“Trường không đáp ứng chỉ tiêu sử dụng đất >25 m2/ sinh viên, không kể diện tích công trình thể chất và ký túc xá; > 45 m2/sinh viên (bao gồm công trình thể chất và ký túc xá). Trường đáp ứng được chỉ tiêu sử dụng đất, nhưng quy mô diện tích đất hiện có không > 2ha phải di dời khỏi nội đô Hà Nội”, đó là một trong những nội dung chính tờ trình của bộ Xây dựng vừa gửi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng hệ thống các trường đại học, cao đẳng tại vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050.
Cũng theo tờ trình, các trường có cơ sở vật chất không đảm bảo diện tích các công trình về thể chất như sân thể thao, thư viện, cây xanh… theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc hạ tầng ngoài trường (xã hội và kỹ thuật) không đảm bảo, hoặc gây ảnh hưởng đến sự quá tải của hạ tầng đô thị cũng phải di dời khỏi nội đô. Các trường đã có lịch sử phát triển lâu dài, sẽ xem xét giữ lại một phần hay toàn bộ, hạn chế chuyển đổi chức năng khác. Các trường đào tạo về văn hóa nghệ thuật, đào tạo quy mô nhỏ sẽ giữ lại trong khu vực nội đô.
- Ảnh bên: Trường Đại học Xây dựng Hà Nội là một trong nhiều trường sẽ di dời khỏi nội đô thời gian tới.
Bộ Xây dựng cũng đề xuất hình thành các trung tâm đào tạo mới gắn với các trục tăng trưởng kinh tế. Theo đó, các đô thị tỉnh lỵ các tỉnh trong vùng Hà Nội như Phủ Lý, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Yên, Hòa Bình, ưu tiên phát triển cho các trường trọng điểm ngành nghề mũi nhọn cho vùng, cả nước và khu vực. Đô thị động lực của các tiểu vùng như: Sóc Sơn (Hà Nội), Từ Sơn (Bắc Ninh), Phúc Yên (Vĩnh Phúc), Phố Nối (Hưng Yên), Sao Đỏ (Hải Dương), Đồng Văn (Hà Nam) thuận ưu tiên phát triển các đại học, cao đẳng cộng đồng. Phân bố hệ thống trường theo tầng bậc từ đại học quốc gia, đại học trọng điểm vùng đến các trường cao đẳng nghề, cao đẳng cộng đồng. Đại học quốc gia ở Hòa Lạc, các trường đại học trọng điểm, trường tiêu chuẩn đẳng cấp quốc tế sẽ được phát triển gắn với các khu vực phát triển kinh tế quốc gia như Hòa Lạc, Xuân Mai, Sóc Sơn, Vĩnh Yên (tiếp tục mở rộng đại học dầu khí), Hưng Yên (có đại học Phố Hiến), Hải Dương... các trường đại học trọng điểm vùng gắn với các ngành nghề kỹ thuật - công nghệ, hoặc kinh tế - kỹ thuật sẽ được phát triển gắn với vùng ngoại ô thủ đô Hà Nội như Chúc Sơn, Gia Lâm, Từ Liêm, Hà Đông; tại các đô thị động lực; trên các hành lang kinh tế động lực của vùng như Bắc Ninh, Sóc Sơn, Hải Dương, Hưng Yên...
Dự kiến đến năm 2020, vùng Thủ đô Hà Nội có khoảng 1,62 triệu sinh viên (chiếm 40% số sinh viên toàn quốc). Trong đó, thủ đô Hà Nội đáp ứng khoảng 65-70 vạn sinh viên (chiếm 40-43% số sinh viên toàn vùng); tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Bắc Ninh, mỗi tỉnh đáp ứng khoảng 20-22 vạn sinh viên…
Hữu Lực
- Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội
- Khảo sát địa chất cho tuyến dự án metro ở Hà Nội
- Xử lý nhà siêu mỏng: Hầu hết mới dừng ở thống kê, phân loại
- TPHCM: Xây cầu đi bộ nối Thủ Thiêm với đường Đồng Khởi
- Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Không có bong bóng bất động sản
- Quy hoạch chung khu kinh tế Hoành Mô - Đồng Văn
- Hà Nội duyệt quy hoạch xây dựng hai bên đường vành đai 2,5
- Nhật Bản giúp Việt Nam nâng cao năng lực quản lý và bảo trì đường bộ
- Thừa Thiên – Huế: chỉnh trang, tôn tạo sông Ngự Hà
- Bộ Xây dựng đề xuất “giải cứu” thị trường bất động sản