Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Tương tác Phản biện Hà Nội: Ý tưởng xây cổng ở … 5 cửa ô?!

Hà Nội: Ý tưởng xây cổng ở … 5 cửa ô?!

Viết email In

Đại lễ Thăng Long - Hà Nội tròn 1000 năm tuổi đã thu hút không ít những đề xuất ý tưởng mới mẻ, độc đáo, thú vị, thậm chí gây nhiều tranh cãi, hoặc khác lạ và hoàn toàn không có tính khả thi. Mới đây nhất, nhà thơ Nguyễn Trọng Văn, Trưởng ban biên tập Ban Văn nghệ Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội đã đề xuất xây dựng "Cổng làng Việt cổ" tại các cửa ngõ ra vào thủ đô lên các cơ quan chức năng. Và, ngay lập tức đã thu hút được sự quan tâm của dư luận.

Hành trình ý tưởng đưa làng ra... phố


Ô Quan Chưởng

Ấp ủ ý tưởng xây dựng một công trình văn hóa kiến trúc cho thủ đô của ông Nguyễn Trọng Văn đã có từ năm 1997. Ông rất băn khoăn về những quốc lộ bắt nguồn từ thủ đô chạy đến một vùng đất mới, tỉnh, thành mới, được gọi là các cửa ngõ của thủ đô, đều chưa có điểm nhấn.

Nơi đó chỉ là những khoảng trống với những vòng tròn bùng binh bất động, và đôi khi yếu tố thị trường hiển hiện với hàng chữ điện tử cứng nhắc, khô khan, căng bên lề đường: "Kính chào quý khách" hay "Chúc quý khách thượng lộ bình an" để tới một miền đất mới nào đó. Có thể, cái bảng điện tử đó làm tốt chức năng một câu chào đón nhưng dấu ấn văn hóa, dấu ấn kiến trúc và dấu ấn Việt  không hề có.

Với ông, trong đời sống sinh hoạt văn hóa người Việt, cổng nhà có ý nghĩa rất lớn về nhiều mặt. Ban đầu, ý tưởng xây dựng tượng đài kỷ niệm các danh nhân Việt Nam tại các cửa ngõ thủ đô cũng đã được đề xuất. Nhưng lúc đó,  gần như bất kể tượng đài nào mới được xây dựng lên thì đều bị không ít ý kiến nhà phê bình lý luận về mỹ thuật và các cơ quan truyền thông nhất loạt mổ xẻ với không ít chê bai...

Bản thân ông cũng nhận ra rằng, chúng ta không có kinh nghiệm và truyền thống xây dựng tượng đài. Tượng đài xa lạ với kiến trúc Việt và mang đậm lối kiến trúc châu Âu, mà điển hình là ảnh hưởng của tượng đài Nga. Vị trí cửa ngõ không thích hợp với việc xây dựng tượng đài, vì ngày hội trong không gian đó sẽ là nơi múa, hát. Chưa kể trước tượng đài còn án ngữ ngay trước mặt cái lư hương, nghi ngút khói...

Một ý tưởng mới, khi nặng lòng nghĩ về làng quê Việt Nam mỗi một người từ làng ra đi hay trở về đều bồi hồi, bịn rịn, hình ảnh như ăn vào cội rễ, rất đỗi thân quen, đó là cổng làng. Từ ngàn đời nay cổng làng gắn bó với làng quê truyền thống, với mỗi người của làng. Cổng làng còn biểu hiện giá trị văn hóa của mỗi làng, biểu hiện quyền uy của làng với dân làng.

  • Ảnh bên : Cổng làng Thổ Hà, Bắc Ninh

Cổng làng mang ý nghĩa phòng thủ của làng. Nhưng, trước thực trạng hiện nay cái cổng làng đang dần trở nên xa lạ bởi hình ảnh làng quê truyền thống đã bị trào lưu đô thị hóa làm phai nhạt. Do đó, việc phục dựng lại cổng làng truyền thống bên cạnh lưu giữ giá trị kiến trúc làng quê Việt Nam còn mang giá trị cho các thế hệ mai sau và bạn bè quốc tế thêm hiểu biết về một nét văn hóa Việt Nam, đã được ông Nguyễn Trọng Văn đề xuất trong ý tưởng đề án của mình.

Theo ông Văn, thủ đô Hà Nội là nơi trăm miền hội tụ, lan tỏa những giá trị văn hóa Việt Nam, giao lưu quốc tế, do đó ý tưởng phục dựng cổng làng Việt Nam truyền thống ở Hà Nội (cổng Việt)  những địa điểm công cộng như những cửa ngõ thành phố, với không gian rộng rãi, thu hút tầm mắt của mọi người.

Ông Văn gọi những cổng Việt là những bảo tàng ngoài trời góp vào cảnh quan kiến trúc đô thị, đồng thời ông hào hứng khẳng định giá trị văn hóa của cổng làng, được xây dựng tại các cửa ngõ vào Hà Nội, là địa chỉ văn hóa cho các thế hệ mai sau và được xem như là một danh thắng ở thủ đô.

Cổng Việt sẽ trở thành biểu trưng Văn hóa - kiến trúc tiêu biểu ở Hà Nội bên cạnh các biểu trưng văn hóa - kiến trúc đã có như: Cột cờ Hà Nội, Chùa Một Cột, Khuê Văn Các, Tháp Rùa....Theo đó sẽ có đại biểu cho từng vùng văn hóa thông qua hình ảnh cổng làng.

Và, nếu như những công trình này được hoàn thành thì sẽ được xem như là một điểm nhấn ấn tượng của thành phố trước giờ đại lễ... góp phần cho các thế hệ mai sau hiểu biết về hình ảnh làng quê Việt Nam truyền thống, qua đó thêm tự hào về nơi nguồn cội, tự hào về giá trị kiến trúc cổ Việt Nam.

Cổng Việt là cổng làng... hiện đại?

Trong bản đề xuất ý tưởng sẽ có từ 5 cho đến 6 cổng Việt ở cửa ngõ ra vào thủ đô. Vì như theo ông Nguyễn Trọng Văn, Hà Nội là nơi hội tụ và kết tinh của nhiều vùng miền văn hóa. Xung quanh Hà Nội là sự đa dạng của các vùng  văn hóa đặc sắc.

  • Ảnh bên : Cổng làng Đường Lâm

Như văn hóa xứ Đông, văn hóa xứ Đoài, nằm trong văn hóa đồng bằng Bắc Bộ, văn hóa miền thượng du, văn hóa của người Việt cổ, Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ. Ở từng cửa ngõ sẽ có một cổng Việt được thiết kế kết hợp giữa cổ truyền và hiện đại. Điều cốt yếu nhất, cổng Việt quay ra hướng phía nào sẽ mang văn hóa vùng miền hướng đó tạo nên sự độc đáo, khác lạ.

Ông Văn cũng cho biết thêm, sẽ có nhiều đợt khảo sát từ rất nhiều cổng làng của mỗi vùng để chiếc cổng này không giống tuyệt đối một nguyên mẫu nào nhưng mang phong cách chung từ những cổng đó, đại diện cho vùng quê mà cổng Việt đó hướng ra. Mỗi chiếc cổng gắn với những câu chuyện về văn hóa vùng miền, khơi gợi trí tò mò, háo hức cho những ai muốn tìm hiểu về văn hóa Việt...

Như trục đường Láng Hòa Lạc, trục đường 32, cổng Việt sẽ mang đậm phong cách vùng văn hóa xứ Đoài. Hay đường 5, đường Đặng Tiến Đông có thể có cổng Kinh Bắc, quê hương của những câu dân ca quan họ ngọt ngào. Hướng đường Quốc lộ 1 có thể có cổng văn hóa của đồng bằng Bắc Bộ. Cổng Việt phong phú về hình dáng, cấu trúc, đa dạng về chất liệu xây dựng, dựa trên đặc thù của vùng miền văn hóa của vùng quê đó để tạo dựng cổng Việt sao cho hợp lý. Có thể có những cổng Việt làm bằng xi măng, đá hoặc gỗ...

Ông Văn nêu ra dẫn chứng về phương án xây dựng cổng Việt theo hướng đại diện nhất và văn hóa đại diện tượng trưng nhất. Như xứ Đoài là vùng đất đá ong, người dân xứ Đoài đã tận dụng đá ong để làm chất liệu xây dựng phục vụ đời sống sinh hoạt như xây nhà, xây tường thành, xây cầu.

Sự thuần phác của văn hóa xứ Đoài sẽ khác với  các vùng khác, vậy nên cổng Việt xứ Đoài đơn giản hơn bởi một phần do chất liệu đá ong không cho phép  tạo dáng cầu kỳ. Cổng Kinh Bắc, mảnh đất văn hiến với truyền thống văn hóa phong phú, sinh động. Cổng nơi đây chắc hẳn sẽ có nếp hoa văn cầu kỳ, tinh xảo hơn những vùng miền khác.

Cổng Xoan mở về vùng trung du Vĩnh Phúc, Phú Thọ, là biểu tượng của đất tổ, của nguồn cội. Cổng Chầu Văn, vùng đồng bằng Bắc Bộ  với những làn điệu chèo mượt mà, sóng sánh... Khi 5, 6 cái cổng Việt hoàn thành xong sẽ hình thành nên một tua du lịch văn hóa với chu vi khoảng 40 đến 50 cây số quanh Hà Nội.

  • Ảnh bên : Cổng làng Bắc Bộ

Đi một tua du lịch khám phá những điều "bí ẩn" của cái cổng Việt mất khoảng 1 ngày. Còn ai muốn tìm hiểu kỹ thì có thể qua khỏi cái cổng kia và tiếp tục đi thêm một đoạn đường... gần thì vài ba cây số, xa thì mấy chục cây, đến với vùng đất mà ta đang khám phá. Ví dụ như qua Kinh Bắc là đến miền quan họ đích thực...

