Ashui.com

Thursday
Apr 25th
Home Tương tác Điểm đến Sắc vàng That Luang

Sắc vàng That Luang

Viết email In

Đã đến Vientiane viếng chùa thì không thể không đến That Luang, bởi ngôi chùa tháp này mang đậm phong cách kiến trúc cùng bản sắc Lào và đã trở thành biểu tượng, được in trên tiền giấy và quốc huy của đất nước triệu voi.



Chúng tôi đến That Luang vào một trưa nắng vàng rực rỡ. Từ xa đã nhìn thấy ngọn tháp vàng rực chói. Rồi khi chiếc tuk tuk thả chúng tôi xuống khu vườn xanh mát cây lá ở phía sau That Luang, ngước mắt nhìn lên ngọn tháp vàng óng ánh trong nắng, bất giác ai cũng lấy tay che mắt. Chàng lái xe tuk tuk bảo rằng: “That Luang được dát vàng đấy”. Chẳng biết có đúng hay không, nhưng màu vàng của That Luang chói sáng như vàng thật, làm lấp lánh cả mọi thứ xung quanh.

Truyền thuyết của người Lào kể rằng, vào năm 236 Phật lịch (thế kỷ thứ III trước công nguyên), có 5 nhà sư Lào sau khi học xong ở Ấn Độ trở về quê hương, đem theo chiếc xương đầu gối của Đức Phật. Họ tới mường Vientiane và thuyết phục Châu mường dựng ngôi tháp Đại Phật Tích (That Luang) để cất giữ xá lỵ Phật. Sau khi dời đô từ Luang Prabang về Vientiane - năm 1566 - Vua Setthathilat cho dựng That Luang trên đất một ngôi chùa cũ, cách Vientiane chừng 2km.



That Luang – tiếng Lào là tháp lớn - là ngôi chùa đẹp nhất tại Lào. Tháp có bệ hình vuông, mỗi chiều rộng 90m, xung quanh trang trí hơn 330 lá bồ đề cách điệu. Tháp chính cao 45m, vươn lên trời cao đầy uy nghi, trang nhã. Ngoài ra còn có 30 tháp nhỏ biểu tượng cho 30 năm tu hành gian khổ của Đức Phật Thích ca. Trên các tháp nhỏ này có đắp những hàng chữ Bali nổi ghi các lời răn của Đức Phật.

Chạy ào qua khoảng sân rộng chan hòa nắng, chúng tôi hòa vào dòng người đông đúc đang tíu tít mua hoa dâng lễ ngay trước cửa tháp chính. Ai cũng cầm trên tay những cành nhỏ xâu những bông hoa màu cam rực rỡ và vài nén nhang thơm, thành kính dâng lên ngôi tháp nhỏ nép bên chân tháp lớn. Rồi họ đi vòng quanh ngôi tháp chính. Chúng tôi cũng theo dòng người đi vòng quanh tháp chính. Ánh nắng nhảy nhót lấp lánh trên những đài sen mềm mại tỏa ra bốn phía dưới chân tháp. Những bụi hoa đỏ như nhuốm chút sắc vàng, bãi cỏ xanh ươm vàng cùng màu nắng, lớp rêu phong cổ kính trên mái ngói che dãy hành lang chạy vòng quanh tháp cũng ánh vàng. Chúng tôi cùng đoàn người đi lễ như những cái bóng bé xíu dưới chân tháp cũng được nhuộm trong sắc vàng óng ánh của That Luang.



Dạo một vòng quanh tháp chính, mỏi chân, chúng tôi ghé vào một ngôi tháp nhỏ với ba tầng mái viền vàng có những đầu đao hình rồng cong vút. Trong mùi hoa thơm dìu dịu và mùi nhang trầm ấm, chúng tôi nheo mắt ngắm nhìn màu vàng rực rỡ của ngọn tháp chính và bảo nhau rằng, chắc trời trưa nắng chói chang nên sắc vàng mới lấp lánh thế. Hai cô gái trẻ ngồi bên cười khúc khích, rồi một cô nói rành rọt bằng tiếng Việt: Không phải thế đâu. Ngày mây âm u thì That Luang vẫn lấp lánh. Thấy chúng tôi hào hứng bắt chuyện, cô gái kể thêm: That Luang đẹp nhất khi có lễ hội, kéo dài một tuần, kết thúc vào đúng ngày rằm tháng 12 Phật lịch. Suốt một tuần trăng tròn, That Luang được thắp thêm đèn, kết thêm hoa trên đài tháp. Các ngả đường vào That Luang cũng lung linh ánh trăng, ánh nến, ánh đèn. Có lễ rước Phạ Sạt Phơng (rước tháp) từ chùa Mẹ Si Muong tới That Luang và lễ “Tắc bạt”, hàng nghìn nhà sư khắp cả nước về đây để phật tử thập phương dâng lễ gồm tiền, bánh kẹo, xôi... Phần hội có các trò vui, triển lãm, mua bán hàng hoá, biểu diễn lăm (múa) truyền thống của Lào vui lắm. Rồi còn có trò diễn tị khi (hockey) với phe áo đỏ là quan chức và phe áo trắng hay cởi trần là nông dân.

Theo tín ngưỡng dân gian, nếu năm nào phe quan chức thắng thì đất nước sẽ khó yên, người dân làm ăn thất bát, vì thế mà năm nào phe nông dân cũng thắng. Đêm cuối của lễ hội là lễ rước nến. Dưới ánh trăng rằm vằng vặc, hàng nghìn phật tử đi vòng quanh tháp chính với hàng nghìn ngọn nến cháy sáng trên tay, vẽ nên cảnh tượng đẹp lung linh, huyền ảo cho That Luang.



Ngân Hà - ảnh: sưu tầm internet

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo