Bộ Xây dựng vừa báo cáo Thủ tướng Dự án về hạ tầng phát triển cấp nước, điện, giao thông và cải thiện môi trường quy mô rất lớn do Công ty CP Bình Minh đầu tư.
Theo Công văn số 499 /BXD – HTKT vừa được Bộ Xây dựng trình Thủ tướng, Đề án này có tên “Dự án Hệ – Mạch phát triển cấp nước môi trường, sinh hoạt kết hợp phát điện, giao thông cho thủ đô Hà Nội và chuỗi đô thị phía Tây” do Công ty Cổ phần tập đoàn xây dựng và du lịch Bình Minh làm chủ đầu tư.
Tổng mức đầu tư 46.721 tỷ đồng, chia làm 3 giai đoạn, giai đoạn 1 đầu tư 22.618 tỷ đồng, giai đoạn 2 là 13.361 tỷ đồng, giai đoạn còn lại 10.742 tỷ đồng. Hình thức đầu tư BT, BOT và BTO.
Tổng diện tích sử dụng 985 ha. Trong đó, diện tích đất giao thông là 838,3 ha, diện tích trạm xử lý nước 48 ha, diện tích đất xây dựng các công trình khác 98,7 ha.
- Ảnh minh họa bên : Phối cảnh tuyến đường 8 làn xe kéo dài từ Lê Đức Thọ đến đường 70, đi qua các khu đô thị Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2 và Xuân Phương (Ảnh: Đoàn Loan / VnExpress)
Đề án được xây dựng trên phạm vi 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Phú Thọ và Hòa Bình.
Nguồn cấp nước lấy từ Sông Đà và khe suối thuộc hồ Hòa Bình, xây dựng 8 trạm cấp nước trên tuyến, không đề xuất rõ vị trí, cửa xả cấp nước cho Hồ Tây, sông Tô Lịch, sông Nhuệ và các điểm có nhu cầu. Xây dựng một trạm cấp điện có công suất 100MW tại khu vực xóm Đạo, xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.
Về giao thông, xây cầu chính qua sông Đà, chiều dài 1,7 km; cầu qua sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tích.
Đề án này đã được sự quan tâm rất sát sao từ các Bộ, Ngành. Bộ Công thương cho rằng, Đề án chưa làm rõ về định lượng ảnh hưởng đến việc giảm sản lượng điện của nhà máy thủy điện Hòa Bình, cần có sự tham gia của tư vấn chuyên ngành và ý kiến của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, đây là Đề án có quy mô lớn, nếu thực hiện tốt sẽ có tác động tích cực đến phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, Đề án này chưa phân tích rõ tác động đến môi trường, cần làm rõ tác động của việc khai thác, sử dụng nước đến thủy điện Hòa Bình, biến đổi nguồn nước hạ lưu hồ Hòa Bình, đồng bằng Bắc Bộ và đề án cấp nước chuỗi đô thị Hòa Lạc, Xuân Mai…
Theo Bộ Xây dựng, Đề án này chưa làm rõ được khả năng cấp nước của các hệ thống hiện hữu theo quy hoạch cho vùng Thủ đô. Tuy nhiên, đề án đề xuất định hướng lâu dài cho cấp nước sinh hoạt ngoài năm 2020 có tính đến nhu cầu làm sạch và ổn định mực nước các con sông đang bị ô nhiễm là một ý tưởng cần được quan tâm.
Về giao thông, các tuyến đường trong đề án là phù hợp về hướng phát triển giao thông của Thủ đô, không trùng với các tuyến phát triển đường sắt đô thị theo quy hoạch. Tuy nhiên, đề án chưa thể hiện được lộ giới cũng như lý trình của tuyến theo hiện trạng và quy hoạch.
Về cấp điện, Đề án vẫn chưa thể hiện được các nội dung kiến nghị do Bộ Công thương yêu cầu từ trước đó nên rất khó đánh giá tính khả thi của phần này. Nguồn vốn đầu tư cho cấp nước chưa thể hiện được vai trò của nhà đầu tư do việc sử dụng nguồn vốn ngân sách cho các hạng mục công trình cấp nước không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay.
Bộ Xây dựng yêu cầu Công ty CP Bình Minh tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, chuyên gia để hoàn thiện đề án. Sau khi đồ án Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội mở rộng được phê duyệt sẽ xem xét chủ trương cho phép công ty cổ phần Bình Minh lập dự án đầu tư của dự án hoặc các tiểu dự án thành phần được khẳng định phù hợp với quy hoạch và triển khai thực hiện theo quy định.
Kiều Thuật
- Cần hàng nghìn tỷ đồng cho "thành phố không dây"
- Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị VN đến năm 2025 và tầm nhìn 2050
- Nhà trọ tràn vào di tích quốc gia!
- Quy hoạch vùng kinh tế TP.HCM
- Chính phủ duyệt triển khai dự án nhà ở xã hội
- Thành phố Đà Lạt được công nhận là đô thị loại I
- "Đại gia" thiết kế kiến trúc của Nhật Bản vào Việt Nam: Kume Design Asia
- Xử lý vi phạm ở khu vực lăng Minh Mạng, Võ Thánh
- Chấm thi cuộc thi thiết kế kiến trúc dự án Harmony Point
- Khởi công xây dựng dự án cầu dây văng lớn nhất Việt Nam