Ashui.com

Wednesday
Dec 11th
Home Tương tác Điểm đến Chùa Hang và những nghệ nhân nơi cửa thiền

Chùa Hang và những nghệ nhân nơi cửa thiền

Viết email In

Ở chùa Hang (thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, Trà Vinh), những phần gỗ bỏ đi gồm các gốc cây, thân lá cây đều được “thổi hồn” và trở thành những tác phẩm nghệ thuật sống động. Và đặc biệt hơn, góp phần tạo nên những tác phẩm độc đáo ấy có bàn tay của những nghệ nhân ở nơi cửa thiền.

Chùa Hang có tên khác là Kom pông Chrây, dịch theo tiếng Khmer còn có nghĩa là “Bến cây Đa”, cũng đã có thời còn được gọi là chùa Dơi, vì đàn dơi khắp nơi kéo về trú ngụ.


Lối vào chùa Hang
 

Năm 1968, ngôi chùa này bị hư hỏng nặng do bom đạn chiến tranh tàn phá. Cũng từ đó, đàn dơi không còn nơi cư trú an toàn nên bay đi tìm chỗ khác. Chiến tranh đi qua, rừng cây quanh ngôi chùa Hang được các sư chăm sóc nên ngày càng xanh tốt.

Đất lành chim đậu, hàng ngàn chim, cò kéo về làm tổ trên các cây cổ thụ vào những tháng mùa mưa, cứ mỗi buổi chiều các loài chim này lại tụ về vang rộn cả không gian quanh ngôi chùa.

Một chiều lặng gió trên đất miền Tây Nam Bộ, chúng tôi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của chùa Hang, cùng với nghệ thuật trang trí kiến trúc chùa với các hoa văn họa tiết rất công phu, những hàng cột tròn to lớn gắn tượng chim thần Kâyno nâng mái chính điện, ngói lợp mái chùa cũng vẽ hoa văn nhiều màu sắc, các góc đỉnh mái có đuôi rồng uốn ngược lên.

Cả ngôi chính điện được trang trí theo mô típ kiến trúc cổ ảnh hưởng nền văn hóa Ấn Độ, nổi bật giữa rừng cây cổ thụ với không gian thoáng mát.

Hòa thượng Thạch Xuồng, sư cả đời trụ trì thứ 23 chùa Kom pông Chrây, cho biết: “Sau chuyến đi thăm chùa Cầu Kè, thấy có nhiều tác phẩm điêu khắc bằng gốc rễ cây, hỏi Đại đức Lâm Pu thì mới biết tác giả là một nghệ nhân Khmer quê ở Bình Minh (Vĩnh Long). Để tận dụng các gốc rễ cây cổ thụ của chùa, các sư đã đào lên chất đống trong khuôn viên để làm chất liệu, mời nghệ nhân Thạch Buôl đến hướng dẫn các nhà sư trẻ bắt đầu công việc điêu khắc. Thế là những tác phẩm nghe thuật điêu khắc gỗ đầu tiên của nhà chùa ra đời”.

Chính những tác phẩm từ gỗ đã tạo nên một không gian mới, đầy sống động trong tổng thể kiến trúc ngôi chùa nổi tiếng này.

Thời gian đầu học việc nên các nghệ nhân ở đây chỉ có thể tạo được những con vật có hình dáng và đường rét chạm trổ đơn giản, càng về sau các tác phẩm càng được nghệ nhân chạm khắc chi tiết tinh xảo hơn.

Cuối cùng, những tác phẩm điêu khắc về hình tượng 12 con giáp, bộ tứ linh, những con chim bồ câu, các loài chim thú khác và Phật Di Lặc... đã lần lượt được đôi tay của lớp lớp nghệ nhân tạo lên một cách sáng tạo, chi tiết và sắc sảo sống động.

Khi bước chân vào bên trong chùa, có cả một khu dành riêng làm nên những tác phẩm nghệ thuật từ gốc cây, nhưng hình tượng được tạo từ những gốc cây vô cùng đặc sắc.

Tiếng lành đồn xa, khách trong và ngoài nước đã tìm đến chùa Hang thưởng ngoạn.

  • Ảnh bên: Sư Thiêng với tác phẩm của mình

Gần mười năm qua, bằng những công cụ thủ công như cưa, đục đẽo, chạm, các nghệ nhân trong chùa đã làm ra khoảng hơn 400 tác phẩm điêu khắc lớn nhỏ, nhiều sản phẩm đã được các cơ quan ban ngành trong tỉnh đặt hàng làm quà tặng cho các đơn vị bạn, du khách cũng mua về làm quà kỷ niệm...

