Hội nghị thu hút sự tham dự của hơn 150 đại biểu đến từ 15 quốc gia đại diện cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương và châu Âu, cùng hàng trăm đại biểu từ nhiều vùng miền ở Việt Nam và các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngoại giao, Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ; Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam, các mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu, Công viên địa chất châu Âu...
Phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên nhấn mạnh, phát triển bền vững đã trở thành đường lối, quan điểm và chính sách của Chính phủ Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam đặc biệt chú trọng đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản.
Đến nay, Việt Nam đã có 12 di sản thế giới, 8 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 3 khu bảo tồn đất ngập nước Ramsar cùng hàng chục vườn quốc gia, hàng trăm khu bảo tồn thiên nhiên trên phạm vi cả nước.
Ngày 3/10/2010, Cao nguyên đá Đồng Văn (ảnh bên) trở thành Công viên Địa chất toàn cầu và là công viên địa chất thứ 2 của Đông Nam Á, là sự kiện đánh dấu Việt Nam chính thức được công nhận là thành viên của mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu.
Qua đó, Việt Nam lại tiếp tục hội nhập với thế giới trong một xu hướng mới. Đó là bảo tồn và phát huy tổng thể mọi giá trị di sản, trong đó các di sản địa chất đóng vai trò chủ đạo, dưới hình thức xây dựng các công viên địa chất, khuyến khích du lịch địa chất cùng các hoạt động kinh tế vững chắc khác.
Bằng những nỗ lực không mệt mỏi của nhiều thế hệ các nhà địa chất Việt Nam, tiềm năng di sản địa chất và triển vọng xây dựng công viên địa chất ở nhiều địa phương trên cả nước đã và đang được sáng tỏ.
Chính phủ Việt Nam cam kết ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam sẽ có thêm nhiều khu vực được tham gia Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu. Việt Nam sẽ là một thành viên đáng tin cậy, có trách nhiệm, góp phần xứng đáng vào các nỗ lực chung nhằm xây dựng một mạng lưới công viên địa chất hiệu quả, phục vụ thiết thực nhất sự nghiệp bảo tồn và phát triển bền vững của toàn nhân loại.
Một loạt sự kiện bên lề hội nghị quốc tế công viên Địa chất khu vực châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 2 cũng đã được tổ chức thành công, như lớp tập huấn về di sản địa chất, công viên địa chất và du lịch địa chất; cuộc thi ảnh nghệ thuật "Đối thoại với di sản địa chất" và cuộc thi "Thuyết trình hay nhất về tour di sản địa chất," các triển lãm ảnh, triển lãm đá quý, đá cảnh, đá mỹ nghệ...
Trong hai ngày 19 và 20/7, hội nghị sẽ tập trung thảo luận xung quanh 5 chủ đề về: Chính sách và kết nối trong phát triển Công viên địa chất và Du lịch địa chất; Khuyến khích sự tham gia của xã hội trong phát triển Công viên địa chất và Du lịch địa chất; Phổ cập, quảng bá Di sản địa chất, Công viên địa chất và Du lịch địa chất; Giới thiệu về các Công viên địa chất mới và các khu vực muốn trở thành Công viên địa chất.
Nhân dịp này, Việt Nam sẽ giới thiệu với bạn bè quốc tế một số đại diện tiêu biểu nhất, đó là Công viên Địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), Di sản Thế giới Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và Khu di sản Thế giới Quần đảo Cát Bà (Hải Phòng)./.
(TTXVN/Vietnam+)
Tin mới hơn:
- Ra mắt tập sách "Atlas về tính tổn thương và giải pháp an toàn cho nhà ở tại Việt Nam"
- Triển lãm quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội từ 1/8
- Công bố Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội
- Kết quả cuộc thi thiết kế “Công viên Thống Nhất cho tất cả mọi người”
- Hội nghị Thích nghi trong biến đổi khí hậu ở vùng hạ lưu sông Mê Kông
Tin cũ hơn:
- Đại hội lần thứ III Hiệp hội Bất động sản Việt Nam
- Hội thảo khoa học “Liên kết phát triển 7 tỉnh duyên hải miền Trung”
- Tọa đàm "Cải tạo cầu Long Biên và quy hoạch khu vực quanh cầu"
- Hội thảo Phong Thủy - Kinh Dịch: "Thấu Hiểu Vận Mệnh – Thay Đổi Cuộc Đời"
- Hội thảo Rencontre Paris 2011