Ashui.com

Wednesday
Apr 24th
Home Tin tức Sự kiện Hội thảo về mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của chính quyền địa phương

Hội thảo về mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của chính quyền địa phương

Viết email In

Ngày 02/8, tại TP Vũng Tàu, Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) đã tổ chức hội thảo "Hướng hoàn thiện mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của chính quyền địa phương phục vụ sửa đổi Hiến pháp năm 1992" với sự tham dự của đại biểu đến từ các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND 9 tỉnh, thành phía Namvà chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu, các trường đại học...

Hội thảo nhằm tìm ra hướng giải quyết các vấn đề còn hạn chế trong mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của chính quyền địa phương. Qua đó, củng cố thêm cơ sở lý luận và thực tiễn làm luận chứng và luận cứ khoa học cho việc sửa đổi, bổ sung các qui định về HĐND và UBND trong Hiến pháp 1992, làm cơ sở xây dựng chính quyền địa phương phù hợp hơn trong thời gian tới.

  • Ảnh bên: Thủ tục hành chính một cửa tại UBND TP Vũng Tàu (Ảnh: Mạnh Cường)

Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Hoàng Văn Tú - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp cho biết, đến nay có thể khái quát chính quyền địa phương nước ta được chia làm 4 giai đoạn phát triển. Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945-1960; từ 1960-1980; từ 1980-1992 và từ 1992 đến nay. Trải qua các giai đoạn phát triển, vận động, thay đổi của hệ thống chính quyền địa phương cho thấy, việc tổ chức hệ thống chính quyền địa phương ở nước ta có những giai đoạn được tổ chức và hoạt động tương đối hợp lý. Tuy nhiên, ở giai đoạn hiện nay ở chừng mực nào đó thì mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính quyền địa phương còn phản ánh sự bất hợp lý. Điều dễ nhận thấy nhất là việc tổ chức chính quyền địa phương chưa bám sát vào thực tế điều kiện, lợi thế của từng vùng, miền, địa phương. Luật tổ chức HĐND và UBND hiện hành chưa phân biệt mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo đặc thù các vùng lãnh thổ khác nhau, đặc thù vùng nông thôn và thành thị. Những qui định về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của chính quyền địa phương vẫn còn mang dấu ấn hành chính quan liêu, về cơ bản vẫn tổ chức theo mô hình của nền hành chính công truyền thống. Quan hệ của HĐND và UBND với cấp ủy địa phương chưa rõ ràng. Cách thức tổ chức chính quyền còn rập khuôn cơ bản giống với các cơ quan ở trung ương. Mối quan hệ giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương vẫn mang nặng về cơ chế “xin cho, cấp phát”, làm hạn chế tính chủ động, sáng tạo của hệ thống chính quyền địa phương, hạn chế vai trò của pháp luật…

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung đánh giá và tìm ra những ưu điểm của các qui định pháp luật, những bài học còn giá trị trong việc tổ chức chính quyền địa phương qua các thời kỳ.Đồng thời, làm rõ vị trí, tính chất của HĐND, UBND theo qui định hiện hành; thực trạng phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương hiện nay, mối quan hệ giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương, mối quan hệ giữa các cấp, các cơ quan trong hệ thống chính quyền địa phương. Đồng thời, các đại biểu cũng tập trung phân tích các yếu tố cơ bản có tính chất quyết định về mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của HĐND, UBND trong tình hình hiện nay./.

Mạnh Cường (Báo Xây dựng)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo