Hiện có 8 trong số 10 thành phố đông đúc nhất thế giới nằm ngay trên những trung tâm động đất hay cách không xa nó. 2/3 số thành phố sẽ có trên 8 triệu người vào năm 2015 nằm ven biển mà cuộc sống của họ bị đe dọa nặng nề nếu nước biển dâng cao do tan băng tuyết ở vùng cực và những biến đổi khí hậu bất thường khác. Nhưng trước mắt, điều quan tâm nhất hiện nay đối với cư dân đô thị là chỗ ở. Trong số 3 tỉ cư dân hiện sống tại đô thị, có 1 tỉ người sống trong các khu nhà ổ chuột không có nước sạch, cơ sở vệ sinh đầy đủ và nơi ở ổn định. Mỗi năm có 1,6 triệu cư dân đô thị, phần đông là trẻ em, chết vì phải sống trong tình trạng thiếu nước sạch và thiếu vệ sinh.
Những vấn đề của cuộc sống đô thị hiện nay buộc thế giới phải xác định rõ các ưu tiên phát triển, nhất là phải xem xét lại việc phân bổ viện trợ quốc tế cho đúng nơi. Từ năm 1970-2000, viện trợ quốc tế cho khu vực đô thị tại các nước đang phát triển chỉ chiếm có 4% tổng số tiền viện trợ phát triển của thế giới. Đến năm 2015 sẽ có 59 thành phố tại châu Phi, 65 thành phố Mỹ La tinh và 253 thành phố châu Á có dân số từ 1 - 5 triệu người. Khi đó đô thị sẽ là bộ mặt của nền văn minh, động lực đẩy nền kinh tế thế giới đi lên, là cái nôi của sáng tạo nghệ thuật, khoa học nhưng cũng đồng thời là mảnh đất nuôi dưỡng tội phạm, bệnh tật…
Có thể lấy ví dụ điển hình, Trung Quốc với kế hoạch lên tới 600 tỷ USD có mục tiêu lớn cho quá trình đô thị hoá chưa từng có trong lịch sử. Thực tế cho thấy kế hoạch hàng trăm tỷ USD hỗ trợ tăng trưởng kinh tế được công bố hoành tráng vào ngày 9/11/2008 nhằm mục đích ngăn kinh tế Trung Quốc đi xuống. Nguyên nhân hợp lý cho kế hoạch chi tiêu hoành tráng này là đáp ứng nhu cầu tài chính cho quá trình đô thị hóa lớn chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Những số liệu dự đoán về tình hình đô thị tại Trung Quốc khiến bất kỳ ai cũng phải ngỡ ngàng: trong 17 năm tới, 350 triệu người dân nông thôn (nhiều hơn tổng dân số Mỹ hiện nay) sẽ ra thành phố. Như vậy số dân sống tại thành thị của Trung Quốc từ mức 600 triệu hiện nay sẽ lên tới khoảng 1 tỷ người sau 17 năm. 2/3 dân số Trung Quốc sẽ sống tại thành thị. Thay đổi này sẽ đưa Trung Quốc từ một nước bao thế kỷ nay với số dân chủ yếu sống ở vùng nông thôn sang một thái cực trái ngược. 30 năm trước đây, khi Trung Quốc bắt đầu hiện đại hóa nền kinh tế, khoảng hơn 80% người sống tại nông thôn, và chỉ 6 năm trước, con số này là 60% và nay là 50%.
Theo tính toán, quá trình đô thị hóa ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương diễn ra nhanh nhất thế giới trong vòng 15 năm qua. Năm 1990, có 33% dân số châu Á - Thái Bình Dương sống ở thành thị, thì tới nay con số này đã tăng lên 41%. Quá trình “di cư” từ nông thôn và thành phố diễn ra nhanh nhất là ở khu vực các nước ASEAN, nơi tỉ lệ dân cư đô thị tăng từ 32% năm 1990 lên 45% năm 2006. Ấn Độ đang và sẽ là nước có tốc độ đô thị hoá nhanh hàng đầu châu Á. Tại Ấn Độ, dự tính đến năm 2050 sẽ có hơn 900 triệu người dân nước Nam Á này, chiếm khoảng 55% dân số, sinh sống ở khu vực thành thị so với 300 triệu người (chiếm 30%) hiện nay. Mặc dù làn sóng di cư ra thành thị tăng mạnh, nhưng Ấn Độ vẫn sẽ là nước có số dân sống ở nông thôn đông nhất thế giới trong thời gian tới, vì dân số nước này lên tới hơn một tỷ người. Theo các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ, Chính phủ cần thúc đẩy sự phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn nhằm ngăn chặn làn sóng di cư ra đô thị của các nông gia.
LHQ dự báo dân số thế giới sẽ tăng từ 6,7 tỷ người hiện nay lên tới 9,2 tỷ vào năm 2050. Đến lúc đó, toàn thế giới sẽ xuất hiện 27 “siêu thành phố”, tăng so với con số 19 hiện nay, và nhiều thành phố nhỏ hơn với không quá 0,5 triệu dân sẽ xuất hiện. Tokyo (Nhật) là thành phố đông dân nhất với 35,7 triệu người. Các thành phố Bắc Kinh, Thượng Hải (Trung Quốc); Mumbai và New Delhi (Ấn Độ); Cairo (Ai Cập); London (Anh); Tehran (Iran); Los Angeles, New York (Mỹ); Rio de Janeiro ( Brazil)... nằm trong số 19 thành phố đông dân nhất.
Với tốc độ đô thị hóa tăng cao như hiện nay, số dân sống ở nông thôn toàn thế giới sẽ giảm dần, dự báo từ 3,4 tỷ người năm 2007 còn 2,8 tỷ năm 2050.
Tin mới hơn:
- Một đoạn Vạn Lý Trường Thành ở Nội Mông đã biến mất
- Babylon bao giờ mới được khôi phục?
- Năm 2009: Thị trường xây dựng Đông Nam Á sẽ tiếp tục đình đốn
- Tháp nghiêng Venice sẽ có vành đai "yểm trợ"
- Trung Quốc công bố gói kích thích mới cho lĩnh vực bất động sản
Tin cũ hơn:
- Một số danh thắng thế giới sẽ chỉ còn là hình ảnh?
- Tượng Nhân sư ban đầu mang gương mặt sư tử?
- Thành phố tốt nhất thế giới năm 2008: Cape Town (Nam Phi)
- Nước Anh công bố 7 cây cầu di sản quốc gia
- Tưởng niệm KTS Joern Utzon tại thành phố Sydney, Australia