Ashui.com

Tuesday
Dec 03rd
Home Tương tác Điểm đến Khám phá Melaka (Malaysia)

Khám phá Melaka (Malaysia)

Viết email In

Con trai tôi gọi Melaka (Malaysia) là thành phố “mẹ la cà”. Một phần vì sự đồng điệu trong cách phát âm, nhưng lý do chính đáng hơn bởi ở đó chúng tôi đã không ngừng nghỉ lang thang từ bình minh đến tận khi tắt nắng. 

Từ sân bay LCCT (Kuala Lumpur), chúng tôi dễ dàng mua vé xe khách tới Melaka (còn gọi là Malacca). Con trai tôi vô cùng phấn khởi khi nhận ra người đàn ông ngồi cùng xe buýt về phố cổ nói tiếng Việt dù có rất nhiều người Việt Nam sang Malaysia sống và làm việc.

Sau khoảng hai giờ chạy xe là đến bến trung tâm. Từ đây, đón xe buýt số 17 là xe sẽ đi qua quảng trường đỏ Stadthuys, trái tim hồng của Melaka.  


Một góc phố xưa với bức tranh tường ấn tượng mang đầy hơi thở cuộc sống hiện đại
(Ảnh: Đức Hùng) 

Nằm hai bên bờ con sông cùng tên đổ ra eo biển Malacca, Melaka là thành phố cổ nhất của Malaysia. Lịch sử thăng trầm đã mang đến cho nơi đây một bức tranh văn hóa đa dạng và sắc màu, kết hợp tinh hoa của nhiều dân tộc. 

Trong quá khứ, Melaka từng là thuộc địa của Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh và từng là một hải cảng thương mại sầm uất trên con đường hương liệu trong thế kỷ 15 với sự góp mặt của các thương nhân đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và các quốc gia châu Âu khác. 

Ngày nay, dấu ấn của lịch sử vẫn hiển hiện rõ nét ở trung tâm phố cổ, nơi dòng Malacca - “Venice của châu Á” lững lờ chảy trôi ra biển với bờ tây - “bức họa đa sắc” và bờ đông - “dấu ấn châu Âu”. 

Bức họa đa sắc

Ở bên kia bờ tây sông Malacca khác hẳn với bờ đông của một châu Âu cổ kính là nơi cư ngụ của cộng đồng người Hoa tạo nên một bức họa đặc sắc với sự góp mặt hoàn hảo của văn hóa Hồi giáo, Ấn Độ giáo và Baba Nyonya. 

Thoạt nghe đã thấy phức tạp. Nhưng khi cất bước đi tìm hiểu, bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng. 

Jalan Hang Jebat (hay Jonker Street) là con phố nổi tiếng nhất trong rất nhiều con phố góp mặt vào bức họa bờ đông. Tất cả khách du lịch tới Melaka không ai không biết con phố này, đặc biệt vào những tối cuối tuần. 


Phố Hoa kiều ở Malacca
(Ảnh: Thủy Trần)


Một quán bar trên phố Jonker Street (Ảnh: Thủy Trần) 

Ban ngày trên phố là các cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh đồ cổ, hàng hóa xưa cũ được trang trí và tô điểm bằng những họa tiết Trung Hoa điển hình như linh vật, bùa chú, đèn lồng.

Lang thang trên phố vẫn cảm nhận một không khí trầm tĩnh, chậm rãi bao trùm lên các dãy nhà cổ cũ kỹ liền kề san sát, mặt tiền giáp với mặt đường.

Vào tối thứ sáu và thứ bảy hằng tuần, Jalan Hang Jebat biến thành một chợ đêm, nơi những người bán hàng rong tụ tập chật phố với trên trời dưới biển là hàng hóa, và một thiên đường ẩm thực mang đậm phong cách truyền thống, nhất là những món ăn độc đáo mang dấu ấn Baba Nyonya.

Đền Cheng Hong Teng là ngôi đền cổ nhất của người Hoa ở Malaysia và là công trình tiêu biểu cho kiến trúc đền đài phía nam Trung Quốc mang dấu ấn của các nghệ nhân và thợ thủ công bậc thầy đến từ Phúc Kiến và Quảng Đông.

Dạo chơi Cheng Hong Teng vào buổi sớm mai khi mới có ít người đến đây cầu an trong mùi hương trầm phảng phất là một trải nghiệm đáng giá.

Ngôi đền được trang hoàng cầu kỳ và bề thế là không gian linh thiêng để bao thế hệ người Hoa gửi gắm đức tin trong suốt chiều dài lịch sử thăng trầm 400 năm.


Đền Cheng Hong Teng (Ảnh: Đức Hùng) 

Điều thú vị là ngôi đền Phật giáo này nằm cùng trên phố Jalan Tukang Emas cùng với hai ngôi đền khác của đạo Hồi và đạo Hindu. Trong đó nhà thờ Hồi giáo Kampung Kling được xây dựng năm 1748 là ngôi đền Hồi giáo có tuổi đời lâu nhất ở Malaysia.

Nằm tại đoạn giao giữa phố Jalan Tukang và Jalan Lekiu với tháp đền cao vút màu trắng nổi bật, Kampung Kling là sự kết hợp của thiết kế đông tây với các loại vật liệu của cả châu Âu và châu Á, tạo ra một tổng thể thẩm mỹ phản ánh ảnh hưởng đa văn hóa trên đất Malacca.


Nhà thờ Hồi giáo Kampung Kling (Ảnh: Đức Hùng) 

Năm 1781 Ấn Độ giáo cũng đánh dấu sự có mặt của mình ở Malacca bằng một ngôi đền Hindu cổ nhất trong khu vực Đông Nam Á - đền Sri Poyyatha Moorthi.

Đền được xây bởi Thavinayagar, lãnh đạo của người Chitty, thờ thần voi với phong cách kiến trúc đơn giản hóa, khác hẳn với sự phức hợp của những ngôi đền Hindu khác, luôn có nhiều tầng mái tháp với họa tiết trang trí cầu kỳ và đa dạng.

Tôi nhận ra sự khác biệt của ngôi đền bằng mùi hương liệu tỏa lan trên phố. Người Chitty thân thiện, hiếu khách, họ sẵn sàng mời khách lạ vào đền tham dự lễ cầu nguyện và chia sẻ lễ vật.

Nếu Jonker Street làm nhiều du khách bối rối hay thậm chí mệt mỏi bởi sự ồn ào, đông đúc thì việc ghé thăm ngôi đền Hindu này sẽ mang lại một cảm giác yên tĩnh tuyệt vời.


Ngôi đền Sri Poyyatha Vinayagar Moorthi (Ảnh: Đức Hùng) 

Nằm ở phố Jalan Tun Tan Chen Lock với ba ngôi nhà liền kề có kiến trúc tương đồng cùng nhiều căn khác ở khu phố cổ Trung Hoa là Bảo tàng di sản Baba Nyonya.

Đây là cửa ngõ để khám phá các giá trị văn hóa và lối sống được kế thừa bởi cộng đồng và các gia đình người Baba Nyonya - hậu duệ của những người Trung Quốc đầu tiên di cư đến vùng đất quanh eo biển Malacca và kết hôn với người Malaysia bản xứ. 


Bảo tàng di sản Baba Nyonya (Ảnh: Thủy Trần) 

Dòng Malacca - Venice của châu Á

Trải dọc theo dòng sông chia thành phố làm hai bờ đông tây này là những quán cà phê trữ tình và lãng mạn.

Cũng giống như nhiều du khách khác, tôi đã dạo bước theo hai lối mòn bên sông mà không hề cảm thấy mệt mỏi, cho đến khi nhận ra mình đã đi quá xa điểm xuất phát, tôi qua cầu và tiếp tục rảo bộ theo hướng ngược lại.

Dọc sông có những bến tàu, và nhiều người lười biếng trễ nải chọn cho mình cách khám phá “Venice của châu Á” bằng cách mua vé tàu thủy cho hành trình ngược xuôi trên sóng nước.


Sông Malacca chia thành phố làm hai nửa đông - tây (Ảnh: Thủy Trần) 


“Venice của châu Á” (Ảnh: Thủy Trần) 

Khá nhàn nhã và thoải mái, con tàu chậm chạp đưa khách lướt qua những tòa nhà cũ, tham quan những bức tranh tường ấn tượng và quan sát cuộc sống của người bản địa. 

Tàu thủy chạy trên sông cả ban ngày và ban đêm, nhưng tốt hơn cả bạn hãy lựa chọn thời điểm mặt trời xuống để cảm nhận sự bình yên và thơ mộng của dòng sông. 

Thủy Trần 
(Tuổi Trẻ)  

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...