Từ năm 2002 đến nay, các nhà sư chùa Kom pông Chrây ngoài Phật sự và hành đạo, đã bắt đầu học và làm nghề điêu khắc trên rễ cây cổ thụ. Giữa sự tĩnh lặng của ngôi chùa, đời sống của các loài chim muông, dã thú, đã được các nhà sư thể hiện sống động trên những rễ cây cổ thụ vô tri.

Tính đến nay, chùa đã đào tạo trên 25 học viên trở thành những nghệ nhân điêu khắc, trong số đó có những người đã thành thạo, tự chế tác và chứng tỏ có nhiều năng khiếu như anh Sơn Sóc, anh Thạch Khia, sư Thiêng, sư Thanh Tùng...

Sáu giờ sáng, sau buổi niệm kinh trên chánh điện vừa dứt cũng là lúc những tiếng đục, đẽo, gọt... của những vị sư và người thợ đang điêu khắc rộn ràng, khuấy động không gian tĩnh lặng. Âm thanh ấy cứ liên tục từ sáng đến chiều, ngày này qua tháng nọ.

Sư Lý Thảo, một nghệ nhân trẻ tuổi với 6 năm theo học nghề, cho biết: “Nghề chạm khắc gỗ ở đây đặc biệt khai thác những gốc sao lâu năm và nét đẹp đặc trưng của bộ rễ mà không phải qua giai đoạn chế biến, ngâm hóa chất hoặc luộc chín như các loại gỗ khác. Người sáng tạo chỉ dựa theo hình dạng của hiện vật và nương theo những nét độc đáo của bộ rễ như màu sắc, khối u, lỗ thủng kỳ thú vừa trừu tượng biến hóa, vừa cụ thể để chế tác, nhưng không lạm dụng những kỹ xảo để làm biến dạng các nét hoang sơ đầy ấn tượng trong thiên nhiên mà tạo nên những tác phẩm sống động như thật”.

Quả thật, có đến đây tận mắt chiêm ngưỡng sự kỳ công của các công đoạn chế tác, mới thấy được muốn có một tác phẩm hay trước hết người làm ra nó phải có lòng say mê, đặc biệt là phải có những giây phút ngẫu hứng xuất thần trong quá trình thao tác.

Sư Thiêng nói thêm: “Nghề chạm khắc gỗ xưa nay chỉ do cha truyền con nối, ít ai được học tập và nghiên cứu tường tận bằng sách vở, nên nó đòi hỏi người chơi phải có một quá trình lao động nghiêm túc, công phu, tỉ mỉ và dày công khổ luyện. Bất cứ một nghệ nhân nào dù tài giỏi đến đâu cũng phải có óc tưởng tượng, có tư duy nghệ thuật trước khi phác thảo và chế tác.”

Sư cả Thạch Xuồng cho biết: “Ngoài các sư thầy trong chùa, chúng tôi còn nhận cả những người bên ngoài vào học nghề miễn phí. Họ phụ làm với những người học trước, người này chỉ cho người kia. Họ cố gắng có cái nghề để nuôi sống bản thân và gia đình. Mỗi người từ khi học nghề cho đến khi thạo việc khoảng hai năm, có người từ Sóc Trăng, Vĩnh Long, Cà Mau... cũng đến học nghề này!”.

  • Ảnh bên: Những tác phẩm điêu khắc sắc sảo

Sau khi đã thành thạo với các công cụ chế tác, tùy theo mỗi sản phẩm nhỏ hay lớn thì thời gian chế tác khác nhau, ít thì vài tuần, có khi vài tháng đến một năm, thậm chí có những tác phẩm phải làm trong hai năm miệt mài mới tạm xong.

Muốn nắm được những kỹ thuật lành nghề, học viên phải học trên một năm mới có thể tự mình cân chỉnh được tác phẩm. Nhưng để khắc được những tác phẩm đòi hỏi mức độ tinh xảo, tính thẩm mỹ cao, đòi hỏi đến các công đoạn phức tạp thì phải học suốt ba năm.

Sư cả Thạch Xuồng cho biết, hiện nay mục đích chính của chùa là bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống dân gian, tạo ra những sản phẩm tinh thần để phục vụ đời sống văn hóa.

Tiền thu được từ các tác phẩm, một phần góp vào quỹ xây dựng chùa, một phần trả công cho các nghệ nhân, một phần để trang trải cho chi phí sưu tầm những gốc cây.

Nhưng trên hết là tạo ra những sản phẩm tinh thần để phục vụ đời sống văn hóa của đồng bào mình chính là mục đích chính cho quá trình phục hưng lại nghề điêu khắc truyền thống vốn đã phai tàn tại Trà Vinh từ nhiều năm qua.

Bùi Hữu Cường

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo