Năm 2015 là một năm bội thu của ngành bảo tàng Italy, với số lượng khách viếng thăm đã vượt mức 40 triệu lượt người cho đến cuối tháng 11, trong khi thu nhập từ tiền bán vé cũng tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Bộ trưởng Văn hóa và Di sản Italy Dario Franceschini thì "2015 là một năm tuyệt vời" đối với các bảo tàng do nhà nước quản lý ở Italy, với số lượng khách tăng mạnh, thu nhập từ các nguồn cũng cao hơn và đặc biệt là các vùng như Lazio, Campania có mức tăng đáng chú ý.
(Ảnh minh họa. Nguồn: touritalynow.com)
Ngoài ra, ông cũng ghi nhận một điều rất ấn tượng, ngày càng nhiều người Italy trở lại với thói quen đi thăm viếng các bảo tàng mỗi khi có dịp.
"Mục tiêu của chúng ta là không để thành quả này trở nên vô ích và phải tiếp tục làm việc để bảo vệ và đánh giá tốt hơn các di sản mang tính lịch sử, nghệ thuật, các khu khảo cổ và tượng đài của Italy," ông viết trên trang Twitter cá nhân.
Nhật báo La Repubblica cho biết, mức tăng về lượng khách thăm bảo tàng và thu nhập từ tiền vé tăng trong năm nay là sự tiếp nối đà tăng của năm ngoái, sau khi Bộ Văn hóa và Di sản Italy đưa ra hàng loạt sáng kiến khác nhau, như cho phép du khách đến các bảo tàng miễn phí ngày chủ nhật đầu tiên mỗi tháng, cho phép thăm vào buổi tối với mức giá rẻ hay tổ chức các buổi hòa nhạc trong bảo tàng.
Năm ngoái, số lượng khách tăng so với năm 2003 là 2,5 triệu người và theo dự đoán của Bộ Văn hóa và Di sản Italy, mức tăng năm nay so với năm ngoái có thể lên tới từ 3 đến 3,5 triệu người.
Bằng việc bổ nhiệm hàng loạt giám đốc mới vào các bảo tàng lớn trên cả nước, trong đó hầu hết là người nước ngoài có kinh nhiệm, Bộ Văn hóa và Di sản Italy tin rằng, họ có thể đem đến cho công tác bảo tàng ở nước này nhiều nét mới, nhằm khai thác tốt hơn vốn di sản lớn lao mà họ đang sở hữu.
Theo Bộ trưởng Francheschini, thách thức lớn nhất là làm thế nào để khai thác được các bảo tàng nhỏ và ít tên tuổi, cũng như tăng lượng khách tới các bảo tàng ở miền Nam Italy hơn nữa.
Năm 2015 ghi nhận số lượng khách đến các bảo tàng ở vùng Campania, miền Nam Italy, đạt 6,5 triệu lượt, vượt qua cả vùng Tuscany, vốn rất nổi tiếng với nhiều bảo tàng và di sản văn hóa lịch sử quan trọng.
Vùng Basilicata, cũng thuộc miền Nam Italy, cũng chứng kiến sự tăng vọt lượng khách tới thành phố nổi tiếng Matera, thủ đô văn hóa châu Âu vào năm 2019. Lượng khách tới đây đã tăng 16% và thu nhập của ngành văn hóa cũng tăng 40%.
Hiện tại, các bảo tàng và khu di tích ở vùng Lazio, nơi có thủ đô Rome, đang thu hút nhiều khách nhất, với mức tăng xấp xỉ 10% so với năm ngoái cả về lượng khách và thu nhập.
Đấu trường cổ La Mã Coliseum và khu phế tích La Mã trong quần thể Coliseum đã thu hút 20 triệu lượt khách trong năm nay, đứng đầu bảng ở Italy./.
(Vietnam+)
- Nam Phi sẽ chi hàng trăm tỷ USD phát triển năng lượng hạt nhân
- Olympic Tokyo 2020: Nhật Bản lựa chọn mẫu thiết kế sân vận động giá rẻ
- Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc lại báo động đỏ vì ô nhiễm
- Guatemala phát hiện di tích hơn 2.700 năm tuổi của người Maya
- 190 tòa nhà chọc trời được xây dựng tại Dubai từ năm 2000
- Nhật Bản cấp 843 triệu USD cho Ấn Độ phát triển tàu điện ngầm
- Đầu tư bất động sản xuyên quốc gia ở châu Á tăng trong quý III
- Scotland sắp có nhà máy điện gió khổng lồ nổi trên biển
- Anh: Phát hiện ngôi nhà "sinh thái" 6.300 năm tuổi gần Stonehenge
- Ai Cập khởi động dự án "soi chụp" kim tự tháp bằng máy quét radar