Có thể thấy, “mạng nhện” đường dây đi nổi đã là một “đặc sản” của phố phường trên cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng. Thực trạng này không chỉ gây phản cảm về mỹ quan đô thị mà thậm chí còn gây mất an toàn cho người tham gia giao thông.
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 17 đơn vị quản lý dây thông tin, một đơn vị điện lực và một đơn vị chiếu sáng đang là chủ nhân của hệ thống dây nổi. Từ năm 2007, thành phố Hà Nội đã đưa kế hoạch hạ ngầm đường dây nổi vào chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách của năm 2008. Thế nhưng cho tới nay hầu hết các đơn vị quản lý dây vẫn chưa có giải pháp thực hiện.
Ngoài 5 tuyến phố đã và đang được thực hiện thí điểm hạ ngầm đường dây là Đinh Tiên Hoàng - Hàng Khay, Nguyễn Thái Học - Kim Mã, Văn Cao - Trần Duy Hưng, Hai Bà Trưng - Thanh Niên, thành phố sẽ tiếp tục triển khai trên nhiều tuyến phố khác để thực hiện kế hoạch “thành phố không dây”.
Song nhiều nhà quản lý cho rằng khó có thể bố trí đủ kinh phí để thực hiện kế hoạch này. Chỉ riêng thực hiện thí điểm dự án hạ ngầm tại 5 tuyến phố, kinh phí đã lên tới 220 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố phải chi 130 tỷ đồng.
Theo tính toán sơ bộ, để hạ ngầm 1km sẽ phải chi khoảng 12 tỷ đồng. Như vậy nếu thực hiện được kế hoạch hạ ngầm trên 140 tuyến phố (tại 9 quận nội thành) với khoảng 100 km, thành phố sẽ phải dành kinh phí hàng ngàn tỷ đồng.
Ông Lê Văn Dục, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: “Khi thực hiện hạ ngầm tại một số tuyến phố, phát hiện có tới trên 30% trong số các đường dây đó là vô chủ. Có những đường dây tồn tại tới hai, ba chục năm. Các cơ quan sử dụng số đường dây này đã vô trách nhiệm khi không còn sử dụng nữa mà không cắt bỏ, thu hồi lại. Đơn giản vì do việc tháo gỡ dây xuống mất rất nhiều chi phí, trong khi chưa có một chế tài xử phạt nào về hành vi này”.
Thành phố Hà Nội cũng đã chỉ đạo trên các tuyến phố chưa hạ ngầm, các đơn vị, doanh nghiệp không được treo thêm dây cáp, dây điện... Trong trường hợp cần thiết, Sở Xây dựng sẽ cấp phép có thời hạn treo tạm đường dây, cáp cho các đơn vị nhưng phải có biện pháp bảo đảm an toàn, mỹ quan đô thị, khi hết thời gian cấp tạm phải tự tháo dỡ.
Phan Dương
>>
- Việt Nam sẽ có khoảng 1.000 đô thị vào năm 2025
- Dự thảo lần 5 Nghị định về quản lý chiếu sáng đô thị: Hướng tới tiết kiệm năng lượng
- Đức hỗ trợ kỹ thuật về quản lý nước thải và chất thải rắn tại các đô thị Việt Nam
- Nha Trang trở thành đô thị loại I
- Thừa Thiên-Huế khánh thành tu bổ, tôn tạo cửa Đông Bắc
- Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị VN đến năm 2025 và tầm nhìn 2050
- Nhà trọ tràn vào di tích quốc gia!
- Quy hoạch vùng kinh tế TP.HCM
- Chính phủ duyệt triển khai dự án nhà ở xã hội
- Đề án hạ tầng cho Hà Nội và chuỗi đô thị phía Tây hơn 46.700 tỷ đồng