Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tương tác Điểm đến Lặng lẽ Thạch Khuyên

Lặng lẽ Thạch Khuyên

Viết email In

Mới chỉ cách đây một năm, con đường từ thủ phủ Lạng Sơn lên xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc còn trần ai lắm. Đường tới cửa khẩu Co Sâu thì còn khá, chứ tách nhánh để vào Xuất Lễ, từ đó tới Ba Sơn thì chỉ 30km mà lái xe phải đánh vật vài tiếng đồng hồ trên những chiếc xe gầm cao.  


Nhà có sân trong vừa có công năng ăn ở vừa có sự ấm cúng thân thuộc. 

Cụm làng cổ đẹp ở biên giới 

Có lẽ chính từ vị trí đường cụt, không liên thông, mà cho tới nay, Ba Sơn vẫn được biết tới như một khu bảo tồn nhà trình tường độc đáo của cộng đồng dân tộc Nùng Phàn Sình. Khuất nẻo sau những dãy núi điệp trùng, tách biệt vài chục cây số với thủ phủ mà xa xôi diệu vợi, những bản làng vùng cao ở đây đẹp mơ màng trong nắng biên ải với mái ngói đen, tường đất vàng, người lạ chẳng mấy khi lai vãng nên hầu như ai cũng biết ai. Nhưng đó là năm ngoái, năm kia, còn trong năm 2012, khi con đường nhựa đã chạy tới tận thôn thì đã thấy từng đàn học sinh cấp 2, cấp 3 đi xe đạp tới trường mà đầu tóc nhuộm tứ tung. Cuộc sống vùng biên giới đổi thay nhanh như gió, đám thanh niên bản ngày nào chỉ cần mẫn với đàn trâu, đàn bò, đi nương trồng thảo quả và thu hái hoa hồi thì giờ đây mắt trước mắt sau tót lên cửa khẩu kiếm tiền. 

Người lớn ở vùng Xuất Lễ dường như tách biệt khỏi vòng quay của đồng tiền, đó là cảm nhận chung của những ai ghé qua khu bảo tồn nhà cổ độc đáo ở đây. Có hai thôn kề nhau, Ba Sơn và Thạch Khuyên, hoặc có thể nói là một cụm làng cổ cũng được, san sát hàng chục nếp nhà xưa. Kỹ thuật trình tường của người Nùng giỏi chỉ dùng đất đồi, đất núi mà tạo thành những bức tường đất bền vững cả thế kỷ, càng theo thời gian càng cứng như bêtông. Không được bề thế và sang trọng như dinh thự của tổng đốc Vi Văn Định dưới Bản Chu ở Lạng Sơn, nhà vùng này đa phần một tầng, cá biệt có những căn được dựng một tầng rưỡi, tuyệt đẹp trong mắt giới nhiếp ảnh. Sử dụng kỹ thuật khuôn gỗ, người Nùng cũng như người Hà Nhì có thể dựng nhà cực nhanh, độ bền cao mà rất thích hợp cho những vùng khí hậu khắc nghiệt. Khuôn cửa nhỏ ốp gỗ, cột gỗ, có sân ở giữa và gian phụ hai bên, kết cấu của mỗi ngôi nhà đất ở đây gợi nên hình ảnh các tứ hợp viện bên Trung Quốc thời xưa, vừa có công năng ăn ở, vừa mang tính phòng thủ trong thời loạn lạc. Tất nhiên, nhà đất vùng này không có tường bao kín, như vậy cảm giác thân thuộc xóm giềng vẫn được mặn nồng. 


Hàng rào đá chỉ mang tính ước lệ, làm nên nét duyên cho những con đường làng. 

Nhấp rượu, nhấm đặc sản vùng biên 

Dạo bước sang Thạch Khuyên, ấn tượng về công sức của người xưa càng mãnh liệt với những ngôi nhà xếp đá bọc xung quanh. Bản thân tên làng đã là sự miêu tả chính xác về không gian sống của làng. Tường đá rất thấp, chỉ mang tính ước lệ chứ hoàn toàn không đảm bảo an ninh, nhưng rất đẹp với nhiều lớp đá, viên nào cũng to, nặng. Chỉ tính tới công nhặt đá từ dòng suối cách làng một quãng xa, ngày này qua ngày nọ, cần mẫn mang về rồi xếp thành tường rào, mới thấy sức làm việc của người vùng núi ra sao. Nhưng cũng có một thực tế là khi không có việc gì, cánh đàn ông vùng này chỉ ngồi uống rượu. Rượu nấu thủ công trong làng khá nhẹ và có mùi vị không khác gì rượu Mẫu Sơn, nhưng uống cái kiểu từ sáng tới chiều, uống từ nhà nọ sang nhà kia thì khách phương xa đến ai cũng phải nhận thua. Trên bàn hoặc trên kệ tủ nhà nào cũng để sẵn chai rượu, có khi còn không thèm nút vì có nút thì đằng nào rồi cũng phải tháo ra. Trà không có, mà có thì cũng phải đợi đun nước nóng, chỉ có rượu suông đãi khách. Bù lại, nếu được báo trước, cánh đàn ông trong làng có thể chế biến món ăn cực ngon, không thua kém gì mấy tiệm ăn dưới phố. Tất nhiên muốn ăn khâu nhục hay lợn quay nhồi mắc mật thì phải đợi đến tết, ngày thường chỉ phổ biến món thịt khô xào, rau cải xào hoặc gà nấu măng.

Cuộc sống trên vùng núi luôn gắn với chu kỳ mùa vụ, nhưng ở đây lúa chỉ là thứ yếu, sản vật quan trọng hơn là những cánh hoa hồi. Năm được mùa, năm mất giá, nhưng nói chung nhịp điệu lo toan lúc nào cũng hướng tới hoa hồi. Lác đác gần đây nảy sinh ra tình trạng thanh niên vào rừng lấy trộm hồi của nhà khác mang ra biên giới bán, điều này là hiệu ứng tất yếu của quá trình thông thương, mở đường vào đầu năm 2012. Song dù sao đi nữa, hình ảnh chung của vùng núi cao này vẫn khá êm đềm. Con đường nhỏ chạy xuyên giữa làng, hai bên là những bờ tường xếp đá, trên mái nhà giàn bầu hồ lô trĩu quả, mùi hồi pha trộn cùng mùi rượu cất thoang thoảng trong không gian.

Những buổi chiều muộn, được ngồi trong căn nhà mát, ngắm nhìn ánh lửa bập bùng dưới bếp, thấy cuộc sống ở đây vẫn còn nhiều nét thi vị mà chốn phố phường chẳng thể nào có được, dù biết làn sóng khốc liệt của nhịp sống bán mua vùng biên giới rồi sẽ nhanh chóng tràn qua ngôi làng cổ này vào thời gian tới. Ước gì... 

Thái A 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo