Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Điểm đến Bagan đất Phật

Bagan đất Phật

Viết email In

Có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ quên được cái cảm giác thật đặc biệt khi ngồi trên chiếc xe thổ mộ cọc cạch đi giữa những đền tháp hoang tàn trong một buổi sáng tinh mơ, mặt trời chưa thức giấc, cả vũ trụ dường như chỉ có tôi, con ngựa già và những đền đài trầm mặc. Không đèn đóm, không bóng người, không tiếng máy xe, chỉ tiếng vó ngựa lách cách trên con đường ướt đẫm sương mai và tiếng quàng quạc của bầy quạ ăn đêm đâu đó đang gọi nhau về tổ. Trong thoáng chốc, tôi có cảm tưởng như thời gian đã quay ngược lại hàng trăm năm, hay là tôi đã bị lạc vào quá khứ một vùng đất từng rất huy hoàng nhưng nay chỉ còn là phế tích: Bagan (Pagan).  


Ngôi đền Ananda. 

Tôi chỉ mới vừa đến Bagan trên chuyến xe tốc hành xuyên đêm từ thành phố Yangon, cách 700 km về phía nam. Cũng như mọi du khách đến Myanmar khi đất nước này bắt đầu mở cửa, tôi háo hức đến Bagan, nơi mật độ di tích lịch sử thuộc loại cao nhất thế giới, và thường được ví với thánh địa Angkor của Campuchia. Xe rời Yangon lúc 6 giờ chiều hôm trước và rạng sáng hôm sau, lúc 4 giờ, tôi đã có mặt ở bến xe thị trấn Nyang-U gần kề khu di tích Bagan. 

Theo tài liệu lịch sử, từ thế kỷ thứ IX đến thế kỷ XIII, Bagan là thủ đô của Vương quốc Pagan, vương quốc đầu tiên thống nhất được các lãnh chúa, hợp thành quốc gia Myanmar hiện đại. Trong thời hoàng kim của vương quốc, từ thế kỷ thứ XI đến thế kỷ XIII, đã có hơn 10.000 ngôi chùa, đền miếu và tu viện Phật giáo được xây dựng trên đồng bằng Bagan rộng 104 km2, bên dòng sông Irrawaddy. 

Những chùa chiền và tu viện này đã đào tạo hàng nghìn tăng sĩ về Phật pháp, kiến trúc, thiên văn học, ngôn ngữ học…, đặt nền tảng cho nền văn minh sông Irrawaddy, cội nguồn của văn hóa Myanmar hiện đại. Thời thịnh trị có cả những đoàn tăng sĩ từ Ấn Độ, Tây Tạng, Khmer đến Bagan tu học. Sự phát triển phồn thịnh suốt 250 năm của kinh đô Bagan chỉ chấm dứt khi vó ngựa của đoàn quân viễn chinh Mông Cổ tràn qua đồng bằng này năm 1287.

Đến nay sau gần ngàn năm bị tàn phá bởi thời gian và binh lửa, Bagan vẫn còn hơn 2.200 chùa chiền đền tháp tương đối nguyên vẹn, được bảo tồn trong một cánh đồng diện tích khoảng 25 km2, không có dân cư sinh sống, gọi là Khu khảo cổ học Bagan hay đơn giản là Old Bagan (Bagan Cổ). Ở hai đầu nam bắc của khu bảo tồn có hai thị trấn nhỏ, Nyang-U và New Bagan, nơi dừng chân của du khách bốn phương, có sân bay, bến xe, nhiều khách sạn, nhà hàng, thậm chí có cả một sân golf. 


Bình minh trên đền tháp Bagan. 

Không để lỡ dịp ngắm bình minh trên đồng bằng Bagan, và còn quá sớm để nhận phòng khách sạn, tôi uống vội ly cà phê trong quán cóc bến xe rồi thuê xe thổ mộ đi đến nơi mà du khách vẫn thường tụ tập chụp ảnh mặt trời mọc trên các đền tháp cổ. Người đánh xe gầy gò, mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, cùng con ngựa già lọc cọc đưa tôi đi vào khu di tích khi đất trời còn tối mịt.

Đền Shweleiktoo nằm giữa con đường xuyên qua Old Bagan nối Nyang-U với New Bagan, tuy không phải là ngôi đền to lớn nhất hay đẹp nhất, nhưng trong đền có một cầu thang hẹp, chỉ vừa cho một người nhỏ con, tối đen, dẫn lên một ban công rộng hướng về phía mặt trời. Lúc tôi lên đến nơi trời hãy còn tối nhưng đã có vài du khách Nhật Bản và Thụy Sĩ ngồi chờ với máy ảnh lăm lăm trong tay. Từ ban công này nhìn ra, cánh đồng Bagan trải rộng tới chân trời, có rất nhiều đền, tháp lẩn khuất dưới các tàn cây.

Khi mặt trời mọc dần lên, nền trời ửng lên màu hổ phách rất đẹp, rọi một thứ ánh sáng huyền bí xuống các ngôi đền gạch làm chúng đỏ hồng lên trong ánh bình minh. Lúc ấy tôi tiếc đã không mang theo cái máy ảnh compact có chức năng chụp ảnh toàn cảnh (panorama), chiếc Canon EOS của tôi dù đã mở ống kính hết cỡ cũng chỉ bao quát được một góc nhỏ của cảnh quan hùng vĩ. Chung quanh đền Shweleiktoo, phía nào cũng điệp trùng đền tháp, có tháp vươn cao trên nền trời, có tháp ẩn dưới tán lá, lại có những đỉnh tháp dát vàng rực rỡ phản chiếu ánh nắng.

Tôi dành trọn buổi sáng để theo người xà ích, kiêm hướng dẫn viên nghiệp dư, đi tham quan những ngôi đền chính của Bagan. Rất nhiều ngôi đền, vẻ ngoài còn nguyên vẹn nhưng đã hoàn toàn hoang phế nằm lặng im bên những con đường lầm cát, nhưng cũng có những ngôi đền vẫn còn thực hiện chức năng tôn giáo, nơi người dân đến cúng viếng và cầu phước. Mỗi ngôi đền có một vẻ riêng, không giống nhau. Do thời gian có hạn, tôi chỉ chọn một số ngôi đền chính, còn nguyên vẹn và tiêu biểu nhất.

Đền Ananda, đúng hơn là chùa Ananada (Ananda Pahto) nằm cuối con đường dẫn vào kinh thành cổ Bagan – nơi có cung điện của các vị vua. Đền được xây dựng bởi vua Kyansittha vào năm 1105, bị động đất phá hủy một phần vào tháng 7 năm 1975, sau đó được Phật tử đóng góp trùng tu lại, trở thành một trong những ngôi đền còn nguyên vẹn nhất, và cũng được tôn kính nhất Bagan. Sách hướng dẫn du lịch nước ngoài liệt đền Ananda là di tích số 1 mà du khách phải thăm khi đến Bagan. 

  • Ảnh bên: Điện thờ và tượng Phật Gautama dát vàng cao gần 10 mét trong đền Ananda. 

Tháp chính của đền Ananda cao 54 mét, đỉnh tháp dát vàng; tháp có 4 mặt nhìn ra bốn hướng, mỗi mặt có một gian thờ, bài trí một tượng Phật khổng lồ cao gần 10 mét, dát vàng lấp lánh. Tượng hướng về phía Đông là Phật Konagamana (Câu Na Hàm Ma Ni), hướng về Tây là Phật Gautama (Cồ Đàm), hướng Nam là Phật Kassapa (Ca Diếp) và hướng Bắc là Phật Kakusanda (Câu Lưu Tôn). Đây là các vị Phật của thời hiện kiếp, quán cả bốn cõi, xuất hiện trên trần thế để cứu rỗi chúng sinh bằng năng lực trí tuệ vô biên. Nhiều tài liệu nghiên cứu cho rằng, đền Ananda được xây dựng bởi các kiến trúc sư và thợ thủ công Ấn Độ, có rất nhiều nét tương đồng về kiến trúc với các đền tháp ở quê hương đức Phật. Ngoài các tượng Phật khổng lồ, dọc các hành lang rộng trong đền có rất nhiều tượng nhỏ và nhiều tranh tường (bích họa) kể lại cuộc đời của Phật Thích ca, từ lúc ngài đản sinh, chứng quả cho đến lúc nhập diệt.

Khi tôi đến, có vài chiếc xe khách nhỏ chở Phật tử đến cúng buổi sáng. Trong đền, có người bán hoa và những mảnh vàng cán mỏng, tiếng địa phương gọi là lam, để người hành hương cúng dường đức Phật và sau khi cầu nguyện họ dán các mảnh vàng đó lên thân tượng. Do phong tục này mà một số bức tượng nhỏ, hình như là tượng La-hầu-la, dưới chân tượng Phật Gautama có “da dẻ sần sùi” trông rất lạ.

