Dự án đầu tư nâng cấp Bảo tàng Khánh Hòa rơi vào vòng luẩn quẩn “đi, ở” suốt 7 năm qua.
Luẩn quẩn đi ở
Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa ở 16 Trần Phú, Nha Trang, vốn là Sở Công chính thời Pháp thuộc. Đầu năm 2003, UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt dự án đầu tư nâng cấp bảo tàng Khánh Hòa. Năm 2003, dự án nâng cấp bảo tàng vừa khởi công đã tạm ngưng, với lý do chưa xứng tầm nhà bảo tàng của Khánh Hòa.
Phương án xây dựng mới bảo tàng ở phía sau Trung tâm Văn hóa 46 Trần Phú được đề xuất. Nhưng tỉnh đã dành khu đất này cho một doanh nghiệp xây cao ốc (đến nay công trình vẫn dở dang).
- Ảnh bên : Mặt tiền Bảo tàng Khánh Hòa hiện nay
Năm 2005, sau khi có thỏa thuận với Bộ Công an, UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép đầu tư xây dựng bảo tàng mới tại vị trí Nhà khách 378, Bộ Công an (phía nam cầu Trần Phú). Tuy nhiên, phương án này không thực hiện được. Đầu năm 2006, UBND tỉnh lại quyết định xây dựng bảo tàng Khánh Hòa mới tại vị trí cũ.
Giữa năm 2008, dự án xây dựng bảo tàng Khánh Hòa hoàn tất nhưng chưa được phê duyệt. UBND tỉnh sau đó quyết định sẽ tháo dỡ ngôi nhà cũ, mở cuộc thi lập đồ án kiến trúc bảo tàng mới. Tuy nhiên, hàng chục đồ án kiến trúc gửi dự thi bị xếp xó. Sở VH-TT&DL Khánh Hòa vừa qua lại có tờ trình, xin đầu tư xây dựng bảo tàng Khánh Hòa tại địa điểm Trạm thử nghiệm Vật liệu hữu cơ từ tài nguyên biển (TTN).
Nhường vị trí đẹp cho khách sạn?
Theo ông Trương Đăng Tuyến, GĐ Sở VH-TT&DL Khánh Hòa, khu đất bảo tàng Khánh Hòa hiện nay có diện tích hẹp (hơn 2.700m2), không thuận tiện giao thông do ngược chiều đường Trần Phú. Khu đất TTN ở gần Hòn Chồng có diện tích hơn 6.000 m2, đủ lớn để xây dựng bảo tàng đáp ứng được các yêu cầu lâu dài. bảo tàng Khánh Hòa được xây dựng ở đó sẽ phát huy được giá trị, do gắn với các danh thắng quốc gia là Hòn Chồng, Tháp Bà Ponaga, gắn với Hòn Đỏ và một số trường đại học, cao đẳng.
Nhưng bảo tàng Khánh Hòa hiện nay cũng ở vị trí vào loại đẹp nhất ở trung tâm Nha Trang; ngoài mặt tiền đường Trần Phú trông thẳng ra biển, còn có mặt tiền đường Yersin ở phía nam. Hạn chế về giao thông do ngược chiều đường Trần Phú có thể xử lý bằng cách mở dải phân cách giữa.
Sở VH-TT Khánh Hòa (nay là Sở VH-TT&DL) trước đó từng nhận định: Không thể có vị trí nào tốt hơn vị trí hiện tại của bảo tàng, nếu tỉnh đầu tư thỏa đáng, sẽ có thể xây dựng ở đây một bảo tàng lớn nhất miền Trung.
Vậy lý do gì để Sở VH-TT&DL kiến nghị dời bảo tàng Khánh Hòa đi chỗ khác? Theo tìm hiểu, Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa vừa qua đã nghe Sở KH&ĐT báo cáo việc một công ty xin đầu tư khách sạn tại đây.
Trở ngại lớn của phương án di dời bảo tàng đến TTN, theo ông Trương Đăng Tuyến xác nhận, là UBND tỉnh Khánh Hòa không có quyền định đoạt khu đất TTN. Khu đất này thuộc Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang, thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
“Bây giờ, phải làm sao có địa điểm mới để dời TTN đi, nếu họ chịu thì cũng phải dăm năm nữa mới xây được bảo tàng Khánh Hòa mới”, ông Tuyến nói.
Nguyễn Đình Quân
- Xử lý nghiêm nhà "siêu mỏng"
- Bao giờ mới di dời trường ĐH-CĐ ra ngoại thành?
- TP.HCM: chỉ tăng giá đất ở các tuyến đường mới
- Khai thác nước ngầm vô tội vạ - Mặt đất ở TP.HCM đang lún nhanh
- Quy hoạch tổng thể khu vực xây dựng nhà Quốc hội
- ARDOR Architects hợp tác chuyên môn với MOAS Design
- Đề xuất mở tuyến đường sắt, đường bộ xuyên Đông Dương
- TPHCM: Kiến nghị xây đường sắt trên cao vượt sông Sài Gòn
- TP.HCM sẽ có công trình mẫu về tòa nhà xanh
- Họp báo về việc xếp loại bãi biển Nha Trang