ có khoảng 1.000 ĐT.

Chung cư hiện nay đang mọc lên như nấm sau mưa, liệu như vậy có phá vỡ không gian đô thị không, thưa ông?

Các khu chung cư, khu ĐT mới thường là nằm trong quy hoạch chi tiết. Nếu quy hoạch chi tiết thay đổi nhiều nội dung đã được phê duyệt ở quy hoạch chung, quy hoạch phân khu thì không được phép. Nhưng vì lý do nào đó mà không xem xét kỹ đến sự tương đồng, phù hợp thì có thể phá vỡ không gian ĐT.

Ví như, ở mỗi khu vực có quy định về tầng cao, mật độ xây dựng, dân cư nhưng đôi khi lại chỉ quan tâm đến tầng cao và mật độ mà quên mất khống chế tổng số dân cư trong khu vực. Các nhà cao tầng hiện nay ở Hà Nội có thể đang liên quan đến vấn đề đó. Thế nên khi xây dựng chung cư cần chú ý đến tổng dân cư ở khu vực đó xem có cao hơn số dân cư hiện có không. Nếu khu này cao thì khu khác phải giảm để đảm bảo chỉ tiêu dân số.

Nhà cao tầng là hình thức tiết kiệm đất, có nhiều lợi ích, song cần kết hợp hài hòa khi tầng cao nhiều thì dân cư lớn, kéo theo kết cấu hạ tầng phải thay đổi để đáp ứng được. Nếu chúng ta chưa đủ tiềm lực kinh tế để cải tạo những khu vực đó một cách kịp thời sẽ dẫn đến quá tải như: thiếu bãi đỗ xe trong ĐT, thiếu nước, thiếu điện…

Tầng cao đến đâu chúng ta cũng phải tính bởi như sau 50 năm xây dựng đất nước, chúng ta thấy hiện nay nhiều chung cư cũ cao 4 – 5 tầng đang được đập phá, cải tạo. Vậy điều đặt ra là, liệu 50 năm sau nữa chúng ta có đập phá những nhà 30-40 tầng không,  vì khi đập những tòa nhà này sẽ rất tốn kém.

Với quy hoạch như hiện nay, theo ông không gian xanh đã đủ cho ĐT Hà Nội chưa?

Không gian xanh khi tính diện tích trung bình đất cây xanh cho một ĐT thì có khu thiếu, có khu thừa. Trong nội thành thì không gian xanh còn hạn chế, trong đồ án quy hoạch lần này đã đưa vào các khu vực không gian xanh, vành đai xanh. Vành đai xanh đã được phê duyệt từ năm 1998, tuy nhiên quá trình phát triển chúng ta chưa có được vành đai xanh như mong muốn.

Đối với quy hoạch của Hà Nội lần này, ở khu vực ngoại thành còn có thêm khái niệm hành lang xanh. Hành lang xanh này không đồng nghĩa với không gian xanh trong đô thị, nó không chỉ có cây xanh, mà là một sự phát triển hài hòa đảm bảo cân bằng với môi trường ví như phần nông thôn, phần làng nghề, địa hình tự nhiên… Hành lang xanh đó thông thoáng để khi ra ngoại thành ĐT chúng ta vẫn thấy hình ảnh của một không gian tương đối, không ồn ào nhưng không quá tĩnh lặng.

Vậy điểm nhấn của ĐT là gì, thưa ông?

Chúng ta rất tiếc khi Hà Nội là thành phố đầu tiên có đường sắt ĐT nhưng đến giờ lại là thành phố không có đường sắt. Đường sắt có 3 loại: đường sắt quốc gia, đường sắt nội vùng và đường sắt ĐT. Năm 1978, tàu điện cùng với xe buýt góp phần làm cho vận tải công cộng của Hà Nội lên tới đỉnh mà từ trước đến nay chưa đạt được, đó là 28% lượt đi trong ĐT sử dụng giao thông công cộng. Đến năm 1990, chúng ta đã bỏ toàn bộ 5 tuyến tàu điện trong ĐT vì cho rằng nó kém an toàn và ồn. Đến giờ, thấy rằng vấn đề giao thông nội đô cần có đường sắt hỗ trợ nên chúng ta lại đang bắt đầu xây dựng hệ thống đường sắt trên cao, tàu điện ngầm. Đấy chính là điểm nhấn tốt cho ĐT lớn.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Lê (thực hiện)
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 3535 khách Trực tuyến

Quảng cáo