Đền Ananda là một trong hai ngôi đền có một quầy sách nhỏ, bày bán các loại kinh sách phục vụ Phật tử, lẫn các sách nghiên cứu về di tích đền tháp ở Bagan và Myanmar nói chung; những người có ý hướng nghiên cứu thì không nên bỏ qua quầy sách này. 
 

Muôn vẻ đền đài 

Đền Thatbyinnyu nằm trên một ngọn đồi nhỏ gần đền Ananda và là ngôi đền cao nhất Bagan (61 mét), được xây dựng dưới triều vua Alaungsithu, khoảng giữa thế kỷ XII. Nhìn bề ngoài, đền Thatbyinnyu đồ sộ, quét vôi trắng, trông giống như một tu viện Thiên chúa giáo thời Phục Hưng ở châu Âu. 

Bên trong đền Thatbyinnyu có các dãy hành lang dài, bố trí các bàn thờ với tượng Phật nhiều tư thế và hình dáng khác nhau, nhưng tất cả đều được dát vàng lấp lánh. Phần lớn Phật tử tôi gặp đến cúng viếng ở đền này buổi sáng hôm ấy là phụ nữ. 


Đền Thatbyinnyu trên đồi, thoạt nhìn giống như một tu viện Thiên chúa giáo ở châu Âu. 

Nghe nói thời xưa, đền Thatbyinnyu là kho tàng bích họa của nghệ thuật Phật giáo Myanmar, nhưng trong những đợt trùng tu người ta đã quét vôi trắng lên tường, làm mất hết các bức họa quý giá. Đi chân trần trên những lớp đá xanh mát lạnh và mòn vẹt dưới hàng triệu bước chân của khách thập phương, giữa các hành lang vắng lặng và hun hút gió, hai bên là những bức tượng Phật lấp lánh ánh vàng của đền Thatbyinnyu, tôi có cảm giác thật yên bình và thanh thản, dường như cuộc sống tất bật nơi phố thị đã rời xa, rất xa.

Đền Shwesandaw trông xa giống như một kim tự tháp Ai Cập, có 4 mặt, 5 tầng và một stupa (tháp hình quả chuông úp) trên đỉnh. Tương truyền, ngôi đền này được xây dựng bởi vua Anawrahta năm 1057 để lưu giữ xá lợi là một trong 8 sợi tóc của Phật Thích ca được đem về từ Ấn Độ hồi trước công nguyên. Điểm đặc biệt của đền Shwesandaw là có bốn cầu thang bằng gạch ở bốn mặt, mỗi cầu thang có 5 tầng. Để du khách và người hành hương có thể leo lên các ban công trên cao, người ta đã lắp một dãy ống tuýp sắt khá vững chãi bên phải của cầu thang để du khách dễ leo lên cao vì cầu thang khá dốc và hẹp.

Đây là nơi du khách thường tụ tập để ngắm và chụp ảnh mặt trời lặn trên dòng sông Irrawaddy. Cũng giống như đền Thatbyinnyu, các bức tường của đền Shwesandaw được tô trát cẩn thận và quét vôi trắng, không rõ từ nguyên thủy đã như vậy hay do người đời sau trùng tu, vì đa phần đền tháp ở Bagan được xây bằng gạch để trần, không tô trát, tương tự các tháp Chăm ở nước ta. Buổi chiều tối, lúc tôi trở lại đền Shwesandaw thì các ban công hẹp trên cả 5 tầng tháp đều đông kín du khách, bãi cát trước đền cũng ken đầy xe hơi, xe khách, xe đạp và xe thổ mộ. 


Đền Shwesandaw có cầu thang ở bốn mặt. 


Cách không xa đền Shwesandaw là đền Dhammayangyi, có cổng vào và tường gạch bao quanh dù nhiều đoạn tường rào đã đổ nát. Dhammayangyi là ngôi đền rộng lớn nhất ở khu di tích Bagan, và tài liệu cho biết người ta đã phải dùng đến 6 triệu viên gạch để xây nên nó. Không giống các đền khác, đền Dhammayangyi không có đỉnh tháp nhọn ở giữa có treo một cái chuông gió như thường thấy ở các đền tháp khắp Myanmar. 

