Ashui.com

Friday
Apr 26th
Home Tin tức Sự kiện Hội nghị lấy ý kiến về Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội

Hội nghị lấy ý kiến về Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội

Viết email In

Ngày 14/8, Bộ trưởng bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp lấy ý kiến đóng góp của đại diện các bộ, ngành, hội nghề nghiệp cho Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (QHV Thủ đô).

Trước đó, Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và Nông thôn (VIAP), đơn vị tư vấn được lập nhiệm vụ điều chỉnh QHV Thủ đô đã chuẩn bị, nghiên cứu nhiệm vụ điều chỉnh trong 6 tháng và nhận được ý kiến đóng góp 6 bộ, 9 tỉnh, thành (bao gồm cả 3 tỉnh dự kiến bổ sung vào vùng Thủ đô là Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang).


KTS Trần Ngọc Chính - Chủ nhiệm văn phòng Ban chỉ đạo Quy hoạch và đầu tư xây dựng Vùng Thủ đô - phát biểu khai mạc hội nghị

Bổ sung 3 tỉnh vào vùng Thủ đô

Ngày 5/5/2008, tại quyết định 490/QĐ- TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt QHV Thủ đô gồm TP Hà Nội và các tỉnh Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình. Sau khi Thủ đô được điều chỉnh địa giới, Hà Tây được sáp nhập với Hà Nội, vùng còn lại 1 TP và 6 tỉnh.

Tại cuộc họp lấy ý kiến đóng góp của đại diện các bộ, ngành, hội nghề nghiệp, VIAP đã đề xuất tầm nhìn và mục tiêu của đồ án QHV Thủ đô. Theo đó, vùng Thủ đô đến năm 2050 sẽ là vùng kinh tế tổng hợp lớn của quốc gia và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, là khu vực phát triển năng động, có chất lượng đô thị cao, môi trường đầu tư thuận lợi, phát triển bền vững; là trung tâm chính trị, văn hóa – lịch sử, khoa học, giáo dục – đào tạo và du lịch lớn của đất nước.

Viện trưởng VIAP Ngô Trung Hải khẳng định: Việc điều chỉnh QHV Hà Nội nhằm tăng cường, nâng cao khả năng phát triển đô thị và khu vực nông thôn trong vùng, đồng thời khai thác tối đa tiềm năng của mỗi địa phương trong vùng. Điều chỉnh QHV Hà Nội còn làm cơ sở cho lập và điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, quy hoạch chung các đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, liên kết hạ tầng trong vùng và là cơ sở dữ liệu và đề xuất cơ chế chính sách quản lý vùng.

Trong nhiệm vụ điều chỉnh QHV Hà Nội lần này, VIAP đề xuất mở rộng vùng thêm 3 tỉnh nữa là Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên. Cả 3 tỉnh này đều có ranh giới tiếp giáp trực tiếp với Hà Nội mở rộng và trong vùng định cư, ảnh hưởng về địa kinh tế với các tỉnh khác trong vùng cũ. Như vậy, quy mô, phạm vi nghiên cứu của vùng thủ đô sẽ gồm TP Hà Nội và 9 tỉnh, tổng diện tích 24.314,7km2, đến năm 2020 là 18,2 – 20,2 triệu người, năm 2030 là 20,5 – 22,9 triệu người.

VIAP cũng chỉ rõ các yêu cầu nội dung cần điều chỉnh. Trước hết, đồ án điều chỉnh QHV Thủ đô sẽ tập trung đáng giá việc thực hiện QHV Thủ đô theo quyết định 490/QĐ - TTg, phân tích những mặt được, mặt không đươc. Tiếp đó, đồ án nghiên cứu đề xuất điều chỉnh định hướng quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan; định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế - xã hội; đánh giá môi trường chiến lược; xác định những định hướng phát triển hạ tầng và kinh tế xã hội có liên quan đến an ninh quốc phòng; đề xuất nguồn lực đầu tư và mô hình quản lý vùng…


GS Nguyễn Lân - phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam - phát biểu ý kiến

Liên kết phát triển đô thị

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cơ bản tán thành với báo cáo nội dung nhiệm vụ điều chỉnh QHV Thủ đô của VIAP nhưng cũng yêu cầu tư vấn tiếp thu các ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương.

Bộ trưởng lưu ý: Tư vấn nghiên cứu phải nhận thức đúng về đồ án quy hoạch này. Vùng Thủ đô là vùng có tính chất liên kết phát triển đô thị chứ không phải là vùng kinh tế. Mối quan tâm hàng đầu của đồ án QHV là phát triển đô thị trong tương lai, trong đó quan trọng nhất là quy hoạch không gian để các địa phương trong vùng thực hiện các chức năng phát triển đô thị, tạo động lực phát triển đô thị, hạn chế thấp nhất các thách thức của quá trình phát triển đô thị. Mục tiêu của điều chỉnh QHV Thủ đô là để phát triển Hà Nội và các địa phương xung quanh. Mối quan hệ giữa Hà Nội và các tỉnh trong vùng là liên kết, hợp tác, hỗ trợ, chia sẻ, một mặt giảm áp lực cho Thủ đô, một mặt tạo động lực cho các địa phương phát triển, bảo đảm vùng phát triển bền vững. Đồ án nên đi vào các vấn đề có thể làm được như nghiên cứu kết nối hạ tầng kinh tế xã hội, hạ tầng kỹ thuật các đô thị lớn. Đồ án cũng cần xác định cơ cấu sử dụng đất đô thị, giao thông, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, khu đại học, công viên, khu vui chơi… cho vùng và cho từng địa phương, nghiên cứu khả năng gách vác cho nhau giữa các địa phương. Đơn cử như vấn đề khu nghĩa trang, khu xử lý chất thải rắn của vùng, có thể đặt ở Hà Nội hoặc bố trí ở tỉnh nào đó sao cho hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm đầu tư. Đồ án phải xác định được các nguồn lực đầu tư, từ đó đưa ra khái toán sơ bộ trên cơ sở đó các địa phương lên kế hoạch dài, trung và ngắn hạn huy động nguồn lực.

Bộ trưởng cơ bản thống nhất việc bổ sung thêm 3 tỉnh vào vùng Thủ đô, đồng ý với việc mời chuyên gia nước ngoài tham gia nghiên cứu hoặc thẩm định đồ án nhưng vẫn đặc biệt nhấn mạnh vai trò chủ lực của tư vấn trong nước. Thời gian nghiên cứu đồ án sẽ đẩy lên nhanh hơn so với đề xuất, dự kiến, 12 tháng sau khi nhiệm vụ điều chỉnh QHV Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Việc liên kết vùng, chia sẻ chức năng vùng chưa rõ ràng

Nhận định về việc triển khai QHV Hà Nội trong thực tế cuộc sống, ông Ngô Trung Hải - Viện trưởng VIAP - cho biết: Hơn 4 năm qua, các tỉnh trong vùng Thủ đô đã bước đầu triển khai thực hiện bám sát các định hướng, chiến lược. Nhiều dự án có quy mô lớn trong lĩnh vực phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như y tế, giáo dục, đào tạo, dịch vụ, nhà ở, công nghiệp, giao thông đã được thực hiện không chỉ dừng ở quy mô phục vụ trong tỉnh mà nâng cấp lên tầm cỡ quy mô cấp vùng...

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy việc triển khai QHV còn nhiều bất cập. Điển hình là việc liên kết, chia sẻ các chức năng vùng còn chưa rõ ràng. Các KCN tập trung nhiều ở các cửa ngõ ra vào Thủ đô. Các dự án đại học tập trung, các KĐT quy mô lớn cần được xem xét, bảo đảm phù hợp hơn với thực tiễn. Các công trình hạ tầng liên vùng như nghĩa trang, xử lý rác thải chưa được thực hiện hóa theo quy định 490/QĐ- TTg. Công tác phối hợp giữa các tỉnh, TP với các bộ, ngành còn nhiều lúng túng, chưa tạo được sự gắn kết trong nội vùng.

Để khắc phục những bất cập trên, ông Ngô Trung Hải nhận định - việc lập đồ án điều chỉnh QHV Hà Nội là rất cần thiết. Đồ án này đồng thời cập nhật các định hướng, chiến lược phát triển mới trong vùng Thủ đô theo các nghị quyết của TW, các định hướng phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh, TP trong vùng…

(Báo Xây dựng)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo