Quỹ nhà biệt thự có kiến trúc kiểu Pháp là một trong những nét đặc trưng góp phần tạo nên diện mạo của Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, cho đến nay pháp luật vẫn để “trống” việc quản lý quỹ nhà này. Do đó cùng với việc buông lỏng quản lý thì việc trải qua thời gian dài sử dụng cùng với quá trình đô thị hóa nhanh, hầu hết các nhà biệt thự có kiến trúc kiểu Pháp tại Hà Nội đã xuống cấp, hư hỏng, cải tạo biến dạng, bị “băm nát”, chia năm xẻ bảy, không còn giữ được kiến trúc ban đầu… đang đòi hỏi các cơ quan chức năng cần phải có giải pháp cấp bách để bảo tồn và quản lý.
80% số nhà biệt thự đã bị cải tạo, sửa chữa biến dạng
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn Thành phố hiện đang quản lý 970 biệt thự thuộc sở hữu nhà nước, gồm 42 biệt thự không bán; 228 biệt thự chưa bán; 164 biệt thự đã bán trọn biển; 536 biệt thự đã bán một phần (trong đó có 55 biệt thự có giá trị kiến trúc). Bên cạnh đó, số lượng biệt thự do Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ N.goại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đang quản lý hiện đang rà soát (dự kiến khoảng hơn 200 biệt thự).
- Ảnh bên : Biệt thự số 22 Tôn Đản
Nhà ở biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn Thành phố Hà Nội có những nét đặc thù riêng, khác biệt cả về hình thức quản lý sử dụng lẫn hình thái kiến trúc so với các biệt thự tại các đô thị khác ở nước ta, chủ yếu được hình thành qua 2 thời kỳ. Một là, biệt thự xây dựng từ trước năm 1954: quỹ nhà biệt thự này được hình thành khi nhà nước tiếp quản quỹ nhà do chế độ cũ để lại, khi nhà nước thực hiện các chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa về nhà ở, công tư hợp doanh, quản lý đất đai, nhà vắng chủ... chủ yếu nằm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình; có thời gian sử dụng trên 50 năm, phần lớn mang hình dáng kiến trúc kiểu Pháp, còn lại là kết hợp giữa kiến trúc phương Tây và Á Đông. Ngoài số biệt thự được xây dựng từ trước năm 1954, còn có một số biệt thự xây dựng từ sau năm 1954 tới khi Nhà nước xoá bỏ bao cấp về nhà ở. Những căn biệt thự này được xây dựng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp, thuộc các khu vực phát triển đô thị của Thành phố (tại các khu: Đội Cấn, Vĩnh Hồ, Trung Tự…); thời hạn sử dụng đến nay trên 40 năm.
Có thể nói việc sử dụng quỹ nhà biệt thự như hiện nay là thiếu hiệu quả về mặt kinh tế và xã hội. Về mặt kinh tế, tiền thuê nhà hiện nay không đủ chi phí cho công tác quản lý, duy tu sửa chữa nhà biệt thự, làm cho quỹ nhà biệt thự ngày một giảm sút về chất lượng. Theo kết quả khảo sát cho thấy, số lượng biệt thự còn nguyên trạng chiếm tỷ lệ 15%, số lượng biệt thự đã cải tạo, sửa chữa bị biến dạng trong quá trình sử dụng chiếm 80%, số biệt thự đã phá đi xây dựng lại chiếm tỷ lệ là 5%. Về mặt xã hội, do bố trí sử dụng nhiều hộ ở và quá chật chội (số biệt thự có từ 5-10 hộ ở chiếm tỷ lệ khoảng 50% và số biệt thự có từ 10-15 hộ chiếm tỷ lệ khoảng 40%, cá biệt có biệt thự có từ 35-50 hộ ở), nên các tranh chấp khiếu kiện trong sử dụng nhà ở thường xuyên xảy ra, nhiều biệt thự đã bị cải tạo làm biến dạng làm hỏng tính đặc thù tốt đẹp của biệt thự…
Quản lý buông lỏng
Trước thực trạng trên, việc quản lý quỹ nhà biệt thự lại đang bị buông lỏng; Thiếu sự kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà, cơ quan xử lý vi phạm trật tự xây dựng thiếu kiên quyết. Thạc sỹ Vũ Mạnh Cường - Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản – Bộ Xây dựng nhận xét, các chính sách quản lý cho đến nay hầu hết là chính sách chung về quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước. Các chính sách đã ban hành mới tập trung vào việc quản lý cho thuê, quản lý sử dụng và tư nhân hoá quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, không quy định cụ thể việc quản lý, khai thác sử dụng có hiệu quả quỹ nhà biệt thự nói chung và quỹ nhà biệt thự thuộc sở hữu nhà nước nói riêng. Để có thể quản lý, khai thác sử dụng có hiệu quả Quỹ nhà biệt thự trên cần thiết phải ban hành chính sách phù hợp.