Tương truyền, đền Dhamayangyi được vua Narathu (1167-1170) cho xây dựng để sám hối tội lỗi đã giết cha, anh và vợ để chiếm ngôi vua. Bản thân vua Narathu cũng bị ám sát trước khi ngôi đền được xây dựng xong. Trong quá trình xây dựng, có một số thợ xây người Ấn Độ bị nhà vua xử tử vì làm việc không khéo léo, để mạch vữa giữa các viên gạch quá rộng. Do lịch sử huyền bí của ngôi đền này mà cư dân địa phương thường gọi đây là “ngôi đền ma”; bên trong có nhiều đàn dơi, quạ làm tổ và chất thải của chúng khiến cho trong đền có mùi khó chịu. 

  • Ảnh bên: Đền Dhammayangyi rộng nhất Bagan. 

Hai ngôi đền khác, có kiến trúc gần giống nhau, cũng có tường gạch bao quanh với quy mô to lớn tương đương là đền Htilominlo xây dựng năm 1246, mang tên vị vua đã xây dựng nên nó. Đền có 3 tầng, cao 46 mét, còn nguyên vẹn và được bảo quản khá tốt. Htilominlo đại diện cho phong cách kiến trúc muộn nhất của kiến trúc Phật giáo Myanmar ở Bagan trước khi kinh đô này chấm dứt vai trò lịch sử của nó. Để thăm đền này, du khách phải mua vé 5 đô la Mỹ, và đây là một trong hai ngôi đền có bán vé vào cửa cho khách tham quan, tất cả những di tích còn lại đều miễn phí.

Đền Sulamani nằm giữa cánh đồng trống, xa đường cái, được vua Sithu đệ nhị xây dựng vào năm 1183, là nơi còn lưu giữ được một số bích họa với nét vẽ thô vụng, nhưng đáng tiếc là các cuộc trùng tu cũng đã làm mất đi nhiều những đặc điểm cổ xưa của ngôi đền. Sulamani là ngôi đền duy nhất ở Bagan có hai dãy nhà lá dọc lối vào bày bán các loại đồ lưu niệm, chủ yếu có tranh cát và tượng khắc gỗ. 

Cũng giống đền Ananda, đền Sulamani có bốn mặt nhìn ra bốn hướng, nối với nhau bằng các hành lang rộng, mỗi mặt có một điện thờ thờ Phật Thích ca; dọc hành lang cũng có những hốc tường, mỗi hốc là một điện thờ Phật. Tôi để ý thấy một cô gái vào đền rồi đi thẳng tới một hốc tường sâu bên trong và quỳ xuống làm lễ ở đó; không rõ có phải vị Phật được thờ tại điện thờ này là “thần hộ mệnh” của cô hay không. 


Htilomilo có lẽ là ngôi đền đẹp nhất Bagan. 
 

Bồ Đề đạo tràng và chùa vàng Shwezigon 

Sẽ thiếu sót lớn nếu đến Bagan mà không ghé thăm Bồ Đề đạo tràng Bagan (Mahabodhi) nằm trong khu vực thành Bagan cổ - một bản sao thu nhỏ của Bồ Đề đạo tràng (Bodhigaya) nguyên gốc ở Ấn Độ. 

Tương truyền, đức Phật Thích ca chứng quả, đạt tới đại ngộ đại giác, sau 49 ngày đêm thiền định dưới bóng một cây bồ đề thiêng. Tại nơi thiền định của ngài, vào năm 250 trước Công nguyên, vua A Dục (Asoka) của vương triều Maurya đã cho xây dựng một bảo tháp bốn mặt, ghi dấu hành trình chứng ngộ của đức Phật. Bảo tháp của A Dục vương đã được trùng tu nhiều lần và cùng với cây bồ đề thiêng - tại một thánh địa gọi chung là Bồ Đề đạo tràng - là trái tim của văn hóa Phật giáo thế giới. 

Bồ Đề đạo tràng ở Bihar Ấn Độ từng bị tàn phá bởi quân Thổ xâm lược vào thế kỷ XII và Phật giáo Bagan đã cử những đoàn nghệ nhân sang giúp xây dựng lại để rồi khi trở về Myanmar, năm 1215, dưới triều vua Nadaungmya (1211-1234), những nghệ nhân này đã xây dựng một ngôi đền tháp theo nguyên mẫu của tháp Bodhigaya, (theo tấm bia đặt trước cổng vào đền Mahabodhi). 


Một góc Bồ Đề đạo tràng Mahabodhi Bagan. 

