Nhật Bản sẽ chuyển giao công nghệ để giúp Việt Nam cải thiện năng lực quản lý và bảo trì đường bộ. Đây là nội dung chính của dự án hợp tác kỹ thuật sẽ được ký kết ở Hà Nội ngày 1/7 giữa đại diện của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Theo thông tin từ văn phòng JICA ở Hà Nội, mục đích chính của “Dự án nâng cao năng lực bảo trì đường bộ” là nhằm giúp Việt Nam xây dựng một hệ thống thông tin hiện đại - công cụ cho phép quản lý mạng đường bộ quốc gia. Theo thống kê thì hiện nay tổng chiều dài của toàn mạng lưới là 16.758 km, đặt dưới sự quản lý của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
- Ảnh bên: Đại lộ Đông - Tây, một dự án hạ tầng quan trọng của TPHCM được xây dựng bằng vốn ODA và nhà thầu Nhật Bản, đưa vào hoạt động chưa lâu nhưng gần đây đã xuất hiện nhiều dấu hiệu hư hỏng bề mặt (Ảnh: Kinh Luân)
Nhận định về bước hợp tác mới này, ông Tsuno Motonori, Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam, nói: “Cho đến nay, Việt Nam vẫn chú ý vào việc xây dựng đường nhiều hơn là bảo trì. Cùng với xu hướng này là sự thiếu quan tâm đến việc đầu tư vào các tổ chức và công nghệ bảo trì đường bộ. Chính vì vậy mà dự án được hình thành”.
Theo các chuyên gia của JICA, dự án này sẽ không tập trung vào những công nghệ bảo dưỡng, sửa chữa đường bộ thông thường mà chủ yếu là ứng dụng công nghệ mới trong khâu quản lý thông tin và theo dõi tình trạng của hệ thống đường bộ. Nói rõ hơn, dựa trên các dữ liệu được nhập vào hệ thống sẽ phân tích và đưa ra đánh giá về hiện trạng mức độ hư hỏng của các tuyến đường, nhu cầu sửa chữa theo từng cấp độ và thậm chí cả ngân sách dự trù cho việc sửa chữa, bảo trì.
“Lần này chúng tôi đưa vào sử dụng phần mềm có thuật toán hoàn toàn mới do các chuyên gia trường Đại học Kyoto Nhật bản nghiên cứu và phát triển”, tiến sĩ Phan Lê Bình, chuyên gia cao cấp của JICA, giải thích.
Được biết dự án sẽ bắt đầu từ giữa năm 2011 và thực hiện trong vòng hai năm rưỡi, bằng khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 4,3 triệu đô la Mỹ.
Kinh Luân
- TPHCM: Xây cầu đi bộ nối Thủ Thiêm với đường Đồng Khởi
- Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Không có bong bóng bất động sản
- Đề xuất hình thành các trung tâm đào tạo mới trong vùng thủ đô
- Quy hoạch chung khu kinh tế Hoành Mô - Đồng Văn
- Hà Nội duyệt quy hoạch xây dựng hai bên đường vành đai 2,5
- Thừa Thiên – Huế: chỉnh trang, tôn tạo sông Ngự Hà
- Bộ Xây dựng đề xuất “giải cứu” thị trường bất động sản
- Di tích Thành nhà Hồ được công nhận là di sản văn hóa thế giới
- Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô sẽ hút 35.000 tỷ đồng vốn
- Tôn tạo Linh Tinh Môn – Văn Miếu Huế