Hơn nữa, hiện nay cơ quan trực tiếp quản lý và khai thác quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước được giao cho các công ty kinh doanh nhà đảm nhận. Tuy nhiên, các công ty này mới chỉ thực hiện được một số công việc như quản lý cho thuê (đo vẽ, lập và ký kết hợp đồng thuê nhà với các hộ ở thuê; thu tiền thuê nhà); quản lý sửa chữa, cải tạo nhà ở; bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê theo quy định tại Nghị định 61/CP ngày 05 tháng 7 năm 1994 của Chính phủ…, việc khai thác sử dụng có hiệu quả quỹ nhà thuộc sở nhà nước, trong đó có qũy nhà biệt thự chưa thực hiện được.
- Ảnh bên : Biệt thự số 49 Điện Biên Phủ
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, để giải quyết những bất cập trên, sở đang nghiên cứu trình UBND Thành phố ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án quản lý quỹ nhà biệt thự; dự thảo Quyết định về danh mục nhà biệt thự: được bán, không bán; giá bán nhà biệt thự; Quy chế quản lý quỹ nhà biệt thự; phối hợp với các Bộ: Quốc phòng, Ngoại giao và các cơ quan có liên quan rà soát quỹ nhà biệt thự trên địa bàn Thành phố; Nghiên cứu trình UBND Thành phố ban hành tiêu chí xác định danh mục và quy chế bảo tồn, tôn tạo quỹ nhà biệt thự trên địa bàn Thành phố.
Mục đích của việc quản lý quỹ nhà biệt thự là nhằm quản lý, khai thác có hiệu quả quỹ nhà biệt thự; nâng cao điều kiện sống, đảm bảo an toàn cho người sử dụng, đảm bảo an ninh trật tự; tạo lập nếp sống văn minh đô thị trong các khu nhà biệt thự; duy trì chất lượng, kiến trúc, cảnh quan, vệ sinh, môi trường và cải tạo xây dựng theo quy định; Bảo tồn, tôn tạo những biệt thự có giá trị kiến trúc; Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc quản lý, sử dụng biệt thự. Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về tư nhân hóa nhà ở để giảm chi ngân sách cho việc quản lý, sửa chữa biệt thự; việc tổ chức bán nhà biệt thự được quản lý chặt chẽ theo nội dung của Đề án; tăng thu cho ngân sách Nhà nước.
Thạc sỹ Vũ Mạnh Cường cũng cho biết, để giữ gìn, tôn tạo những nhà biệt thự thuộc diện được bảo tồn và có giá trị về kiến trúc, góp phần chỉnh trang diện mạo đô thị theo quy định của pháp luật về quản lý kiến trúc; nâng cao điều kiện sống, đảm an toàn cho người sử dụng trong nhà biệt thự, Bộ Xây dựng đang tiến hành nghiên cứu để ban hành Thông tư hướng dẫn về quản lý sử dụng nhà biệt thự. Đây là một trong những chính sách cần thiết để tăng cường quản lý nhà nước đối với nhà biệt thự nói chung, trong đó có biệt thự có kiến trúc kiểu Pháp trên địa bàn Hà Nội nói riêng.
Những thông trên được ghi lại từ Hội thảo “Bảo tồn và khai thác Quỹ biệt thự xây dựng trước năm 1954 tại Hà Nội”, do Viện Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức.
Qua hội thảo, có thể thấy, việc nghiên cứu giữ gìn di sản kiến trúc trong đó có biệt thự kiến trúc kiểu Pháp trên địa bàn Hà Nội là vấn đề phải có giải pháp đồng bộ mà yêu cầu cấp thiết là làm rõ cơ chế, chính sách trong quản lý, trong khai thác, sử dụng gắn với tuyên truyền nâng cao nhận thức của người sử dụng, của cộng đồng về loại hình công trình này để xem như là lợi ích của toàn xã hội.
Lan Hương
>>
- Bất đồng chọn vị trí xây đường sắt trên cao
- Chỉnh trị sông Hồng: Sơ sài quy hoạch tiêu thoát lũ
- Cải tạo không gian kiến trúc khu vực Hồ Gươm cần tôn trọng các giá trị lịch sử
- Nhà mặt phố gam màu phải giống nhau?
- Hà Nội: Ý tưởng xây cổng ở … 5 cửa ô?!
- Bảo tồn và khai thác quỹ biệt thự Hà Nội: Rà soát và chọn lọc
- Đất cho các trường đại học ở Hà Nội: Quá hạn hẹp
- Cho phép mua bán bất động sản trên giấy?
- Dự thảo luật thuế nhà đất: Lẫn lộn các mục tiêu?
- Liệu có thể lắp ghép để thành tập đoàn?