Về mặt kiến trúc và vị trí, Mahabodhi Bagan hoàn toàn khác các đền tháp Phật giáo trong khu di tích này; nó không nằm ngoài cánh đồng mà ở trong kinh thành, cạnh cung điện của các vị vua. Kinh thành là một khu đất rộng có tường gạch cao và dày bao bọc chung quanh, tương tự như hoàng thành của triều Nguyễn ở Huế, bên trong thành có cung điện của các vị vua, nay được xây dựng lại hoàn toàn mới để phục vụ du lịch.

Hiện nay tường thành đã sụp đổ, chỉ còn lại những mô đất cao, nhưng qua phần tường còn sót lại ở cổng thành Thiraba Gate, người ta có thể hình dung được quy mô đồ sộ của ngôi thành này. Bên trong thành còn có Bảo tàng Khảo cổ học Bagan và có cả một khu di tích đang được khai quật được rào chắn cẩn thận.

Mahabodhi có hai tầng, một tầng đế và một tầng tháp, chiều cao tổng cộng 42,6 mét, nhưng không rõ vì sao cầu thang lên tầng trên đã bị bít lại. Ở tầng đế có một gian thờ Phật rộng, nhưng khác với tất cả các đền tháp còn lại, gian thờ này có cửa ra vào, cánh cửa sơn son thếp vàng và được khóa bằng một ổ khóa thép chế tạo riêng cho Nữ hoàng Victoria bên Anh. Chung quanh đền có rất nhiều hốc tường nhỏ, mỗi hốc tường đều có một tượng Phật an vị, tổng cộng có 465 tượng Phật ở nhiều tư thế.

Tầng tháp có bốn mặt, gồm hàng trăm bức phù điêu miêu tả cuộc đời đức Phật, giống hệt tháp Bodhigaya ở Bồ Đề đạo tràng Ấn Độ và hàng chục tháp Bồ Đề khác trên khắp Myanmar. Tiếc là trước cửa vào điện thờ chính của Bồ Đề đạo tràng Bagan người ta đã dựng lên một căn nhà mái tôn làm nơi tập trung, sửa soạn đồ lễ của người hành hương và căn nhà này đã phá hỏng kiến trúc và không khí tôn nghiêm của Bồ Đề đạo tràng.


Đền vàng Shwezigon còn nguyên vẹn, khá giống đền vàng Shwedagaon nổi tiếng ở Yangon và là biểu tượng của văn hóa Myanmar. 

Cũng như Mahabodhi, đền vàng Shwezigon là một ‘ngoại lệ’ ở Bagan, trước tiên vì đền được dát vàng từ chân lên đỉnh tương tự như chùa vàng Shwedagon nổi tiếng ở Yangon; đêm đêm, ánh đèn pha phản chiếu từ ngôi đền làm sáng rực cả một vùng. Đền Shwezigon không nằm trong thành cổ như Mahabodhi, cũng không nằm ngoài cánh đồng như những ngôi đền khác mà đứng riêng một cõi gần bến xe Nyang-U. Nếu như các đền tháp khác đều ít nhiều bị thời gian tàn phá thì đền Shwezigon hoàn toàn nguyên vẹn, dù ngôi đền được xây dựng từ năm 1102, dưới thời các vua Anawrahta và Kyansittha.

Ngày nay, đền Shwezigon là một khu phức hợp rộng hàng chục hécta có tường cao bao bọc chung quanh. Ở chính giữa khu phức hợp là ngôi đền vàng khổng lồ, chung quanh có hàng chục ngôi đền nhỏ hơn cùng với nhiều dãy nhà rộng làm nơi tụ họp của Phật tử, nơi chuẩn bị đồ lễ trong những dịp lễ hội. Những hành lang dài có mái che dẫn vào đền được cư dân trong vùng tận dụng để mở những dãy sạp bán hàng lưu niệm và bên trong ngay cạnh đền chính cũng có những quày hàng như vậy. Hàng lưu niệm mang đặc trưng Bagan là những bức tranh cát - họa sĩ dùng cát nhuộm màu rồi tô lên những tấm vải có phết keo, tạo thành những bức tranh miêu tả cảnh quan đền đài hoặc những họa tiết kiến trúc ở Bagan.

Nên lưu ý là những người bán hàng ở đền Shwezigon, và ở nhiều ngôi đền khác nữa, rất ‘kiên trì’ đeo bám và du khách hiếm khi rời được ngôi đền mà không mua một món hàng nào đó. 

Huỳnh Hoa (Thời báo Kinh tế Sài Gòn)  

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo