Sáng 15/7, tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra hội thảo khoa học “Liên kết phát triển 7 tỉnh duyên hải miền Trung”. Hội thảo có sự tham dự của ông Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ chính trị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và 7 đồng chí Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh, TP duyên hải miền Trung (gồm Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa).
Ông Nguyễn Bá Thanh- Bí thư Thành ủy Đà Nẵng phát biểu khai mạc Hội thảo.
Hội thảo nhằm đi đến thống nhất về sự cần thiết xây dựng cũng như thực thi các chính sách và cơ chế liên kết phát triển chung của cả vùng, bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững để cùng cả nước thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020.
Hội thảo đã tập trung vào 9 nhóm vấn đề: phân bố lực lượng sản xuất, điều chỉnh quy hoạch phát triển phù hợp với thế mạnh từng địa phương; xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông liên tỉnh và quốc tế; thiết lập không gian kinh tế du lịch vùng thống nhất; liên kết đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; hợp tác trong việc huy động vốn đầu tư và xây dựng cơ chế chính sách để đầu tư phát triển chung; phối hợp tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch; cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh; xây dựng hệ thống thông tin và trao đổi thông tin kinh tế - xã hội, đầu tư trên địa bàn; hợp tác bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu...
Liên kết thu hút đầu tư
Một vấn đề khá bức thiết hiện nay trong liên kết phát triển khu vực duyên hải 7 tỉnh, thành phố miền Trung chính là thu hút đầu tư. Bởi, trên thực tế, địa phương nào cũng muốn thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào khai thác lợi thế kinh tế biển, đẩy nhanh tốc độ phát triển dịch vụ, công nghiệp... trong khi tiềm năng ở những lĩnh vực này gần như giống nhau.
“Cách đây 4 năm, nếu nói đến việc đăng cai tổ chức hội nghị lớn thì chúng tôi cũng xin thôi; nhưng đến nay thì chúng tôi có thể mạnh dạn đứng ra tổ chức được. Cụ thể là dịp kỷ niệm 400 năm hình thành Phú Yên và Năm Du lịch quốc gia Nam Trung Bộ, chúng tôi đã đủ khả năng đón tiếp và phục vụ cho khoảng 1.600 khách trong dịp này”, ông Phạm Đình Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên bày tỏ như vậy khi đề cập đến việc phát triển dịch vụ du lịch của địa phương.
Điều làm vị lãnh đạo này tự tin như vậy, là chỉ trong một thời gian ngắn, trên địa bàn tỉnh đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng hệ thống khu nghỉ mát, khách sạn với 1 khách sạn 5 sao, 2 khách sạn 4 sao và 2 khu du lịch đạt tiêu chuẩn 4 sao...
Lãnh đạo tỉnh Bình Định và thành phố Đà Nẵng xem xét, thảo luận về quy hoạch thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định.
Còn theo ông Nguyễn Chí Hiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Yên, thì việc hình thành các cơ sở này, mặc dù ban đầu chưa khai thác hết công suất, nhưng tạo nền tảng cho phát triển du lịch, đồng thời để đón đầu việc triển khai các dự án công nghiệp lớn vào địa phương. Trong đó, có dự án lọc dầu Vũng Rô vốn đăng ký đầu tư ban đầu là 1,7 tỷ USD với công suất 4 triệu tấn/năm và đang điều chỉnh lên 8 triệu tấn/năm; dự án hạ tầng khu công nghiệp hóa dầu Hòa Tâm tổng diện tích 1.300 ha với vốn đăng ký 10 nghìn tỷ đồng cũng đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư...
Tuy nhiên, từ thực tế đó, cho thấy việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, du lịch và công nghiệp đang là những vấn đề cần bàn đến trong liên kết thu hút đầu tư trong và ngoài nước của các tỉnh, thành khu vực duyên hải miền Trung. Trong đó, khai thác thế mạnh để phát triển loại hình công nghiệp nào cho từng địa phương, cho cả khu vực là một vấn đề lớn.
Chỉ riêng về công nghiệp hóa dầu, thì bên cạnh Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) đã đi vào hoạt động, các dự án lọc, hóa dầu cũng đang được triển khai ở Phú Yên và Khánh Hòa một cách khẩn trương. Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong (Khánh Hòa) đã được Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam phối hợp với các đối tác đăng ký đầu tư từ năm 2008 với số vốn đầu tư 2 tỷ USD, có công suất thiết kế khoảng 10 triệu tấn/năm. Thế nhưng, việc thiếu liên kết trong kêu gọi, thu hút đầu tư đã làm cho các địa phương chịu sự “giẫm chân tại chỗ” đối với các dự án này.
Trong khi đó, thách thức đối với việc thu hút đầu tư vào khu vực không phải là nhỏ. Đó là nền tảng kinh tế-xã hội của các địa phương trong khu vực còn thấp; việc phát triển dàn trải dựa chủ yếu vào tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên du lịch...; các ngành kinh tế chủ lực có cơ cấu ngành, sản phẩm trùng lắp, thiếu các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ...
Toàn vùng có 6 khu kinh tế, 34 khu công nghiệp tập trung phát triển các ngành công nghiệp chủ lực như lọc hóa dầu, năng lượng, lắp ráp ô-tô, sửa chữa và đóng mới tàu biển, hóa chất, vật liệu xây dựng, khai khoáng, cơ khí, điện tử, điện lạnh, dệt may, da giày... với các sản phẩm chủ lực là hóa dầu, thủy điện, ô-tô, hải sản, dệt-may, da giày...
Tuy nhiên, việc đầu tư dàn trải nên thiếu những dự án có tầm cỡ, có quy mô lớn, nhất là những dự án đầu tư nước ngoài có số vốn lớn, đem lại giá trị gia tăng cao. Đó là chưa nói việc cạnh tranh giữa các địa phương có cùng tiềm năng, lợi thế đã không khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên, nhất là đất đai và nhân lực; ngược lại có lúc có nơi đã đánh mất lợi thế lớn này. Bên cạnh đó, ngoài việc Đà Nẵng được xếp thứ nhất 3 năm liền về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), thì các địa phương khác trong khu vực đang đứng trước những thách thức không nhỏ khi xếp ở những vị trí thấp trong năm 2010 như Quảng Ngãi (55/63), Khánh Hòa (40), Phú Yên (31)...
Bên cạnh đó, việc liên kết thu hút đầu tư vào du lịch cũng đang gặp phải những thách thức không nhỏ. Đó là, mặc dù việc xây dựng những sản phẩm du lịch mang tầm cỡ quốc gia đang được hình thành, bắt đầu được quảng bá rộng rãi trên thế giới như Festival Huế, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, Lễ hội Đống Đa-Tây Sơn, Festival Biển Nha Trang..., nhưng việc liên kết các chuỗi sự kiện du lịch dường như chưa được chú trọng đúng mức nên chưa khai thác hết tiềm năng. Việc gắn kết các cụm, khu du lịch cũng chưa được đặt ra, mặc dù trong vùng có đến 4 di sản thế giới. Điều đó dẫn đến việc trao đổi kinh nghiệm, tăng cường phối hợp quảng bá du lịch chưa được đầu tư đúng mức, cả về công sức và tiền bạc... Sự manh mún đó dẫn đến lượng du khách tăng nhiều ở hầu hết các địa phương, nhưng doanh thu du lịch tăng chậm hơn do khách có ít thời gian lưu trú và cơ hội để mua sắm...
Từ thực trạng đó, đặt ra vấn đề liên kết nhằm vừa hợp tác, vừa phân công trong thu hút đầu tư cho phát triển của các địa phương trong vùng. Trước hết, theo các nhà doanh nghiệp, thì quan trọng nhất là thông tin. Việc chia sẻ thông tin giữa các địa phương, tăng cường quảng bá về đầu tư theo từng lĩnh vực, từng địa phương trong mối liên hệ và quan hệ chặt chẽ sẽ tạo một môi trường lành mạnh, thông thoáng và đồng bộ để nhà đầu tư có sự chọn lựa trong quyết định của mình. Việc chia sẻ thông tin mang tính đồng bộ, công khai, minh bạch của các địa phương cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp quyết định trong việc đầu tư, liên kết đầu tư, nhất là trên lĩnh vực du lịch và công nghiệp hỗ trợ.
Việc quy hoạch phát triển cũng cần được thống nhất, từ đó tạo cơ hội cho các nhà đầu tư tiếp cận với khu vực mình quan tâm. Ví dụ: Đầu tư công nghiệp công nghệ cao tại Đà Nẵng, công nghiệp ô-tô tại Quảng Nam, công nghiệp lọc hóa dầu tại Quảng Ngãi, công nghiệp chế biến gỗ ở Bình Định, công nghiệp đóng tàu tại Khánh Hòa... Từ đó mới có cơ hội thu hút các nhà đầu tư tiềm năng, có nguồn vốn lớn, tạo cú hích cho địa phương và khu vực. Công tác thu hút, quảng bá sản phẩm du lịch cũng cần được gắn kết để vừa thu hút đầu tư, vừa khai thác những cơ sở hạ tầng đã được đầu tư, đem hình ảnh của khu vực đến với đông đảo du khách để khai thác hiệu quả tiềm năng to lớn trong khu vực...
Như vậy, có thể thấy, thông tin là vấn đề quan trọng hàng đầu trong liên kết thu hút đầu tư cho phát triển của vùng!
Nguyễn Thành (Báo Đà Nẵng, Báo Xây dựng)
- Công bố Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội
- Kết quả cuộc thi thiết kế “Công viên Thống Nhất cho tất cả mọi người”
- Hội nghị Thích nghi trong biến đổi khí hậu ở vùng hạ lưu sông Mê Kông
- Hội nghị quốc tế về công viên Địa chất khu vực châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 2 tại Hà Nội
- Đại hội lần thứ III Hiệp hội Bất động sản Việt Nam
- Tọa đàm "Cải tạo cầu Long Biên và quy hoạch khu vực quanh cầu"
- Hội thảo Phong Thủy - Kinh Dịch: "Thấu Hiểu Vận Mệnh – Thay Đổi Cuộc Đời"
- Hội thảo Rencontre Paris 2011
- Triển lãm ảnh “Đối thoại với di sản địa chất”
- Hội thảo “Không gian công cộng ven biển các tỉnh duyên hải miền Trung”