Ông Văn tâm đắc với ý tưởng đề xuất, và chắc chắn: Xây dựng các Cổng Việt không phải tiến hành giải phóng mặt bằng, mà dựa vào mặt bằng thực tế tại các vị trí đã chọn. Cổng Việt được thiết kế là cổng tượng trưng cho văn hóa chứ không phải cổng giao thông, nên có hình khối, kích cỡ vừa phải và quay ra 4 hướng, có cửa trước cửa sau, cả tả và hữu để du khách qua lại đều có thể chiêm ngưỡng.

Về kiến trúc, cổng Việt có thể xây một tầng, hai tầng, thậm chí ba tầng. Người ta có thể đứng trên tầng ba của cổng Việt để chiêm ngưỡng cảnh quan xung quanh... Còn về vấn đề kinh phí xây dựng sẽ do nguồn xã hội hóa, hoặc do tài trợ của các doanh nghiệp.

Ý kiến đa chiều


Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc:

Thành phố Hà Nội thì phải là cổng thành, là cửa ô, còn xây cổng làng không nên làm. Cổng Việt thì vẫn là hình thức xây cổng làng, dù phóng to mà giống hình thù một cái cổng làng là đã nông thôn hóa Hà Nội, hạ cấp Hà Nội xuống thành một cái làng. Cổng Việt xây theo kiểu cửa ô, cổng thành thì được. Cửa ô lại nằm ngay cạnh đường cũng không thể được? Cửa ô phải phủ lên một con đường, người ta đi ở bên dưới được. Nếu xây cạnh đường thì đâu còn là cửa ô nữa.

Phải làm hoành tráng  bao trùm lên con đường lớn. Nó như cổng chào Hà Nội và các phương tiện giao thông đi ở dưới. Làm mô tuýp cổng Làng thì nghe "quê quá", biến Hà Nội thành một làng rồi. Phải làm hoành tráng và truyền  thống, rồng là truyền thống nhưng rồng cách điệu là hiện đại. Chắc chắn  phải là cổng giao thông. Chứ cổng văn hóa chỉ tượng trưng thế thôi là vẫn phải chắn ngang đường chứ không thể xây bên cạnh đường được. Xây bên cạnh đường thì vô nghĩa.

Giáo sư Trần Lâm Biền - Cục Di sản - Bộ VH-TT&DL:

Tôi đi rất nhiều nước trên thế giới chưa từng thấy ở đâu làm 5 cái cổng ở cửa ngõ ra vào thủ đô như ở trong ý tưởng đề xuất. Chúng ta chỉ có thể sửa lại những cái cửa vốn dĩ đã có trở thành di sản văn hóa, như là cửa Ô Quan Chưởng,.. còn đi xây mới rất vô lý.

Đất Thăng Long hội tụ của nhiều miền văn hóa và mỗi miền mang một đặc trưng khác nhau, đặc thù riêng vậy thì có đến 5 hoặc 6 cổng Việt cũng không thể "tải" hết được nội dung văn hóa. Ý tưởng này khó có tính khả thi bởi vì khi thiết kế từng cổng lại phải có sự tham gia của nhiều thành phần, và đặc biệt là của các nhà nghiên cứu nghệ thuật cổ truyền.

Chúng ta sẽ xây cổng Việt ở đâu? Làm cổng Việt chặn đường giao thông. Và nó đóng chết giao thông ở đấy. Làm ở trên các đường đi thì gây ảnh hưởng giao thông. Kể cả hiện nay có thể là hợp lý nhưng tương lai, mở rộng đường thì sẽ ra sao? Ở Mátcơva có nơi đến 14, có nơi 16 làn đường, mà thủ đô ta thì ngày càng phát triển, nên việc mở rộng là việc sẽ làm trong tương lai không xa.

Thứ hai, anh có ý tưởng đấy nhưng mẫu hình xây cổng Việt ở đâu? Mẫu hình nào? Làm theo lối cổ ư? Chúng ta đang đi từ làng ra nước, bây giờ lại quay trở về làng? Không thể có chuyện như vậy. Thế mà lôi cái kiến trúc cổ truyền ấy lên một không gian hiện đại, thì sẽ lạc lõng. Theo tôi nên làm tượng đài ở bên lề chứ đừng nên làm cái cổng để chắn đường đi. Kể cả xây bằng tiền xã hội hóa. Tiền nào thì cũng là tiền dân. Xã hội hóa thì cũng là tiền dân.

Ông Phạm Quang Long, Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội:

Hiện nay những đầu việc tiến tới lễ kỷ niệm cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã được Thủ tướng chính phủ chính thức phê duyệt.  Quyết định "Phê duyệt Chương trình Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào 10/6/2009.

Và một bản quyết định "Về việc phê duyệt đề cương các hoạt động tiến tới Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và Đại lễ kỷ niệm" được Thủ tướng Chính phủ ký 10/10/2008. Do vậy, những ý tưởng đề xuất khác sẽ nằm ngoài chương trình hướng tới đại lễ. Tuy nhiên, những ý tưởng này sẽ được những nơi nhận có trách nhiệm xem xét... Và, ông Long không hề đưa ra lời bình luận nào của mình về ý tưởng đề xuất xây cổng Việt. 

Trần Mỹ Hiền 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo