Tại buổi làm việc về tình hình quản lý, khai thác và cấp phép nước ngầm vào sáng ngày 30/11 do UBND TP.HCM chủ trì, báo cáo của sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM cho thấy: sự giảm mực nước ở các tầng khai thác, phát triển đô thị, địa chất yếu… đã khiến địa hình ở TP.HCM đang bị biến dạng mạnh. Năm quận, huyện của TP.HCM đang ở tình trạng lún với tốc độ nhanh. Dự báo đến năm 2020, giá trị lún khu vực này sẽ tăng từ 12 – 22cm.
Năm quận đang lún với tốc độ nhanh gồm: quận 9 (8,88ha), Bình Chánh (15ha), Thủ Đức (11,23ha), Hóc Môn (17,8ha) và Bình Thạnh (0,45ha). Lún tốc độ trung bình (10 – 15mm/năm) đã xuất hiện hầu hết ở các quận 1, 4, 8, 7.
Cảnh khoan giếng nước ngầm tại TP.HCM. (Ảnh: Hoàng Trí Dũng)
Hết tầng nước an toàn
Vào năm 1998, biến dạng mặt đất bắt đầu lan rộng ở hàng loạt quận huyện trên địa bàn thành phố, với giá trị ghi nhận cao nhất là 155mm từ năm 1998. Từ năm 2002 – 2010, không phát triển thêm vùng lún mới, nhưng giá trị lún tăng nhanh tại các vùng có sự hạ thấp mức nước ngầm, với giá trị cao nhất là 309mm.
Theo báo cáo dự án quan trắc biến dạng mặt đất khu vực TP.HCM của sở Tài nguyên và môi trường, diễn tiến lún mặt đất diễn ra tập trung tại các khu công nghiệp như: Tân Bình, Tân Tạo, Vĩnh Lộc. Kết quả quan trắc cho thấy: 79/116 tuyến ngập triều trên thành phố bị ảnh hưởng bởi lún mặt đất. Lún mặt đất cũng đã hạ thấp đáng kể độ cao của các điểm khống chế độ cao từ 20 – 30cm so với giá trị ghi nhận năm 2003. Nhóm nghiên cứu cảnh báo, tham chiếu độ cao các mốc này để xây dựng công trình cho thấy ảnh hưởng rất lớn đối với các công trình liên quan đến triều. Vì vậy, cần xác định lại toàn bộ độ cao các mốc trong khu vực lún để tránh ảnh hưởng lớn đến các công trình xây dựng liên quan đến thoát nước và chống ngập.
Một trong các nguyên nhân khiến bề mặt của mặt đất thành phố bị biến dạng là tình trạng khai thác nước ngầm vô tội vạ hiện nay. Theo báo cáo, do khai thác nước một cách tập trung với lưu lượng lớn ở phần phía tây nam thành phố, hiện chúng ta đã khai thác hết trữ lượng khai thác an toàn và đã bắt đầu khai thác vào trữ lượng tĩnh. Đồng thời, việc khai thác nước ngầm hiện nay còn đã làm cho mực nước tầng 3, 4 có xu hướng giảm so với cân bằng nước.
Cấp phép rồi cũng khó quản lý
Theo thống kê, số giếng khoan khai thác nước ngầm đã bùng nổ, tăng 6,5 lần trong mười năm. Tổng lưu lượng khai thác nước toàn thành phố khoảng 582.915m3/ngày, trong đó chỉ mới cấp phép 326.784m3/ngày. Số giếng hộ dân đã đăng ký chỉ chiếm 12,3% số giếng phải đăng ký. “Ngay cả khi nói cấp phép, nhưng chỉ cấp phép thế thôi, chứ không biết được họ khai thác bao nhiêu, như thế nào”, ông Nguyễn Văn Hồng, phó giám đốc sở Tài nguyên và môi trường thừa nhận.
Thực tế, dù hiện nay, đã có quy định không cấp phép mới khai thác nước ngầm, nhưng nhiều nơi chưa có nước cấp tới, nên vẫn phải chấp nhận cho khai thác. Theo ông Phạm Thanh Trực, phó phòng quản lý môi trường, ban quản lý Khu công nghiệp, khu chế xuất thành phố, hiện thành phố chỉ có ba khu công nghiệp sử dụng nước cấp cho sản xuất; bảy khu vừa sử dụng nước cấp, vừa sử dụng nước ngầm khai thác; bốn khu đang sử dụng nước ngầm qua khai thác hoàn toàn (Tây Bắc Củ Chi, Bình Chiểu, Tân Thới Hiệp, Tân Phú Trung). “Dù nhiều khu đã có nước cấp tới, nhưng vẫn xảy ra tình trạng khai thác nước ngầm lậu, sắp tới chúng tôi sẽ rà soát lại”, ông Trực nói. Theo đại diện Sawaco, hiện thành phố đã có 185/242 phường đã có nước cấp tới nơi.
Bên cạnh đó, theo nhiều đại diện quận, huyện, quy chuẩn quản lý nước ngầm hiện nay đã không còn phù hợp với thực tế, rất cần thay đổi. Thừa nhận công tác quản lý, quy hoạch, khai thác nước ngầm còn lỏng lẻo, tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thành Tài chỉ đạo, cần siết chặt công tác quản lý với những quy định mới, mức chế tài cao. Đồng thời, cần có đầu tư đúng mức cho nghiên cứu khoa học những vấn đề liên quan.
Lê Quỳnh
- EIB tài trợ dự án xây dựng tuyến metro số 2 tại TP.HCM
- Bộ Xây dựng đề nghị rà soát quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, thành phố
- Xử lý nghiêm nhà "siêu mỏng"
- Bao giờ mới di dời trường ĐH-CĐ ra ngoại thành?
- TP.HCM: chỉ tăng giá đất ở các tuyến đường mới
- Quy hoạch tổng thể khu vực xây dựng nhà Quốc hội
- Bảo tàng Khánh Hòa: Quy hoạch treo đến bao giờ?
- ARDOR Architects hợp tác chuyên môn với MOAS Design
- Đề xuất mở tuyến đường sắt, đường bộ xuyên Đông Dương
- TPHCM: Kiến nghị xây đường sắt trên cao vượt sông Sài Gòn