Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư từ nguồn ngân sách chính phủ cũng như các ngân hàng còn hạn hẹp thì việc kêu gọi đầu tư từ khu vực tư nhân trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng đang là vấn đề cấp thiết đặt ra cho các quốc gia tại khu vực châu Á.
Đây cũng chính là chủ đề của Hội nghị thường niên lần thứ sáu về Tài chính Cơ sở hạ tầng do Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp với Chính phủ Singapore và tờ Thời báo Tài chính (Anh) tổ chức ngày 20/10.
(Ảnh minh họa: Reuters)
Phát biểu tại phiên khai mạc, Phó Thủ tướng Singapore Tharman Shanmugaratnam nhấn mạnh trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia trong khu vực có dấu hiệu chậm lại như hiện nay thì việc chú trọng đến các yếu tố cơ bản như cải cách cơ cấu và cơ sở hạ tầng là đặc biệt quan trọng.
Và để đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách cũng như các ngân hàng thì việc huy động các nhà đầu tư tư nhân tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng sẽ gia tăng hiệu quả cho việc phát triển kinh tế-xã hội.
Phó Thủ tướng Tharman Shanmugaratnam cũng nêu bật một vài sáng kiến quan trọng của Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (MAS tức Ngân hàng trung ương) nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Chẳng hạn như ngân hàng trung ương sẽ làm việc với các ngân hàng thương mại để cung cấp các tài liệu dự án tốt hơn, cũng như giải quyết các rủi ro phi thương mại gắn liền với đầu tư cơ sở hạ tầng… Bên cạnh đó, chính phủ cũng khuyến khích các nhà đầu tư tổ chức đóng vai trò lớn hơn trong lĩnh vực này.
Trong khi đó, ông Jordan Schawartz-Trưởng Bộ phận Cơ sở hạ tầng toàn cầu của WB cho rằng, tính chất của lĩnh vực đầu tư hạ tầng là đòi hỏi giá trị đầu tư tối đa từ tất cả các thành phần kinh tế và kèm theo đó là môi trường kinh doanh phù hợp.
Ông Jordan Schawartz nói: “Các dự án đầu tư cần được chuẩn bị kỹ lưỡng về các yếu tố kinh tế xã hội, có cơ chế thực hiện lành mạnh cả về tài chính và xã hội. Môi trường chuẩn bị các dự án đầu tư chính là yếu tố quan trọng nhất đối với việc huy động vốn tư nhân.”
Theo ước tính của WB, từ nay đến năm 2020, các nước đang phát triển cần khoảng 1.000 tỷ USD mỗi năm nhằm đáp ứng các nhu cầu cấp thiết về cơ sở hạ tầng cũng như duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế. Ở Việt Nam, con số này mỗi năm là từ 16-17 tỷ USD; trong khi ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng được khoảng 50-60%.
Vì vậy, các chuyên gia từ Ngân hàng Thế giới cho rằng Việt Nam cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như cải cách khu vực ngân hàng, phát triển thị trường vốn trong nước, thu hút đầu tư theo mô hình hợp tác công-tư (PPP)…
Tại hội nghị, các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia hàng đầu về tài chính tư nhân đã thảo luận về các sáng kiến toàn cầu mới nhất, phản ứng của các nhà đầu tư tổ chức và nhà tài trợ cũng như những cơ hội và trở ngại đang tồn tại tại các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, đồng thời đưa ra các chiến lược hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng trong môi trường kinh tế đầy biến động hiện nay./.
(TTXVN /Vietnam+)
- Nhật Bản cấp 843 triệu USD cho Ấn Độ phát triển tàu điện ngầm
- Đầu tư bất động sản xuyên quốc gia ở châu Á tăng trong quý III
- Scotland sắp có nhà máy điện gió khổng lồ nổi trên biển
- Anh: Phát hiện ngôi nhà "sinh thái" 6.300 năm tuổi gần Stonehenge
- Ai Cập khởi động dự án "soi chụp" kim tự tháp bằng máy quét radar
- Mexico: Nhà thờ 400 năm tuổi đột nhiên trồi lên mặt nước từ dưới đáy hồ
- Chi phí thuê bất động sản tại London đắt đỏ nhất thế giới
- Bỉ phát hiện vết tích ngôi làng cổ ở một công trường xây dựng
- Kuwait tìm kiếm nhà đầu tư cho các dự án trị giá 36 tỷ USD
- Trung Quốc tính cứu tăng trưởng bằng đường sắt cao tốc