Ashui.com

Wednesday
Apr 24th
Home Tương tác Điểm đến Mỹ Sơn kỳ diệu

Mỹ Sơn kỳ diệu

Viết email In

Mỹ Sơn là “kho báu cổ hoành tráng” vô cùng hiếm còn sót lại trên đất nước ta. Theo một số tư liệu thì Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) đã đổ nát khá nhiều trước khi được phát hiện, sau đó một số phù điêu, tượng thần… tiếp tục bị đục gỡ trộm hoặc đổ nát thêm vì chiến tranh và sự hủy hoại của thời gian.

Vẻ đẹp hoang tàn

Du khách đến Mỹ Sơn có cảm giác chìm ngập trong bao la cây rừng phủ ngọn. Không khí thật trong lành. Không gian thật yên vắng. Bước từng bước, khi lên dốc, khi xuống dốc, trong thoáng chốc đã thấy bên trong con đường đất sỏi lổn nhổn một ngôi tháp cổ không toàn vẹn hiện ra trong rậm rịt cây xanh.


Thánh địa Mỹ Sơn cách thành phố Đà Nẵng khoảng 69km và cách thành cổ Trà Kiệu khoảng 20 km 

Vượt dốc, có khi trượt chân, nhưng sự háo hức khiến khách chẳng thèm lùi bước. Và rồi đứng lặng người trước cổ tháp hoang liêu trong ánh nắng ban mai cợt đùa cành lá. Vậy là háo hức tiến sâu hơn. Và, cả một khung cảnh “thần tiên” mở ra trước mắt, làm choáng ngợp thần hồn. Không thể nào kềm chế bước chân chạy nhanh trên lối mòn xanh tươi cỏ dại hoa rừng để tiến đến gần hơn. Rồi lịm đi trong mê đắm.

Quần thể đền tháp Mỹ Sơn nằm trong một thung lũng rộng, bao quanh là núi đồi xanh ngút ngàn. Xưa kia, Mỹ Sơn là nơi tập trung lăng mộ của các vị vua Chămpa và những người trong hoàng tộc nên thường được các vương triều Chămpa sau đó tổ chức hành lễ cầu cho các bậc tiên đế sau khi băng hà có thể tiếp cận với thần linh, hoặc cúng tế trong các dịp lễ trọng thể của vương quốc cổ đại này…

Người ta nói, Mỹ Sơn là một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á, là nơi có một không hai ở Việt Nam. Thật vậy, quan sát đền tháp Mỹ Sơn cùng những bức phù điêu, tượng đá sẽ thấy đậm đặc văn hóa tâm linh Ấn Độ. Các nhà khoa học cho biết, có một ngôi đền được cho rằng xây dựng trước tiên ở Mỹ Sơn, vào thế kỷ thứ IV. Nhưng, thật đáng tiếc, hai thế kỷ sau, ngôi đền này thành tro bụi sau trận hỏa hoạn lớn. Càng về sau, Mỹ Sơn càng được xây dựng thêm các đền tháp lớn nhỏ khác để trở thành một quần thể kiến trúc độc đáo của nhân loại.

  • Ảnh bên: Tháp cổ điêu tàn 

Điều đặc biệt là các đền tháp ở đây không giống nhau. Nó là một hội tụ kiểu dáng từ cổ đại hay kiểu Mỹ Sơn E1 (thế kỷ VIII), kiểu Hòa Lai (cuối thế kỷ VIII – đầu thế kỷ IX), kiểu Đông Dương (cuối thế kỷ IX – đầu thế kỷ X)… Thật là một tổng hợp kiểu dáng hết sức đồ sộ và bí ẩn, mỗi tháp đền một dáng vẻ uy nghiêm, bí ẩn.

Văn hóa tôn giáo Ấn Độ ngoài kiến trúc các đền tháp, còn thể hiện qua những di vật đầu tiên tìm thấy tại Mỹ Sơn được làm vào thời đại vua Bhadravarman I (trị vì từ năm 381 đến 413), người đã xây một thánh đường để thờ cúng Linga và thần Shiva – thần Hủy diệt và Tái tạo. Đến nay, nền văn hóa tâm linh này còn tồn tại trên những dòng bi ký bằng chữ Phạn cổ.

Đâu chỉ có vậy, trong các đền tháp còn dày đặc những phù điêu Linga, Yoni, voi thần Nadin, bò thần Nadin, vũ nữ Apsara với bộ ngực căng tròn gợi cảm qua nhiều động tác, các cảnh giao hợp giữa nam nữ… Thích thú với những phù điêu, tượng đá nằm lềnh khênh bên ngoài hoặc bên trong những đền tháp Mỹ Sơn bao nhiêu, khách càng lấy làm kỳ lạ bởi những viên gạch xây dựng đền tháp không biết được nung bằng cách nào, nhất là kỹ thuật xây dựng tháp của họ không dùng chất kết dính. Thật là kỳ diệu!

Dù được xây dựng như thế nào, tựu trung ở Mỹ Sơn, thường thấy mỗi cụm tháp gồm một tháp chính (kalan) cùng nhiều tháp phụ bao quanh, thường thờ Linga, Yoni hay tượng thần Shiva. Các nhà nghiên cứu cho biết mặt trước mỗi cụm tháp có một tháp cổng (gopura), kế đó là tiền đình (mandapa) là nơi sắp xếp lễ vật và múa hát nghi thức hành lễ.

  • Ảnh bên: Linga hình hoa sen

Cạnh tiền đình là một kiến trúc quay mặt về hướng bắc – hướng thần tài lộc Kuvera. Kiến trúc này gồm một hoặc hai phòng, gọi là Kolsa Grha, là nơi chứa đồ tế nhuyễn cùng cỗ bàn để cúng thần linh. Cổng chính các tháp đều quay về hướng đông để tiếp nhận trọn vẹn ánh sáng mặt trời ban mai. Tháp nào cũng đều có hình chóp. Đây là biểu tượng của đỉnh Meru thần thánh, là nơi cư ngụ của các vị thần Ấn Độ giáo. Dù vậy, khách vẫn thấy một số dấu ấn Phật giáo tại lãnh địa Ấn Độ giáo này. Đó là vào thế kỷ thứ X, khi Phật giáo đại thừa trở thành tín ngưỡng chính của người Chăm.

Sống động nghệ thuật Chămpa

Vả mồ hôi khi đi thăm hết các đền tháp Mỹ Sơn, trở ra, khách sẽ được thưởng ngoạn một chương trình văn nghệ đặc sắc tại nhà biểu diễn văn nghệ dân gian Chămpa.

Đầu tiên là hoạt cảnh múa Doa pu (đội nước) với bốn cô gái Chăm trong bộ y phục cổ truyền: áo dài trắng, quần trắng (tà áo và gấu quần viền hoa văn màu); đội khăn trắng; vắt chiếc khăn màu đỏ nhạt qua vai; tay ôm bình nước như những nàng trinh nữ đoan trang. Và trong tiếng trống Paranưng, tiếng kèn Saranai và một số nhạc cụ cổ truyền khác, các thiếu nữ uốn thân mình với những bước chân nhẹ như mây.

Rất tiếc là bây giờ du khách đến Mỹ Sơn không còn được thưởng thức tài nghệ của cố nghệ nhân Trượng Tốn với tiết mục độc tấu kèn Saranai của ông. Chúng tôi may mắn đã được một lần nghe ông biểu diễn cách đây hơn một năm, hết sức ấn tượng. Khi các nhạc công quấn khăn sếu ngang đầu, vận aochăm (áo) và khănbek (váy) giục trống Ghinăng, trống Paranưng, trống Hagărsit, gõ Tămkhet (mõ), chiêng núm và dạo đàn Pani… thì tiếng kèn Saranai trên môi nghệ nhân Trượng Tốn hòa thanh một cách hài hòa.

  • Ảnh bên: Vũ điệu Apsara

Và khi điệu Chàvà đưa tiết mục độc tấu kèn Saranai đến cao trào thì lão nghệ nhân lần lượt tháo rời phần loa, rồi thân, đến khi chỉ còn mỗi cái chuôi kèn, vậy mà mạch âm thanh vẫn ngọt ngào, bay bổng như suối reo thác chảy. Dù đã cao niên nhưng càng thổi ông như càng bị điệu kèn hút hồn, bắt phải trút hết thần lực cho đến khi chấm dứt bài độc tấu.

Cũng trong âm vang điệu nhạc Chămpa, sân khấu khiến khách lạc vào một cảnh non bồng trong vũ điệu Apsara. Ba thiếu nữ đội mũ đỏ, trùm kín người trong chiếc khăn choàng màu vàng đất xuất hiện. Sau nhiều động tác múa ngoạn mục, bất ngờ các cô vứt nhanh chiếc khăn choàng, để lộ tấm thân trần trắng muốt quấn vải che ngang ngực và mảnh quần đỏ nhỏ ôm gọn bụng dưới, tay và chân quấn vòng vải đỏ. Cả ba uốn lượn những động tác mềm mại, diệu kỳ.

Sự chuyển động nhịp nhàng, khéo léo của ba vũ nữ trong tiếng nhạc đã tạo nên cảm xúc thẩm mỹ cao độ. Ba cô gái thể hiện ngôn ngữ vũ điệu rất ấn tượng về thị giác và đầy xúc cảm tinh thần, cuốn hút khách thưởng ngoạn vào niềm nhã hứng từ cái đẹp hoàn hảo. Giai điệu nhạc chậm dần và ba cô gái chuyển động nhịp múa chậm theo, rồi hết sức bất ngờ, ba chiếc khăn choàng màu vàng đất bao quấn nhanh gọn tấm thân ngà ngọc của ba nàng tiên, chấm dứt giấc mộng bồng lai trong lòng khán giả.

Phù Sa Lộc  - Ảnh: Phương Kiều

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo