Ashui.com

Friday
Apr 26th
Home Tương tác Điểm đến Khám phá Battambang (Campuchia)

Khám phá Battambang (Campuchia)

Viết email In

Nói đến du lịch Campuchia, mọi người thường hay nghĩ đến Siem Reap với hệ thống di sản thế giới Angkor Wat, Angkor Thom, hay Phnom Penh với chùa Vàng, chùa Bạc và cung điện hoàng gia; hoặc mới thu hút du khách Việt gần đây là thành phố biển Shihanouk Ville... nhưng đối với chúng tôi, vốn ưa thích đi du lịch khám phá thì Battambang là lựa chọn phù hợp sau khi đã đặt chân đến những điểm kể trên.  

Tôi và hai người bạn cùng lên đường đi Battambang sau khi tìm hiểu về thành phố của tỉnh cùng tên nằm về phía tây bắc Campuchia, giáp với Thái Lan. Nơi này còn sót lại nhiều phế tích thời kỳ Angkor, từng là vựa lúa lớn nhất của Campuchia và là nơi dừng chân cho khách lữ hành trên đường Xuyên Á từ Phnom Penh đi qua Bangkok (Thái Lan). 


Đền Banan, Battambang. 
 

Ngày dài rong ruổi đường xa

Chúng tôi xuất phát từ khu phố Tây Phạm Ngũ Lão (quận 1, TPHCM) bằng xe của hãng Sorya đi Phnom Penh. Do gặp ngày lễ nên thời gian đến Phnom Penh trễ hơn 2 giờ so với dự kiến nên bị lỡ chuyến xe cuối cùng trong ngày của hãng Sorya đi Battambang. Vì vậy, từ đây chúng tôi phải tìm ngay vé của hãng xe khác để đi tiếp đến Battambang, không ở lại Phnom Penh đêm đó. Trong khi chờ xe chạy, chúng tôi đi kiếm gì bỏ bụng vì cả buổi sáng đến giờ này toàn ngồi trên xe ăn những đồ mang theo. 

Ai nói đi chơi sướng chứ tôi không thấy sướng tí nào, muốn đi phải làm kiếm tiền là đã thấy mệt rồi, khi đi thì phải tìm hiểu nơi cần đến, tối ngày mang vác ba lô, ăn uống có khi không đúng giờ, bạ đâu ăn đấy, có khi hai ngày mới vệ sinh cá nhân nếu liên tục di chuyển đường dài, rồi phải lo đủ chuyện trên đường... Nhưng không biết sao, bọn tôi vẫn thích đi như thế, thậm chí đi riết rồi ghiền luôn. 

  • Ảnh bên: Biểu tượng của thành phố Battambang (Ta Dambong Kro nhung Statue). 

Từ Phnom Penh đi Battambang với quãng đường dài hơn 290km, xe chạy mất khoảng 6 tiếng, chúng tôi phải cố đi đến nơi trong ngày để tiết kiệm thời gian. Trên chuyến xe này, ngoài ba đứa con gái chúng tôi, hành khách trên xe toàn là người Khmer, họ nhìn chúng tôi với vẻ tò mò. Chiếc xe này thuộc loại đời cũ, lâu lắm rồi tôi mới thấy lại; xe không có gầm để hành lý, mọi thứ hàng hóa, hành lý của khách đều được để ngay lối đi, kể cả mấy chiếc xe máy được cột kỹ nằm chiễm chệ trên xe; tóm lại, cái gì nhét lên xe được thì họ nhét hết (cảnh này khiến tôi nhớ lại lần tôi đi Bắc Cạn cũng y vậy, cái gì cũng mang lên xe để hết). Còn chỗ ngồi thì... tự do, ai thích đâu ngồi đấy, không cần số ghế. 

Tài xế này quả là tay lái quá ‘chuyên nghiệp’, trời đã tối - không có đèn đường - mà vừa ra khỏi thành phố ông ta chạy nhanh phát khiếp. Đã lâu lắm rồi tôi mới có cảm giác thấy ớn ớn, nhưng cũng chỉ thoáng qua thôi vì đã quá quen với những cảm giác mạnh khi rong ruổi những con đường đèo.

Đi xe cũ cũng có cái cảm giác hay hay của nó, xe cũ thì mọi thứ đều cũ, ngay cả chỗ ngồi cũng chật như nêm, nóng nực, được một điều là cửa xe không đóng kín nên gió thổi lùa vào xe khiến người cũng cảm thấy dễ chịu. Do không có quen biết ai nên bọn tôi chỉ nhắm mắt lim dim mong cho tới bến vì trời tối mù không thấy gì mà ngắm với nghía. Nhưng ngủ không được, chỉ lim dim một lát mở mắt ra, ba đứa lại thì thào nói chuyện.

Hóa ra trên xe có một chị người Việt, chắc nghe bọn tôi nói tiếng Việt nên nhận ra đồng hương. Thế là bọn tôi ngồi huyên thuyên cả buổi. Sau một hồi hỏi chuyện, tôi cũng biết một chút về chị nhưng do mải mê “tám” nên quên hỏi tên chị ấy luôn. Chị nói vì nhà người bà con bên chồng ở Pursat (thuộc tỉnh Pouthisat) mời đám cưới, nên cả gia đình bắt chuyến xe tối lên đây để cho kịp đám cưới hôm sau. Chị này lấy chồng người Campuchia nên con cái đều không hiểu tiếng Việt, hơn nữa chị lại đi làm xa, mỗi tuần về nhà một lần nên không ai dạy chúng! Xem chừng, cuộc sống của chị cũng sung túc nên tôi thấy chị trẻ hẳn so với tuổi và so với ông chồng ngồi kế bên. Và chị còn cho chúng tôi biết thêm, mấy hôm trước chị có về Sài gòn đi thẩm mỹ viện sửa sắc đẹp nữa đấy.

Xe dừng lại cho mọi người ăn tối. Điểm dừng chân nơi heo hút này cũng khá lớn nhưng hàng hóa bày bán không nhiều. Hồi chiều, chúng tôi có mua mấy cái bánh bao đem theo nên giờ không cần mua gì ăn thêm. Mà có muốn ăn cũng không có gì để mua, tôi chỉ mượn họ mấy cái muỗng để ăn bánh bao. Cái bánh bao mua ở Phnom Penh, tôi chỉ ăn hơn nửa cái thì ngán.

Gần 11 giờ tối, xe vào bến, trên xe chỉ còn vài ba người như bọn tôi. Từ đây chúng tôi thuê chiếc tuk tuk tìm chỗ nghỉ đêm. Dù đã khuya, chúng tôi vẫn cố tìm chỗ vừa ý với giá... rẻ! Đến khách sạn thứ ba, giá 18 đô la cho phòng 3 đứa ngủ chung; có máy lạnh, tủ lạnh... Thành phố nhỏ bé này hầu như đi ngủ hết, ngoài đường vắng bóng người, đèn đóm cũng lưa thưa vài chỗ sáng. Tôi nghĩ, giờ này chắc chỉ còn 3 đứa tôi đi tìm chỗ nghỉ thôi. Tình cảnh này làm tôi nhớ lại câu chuyện trong tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam, hình ảnh cái bến xe đèn đóm tù mù này chắc cũng giống như cảnh ngồi chờ tàu của cô bé trong tác phẩm đó. Ngày đầu tiên cũng hết.  

  • Ảnh bên: Cổng chùa Kandal, gần cầu Sar kheng, Battambang. 
     

Trọn ngày lên đồi, xuống núi 

Sáng ra, chúng tôi hỏi xin tấm bản đồ Battambang ở nhân viên tiếp tân của khách sạn rồi thuê hai chiếc xe máy, bắt đầu hành trình khám phá. Sáng hôm ấy, tôi gặp một anh người Việt - tôi lại quên hỏi tên - từ miệt Hồng Ngự, Đồng Tháp qua Phnom Penh làm thợ hồ, mấy tháng nay có công trình trên này nên phải ở đây. Anh cũng cho biết đã qua đây làm mấy năm rồi nên anh có thể nói tiếng Campuchia thông thạo và còn thông dịch lại cho tôi với chủ khách sạn này nữa. 

Kể ra thì đi đâu tôi cũng có duyên gặp được những người Việt làm ăn xa xứ, cũng thấy ấm lòng khi xa nhà. Họ vì cuộc sống phải mưu sinh xa quê hương; đôi lúc tôi cũng muốn đi như thế, lang thang tìm việc làm như vậy, nghĩ vậy nhưng sợ cực nên tôi không có được quyết tâm như họ. Hơn nữa thân gái mà chả lẽ cứ lông bông hoài như thế, dù tôi cũng... máu lắm! 


Chùa Kandal. 

Chúng tôi ra chợ Psar Nath ở gần khách sạn để ăn sáng. Đây là ngôi chợ trung tâm của Batambang nhưng nhìn quanh cũng chỉ có cơm với hủ tiếu. Cả bọn chén no bụng xong mở bản đồ tìm đường đi đền Banan. Chúng tôi chạy dọc theo con sông Sangker xuôi về hướng nam, rẽ qua một chiếc cầu cũ là nhìn thấy cái cổng chùa đầy ấn tượng với hình mặt người. 

Đó là chùa Kandal, chúng tôi chạy vào, bên trong sân có một cây sala đang trổ đầy hoa, cành vươn ra sà xuống sát đất. Nhìn quanh, tôi thấy có nhiều nhà dân ở bên trong khuôn viên chùa. Điều này cũng hơi khác lạ, nhưng tôi cũng không quan tâm lắm vì đã nhiều lần rong ruổi qua các nước Phật giáo và đã xem nhiều cảnh chùa chiền rồi nên cũng không còn háo hức tìm hiểu như lúc trước. Ở Lào, Campuchia và Thái Lan, đi đâu cũng gặp chùa, ngoài việc thờ Phật và tu học của các vị sư, nó còn như là một tụ điểm sinh hoạt của cộng đồng làng xóm. 

Dạo một vòng, chúng tôi vòng xe trở ra, tiếp tục hướng tới đền Banan như đã định. Ngôi đền này chỉ cách thành phố Battambang khoảng 25km, một khoảng cách không xa mấy, xe máy chạy nửa tiếng là tới. Khu vực này ít có cây xăng, khác với Phnom Penh và Siem Reap. Nhưng lại có nhiều điểm bán xăng đựng trong những chai dung tích 1 hoặc 2 lít. Chúng tôi ghé vào đổ mỗi xe hai lít xăng cho chắc bụng. 


Một đám cưới ở Battambang. 

Chạy tiếp một đoạn đường nữa, chúng tôi gặp một đám cưới, có lẽ là lúc bên nhà trai đang bưng lễ vật, mâm quả qua nhà gái. Đó là chúng tôi quan sát mà đoán vậy thôi chứ không hỏi ai hết. Dù sao, cũng tò mò, cả ba đứa, không ai bảo ai, cùng dừng xe lại lôi máy ra chụp hình liên tục. Đã nhiều lần qua Campuchia, tôi có dịp nhìn thấy nhiều đám cưới che rạp đãi tiệc dọc đường xe đò chạy nhưng chưa lần nào thấy đám rước như lần này. Thường các rạp có cái cổng trang trí để đón khách, người ta trồng hai cây chuối có quả ở hai bên cổng, không biết có ý nghĩa gì, nhưng nhìn cũng hay hay. Giống như đám cưới quê nhà mình người ta thường trang trí cổng rạp bằng những cây đủng đỉnh rồi còn thêm mấy dây bồng bông cắt ngoài ruộng mang về quấn lên cho đẹp.

Chúng tôi tiếp tục chạy thẳng một mạch tới đền Banan, sau khi hỏi đường lần nữa cho chắc là không bị lac. Gửi xe, mua vé vào cổng xong, chúng tôi lấy đồ ăn mang theo ra “xử” cho nó nhẹ bớt, đỡ mang vác nặng khi leo lên núi thăm đền. Chúng tôi chọn chỗ ngồi ăn trên một phiến đá to, có cây bồ đề che bóng mát, vừa ăn vừa hưởng khí trời, mặc cho ai ngang qua cũng nhìn.

Ăn xong, ba đứa đi vào trong leo lên đền. Vừa leo được mấy bậc là chân tôi sắp run, đành đứng thở lấy sức leo tiếp, cứ thế cho đến khi lên gần tới đỉnh, chân tôi càng nặng, bước đi càng khổ sở hơn. Đây là cái tội ăn quá no trước khi lên dốc cao. Trong khi đó hai cô bạn đi cùng vẫn tỉnh khô, còn nhởn nhơ vừa đi vừa chụp hình mà vẫn đến đích trước rồi.

Ngôi đền nằm trên một ngọn đồi, nên khi tôi cố lê bước lên tới trạm nghỉ chân nằm sải lưng một lúc, ngọn gió trời mát đem lại cảm giác rất dễ chịu. Tôi nghỉ một lát lấy sức rồi tiếp tục lê bước lên tới đỉnh đồi. 

  • Ảnh bên: Lối đi lên đồi, vào đền Banan. 

Đền Banan được xây dựng vào thế kỷ XI, gồm 5 đỉnh tháp. Màu sắc đá xây đền ở đây trông có vẻ tươi sáng hơn các ngôi đền khác và có nhiều góc chụp ảnh rất đẹp. Xung quanh đền có những cây cổ thụ với những tán cây xanh tỏa rộng che mát và làm nổi bật nét kiến trúc ngôi đền. Từ đỉnh đồi này, có thề nhìn ngắm bao quát khung cảnh xung quanh bên dưới, xa xa là ngôi chùa đã hơn 150 tuổi, một hồ sen dưới chân ngọn đồi... Quanh đỉnh đồi có nhiều hàng cây che bóng mát, mấy quán nước có treo võng cho du khách nằm nghỉ sau khi leo lên thăm đền. 

Lên đến đây, chúng tôi mới biết có một ngôi chùa nằm trên ngọn núi gần đây. Chúng tôi hỏi người bán vé, đi đường tắt nào qua cho gần. Một lúc sau, chúng tôi cũng tìm được ngõ tắt sang ngôi chùa đó. Đường đi rất vắng. Ngoài nhóm ba người chúng tôi, suốt chặng đường 9km chỉ thấy hai chiếc xe máy khác chạy vượt qua. 

Đoạn đường này bụi mù trời, hai bên là những cánh đồng hoang hóa, khô cằn, lác đác vài ngôi nhà vắng bóng người... Kiểu này có muốn dừng lại hỏi thăm đường cũng chẳng có người nào để hỏi. Nếu như xe có gì hay bể bánh chắc phải đẩy bộ chứ không có cách nào xoay sở. Nói vậy nhưng chúng tôi đi đường xa quen rồi, chỉ cần bỏ hết những ý nghĩ về những điều không hay xảy ra cho mình, cứ thả lòng thoải mái mà tận hưởng thú ngao du, khám phá. Cũng vì mải mê chạy xe nên tôi không chụp tấm ảnh nào ở đoạn đường này, giờ mới thấy tiếc. 

Khi gần ra đường cái, mới thấy nhà cửa, dân cư đông đúc hơn. Và cuối cùng, chúng tôi cũng đã tới được nơi mình muốn đến. Lần này, chúng tôi không phải gửi xe lội bộ lên đồi như ở đền Banan, mà phóng xe máy một mạch lên tới chùa, với những con dốc thẳng đứng, cua ngoằn ngoèo hóc hiểm. Xe máy phải chạy số một đấy nhé; chiếc kia để số hai bò lên không nổi, mất trớn, xém bị trượt xuống dốc. 


Hang "Killing cave", di tích tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ hiện là nơi thờ những vong hồn oan khuất của dân lành Campuchia. 

Ngôi chùa Sanpeou này cũng không có gì đặc sắc cho lắm ngoài ngọn tháp, nhưng từ trên sân chùa này nhìn xuống đồng bằng, nhất là đoạn đường lúc nãy mà chúng tôi vừa chạy qua trông rất đẹp, khác hẳn với cảm giác căng thẳng khi chạy xe vượt qua nó. Nhìn từ trên cao, cảnh vật nơi đây đẹp như một bức tranh có gam màu xám của những thửa ruộng khô cằn rám nắng. 

Xung quanh ngọn núi này có nhiều hang động được dùng làm nơi tập trung, sát hại hàng loạt người dân vô tội dưới thời Khmer Đỏ cai trị. “Killing cave” là một hang động như vậy. Trong hang này tôi thấy vẫn còn sót lại những xương sọ, hài cốt vô thừa nhận và trong hang có bàn thờ các vong linh người vô danh. 

Ra khỏi “killing cave”, trời nắng trưa nóng quá, chúng tôi quay về chợ Psar Nath ăn cơm, rồi về ngủ một giấc để chiều đi tour bamboo train, một tiết mục không thể bỏ qua ở Battambang. 
 

Bamboo train - sức hấp dẫn từ công cụ thô sơ 

Xế chiều sau khi trời nhạt nắng, cái nắng bớt oi bức, chúng tôi lên đường, chạy theo hướng về lại Phnom Penh để tìm đến điểm đi bamboo train. Do nó nằm khuất bên trong lộ và cũng không thấy bảng chỉ dẫn lối vào, nên chúng tôi chạy ngang mà không biết mình đã chạy lố. Cũng may, nhờ biết trước quãng đường chừng 3km thôi, nên chúng tôi dừng xe hỏi lại người dân bên đường; lúc quay lại mới thấy tấm bảng chỉ dẫn sơ sài treo ngược hướng đi.


Muốn tìm đường đến điểm tham quan khác, du khách có thể hỏi những nhân viên ngành du lịch và sẽ được hướng dẫn tận tình. 

Đoạn đường rẽ vào lởm chởm ổ gà, giống như đi lạc nào một nơi nào đó heo hút gần biên giới. Khi sắp đến nơi, đường lại quẹo liên tục, chúng tôi xuống hỏi tiếp cho chắc vì chỗ này nếu lỡ đi lạc thì quành lại trên những con đường như thế rất dễ mất phương hướng. May là đã gần đến chỗ bán vé cho du khách.

Nói về cái bamboo train này chút, theo hiểu biết sơ sài của tôi khi lượm lặt đâu đó, đường ray xe lửa này được người Pháp xây dựng từ xưa, nối thủ đô Phnom Penh đến Battambang rồi đi tiếp sang tận Thái Lan qua cửa khẩu Poipet. Từ lâu, tuyến đường sắt xuyên biên giới này không còn hoạt động nữa nhưng đường ray vẫn còn. Người dân địa phương bèn tận dụng đường ray này để tự chế ra những chiếc xe có khung sắt lót sàn bằng tre, trông như cái vạt giường, gắn máy nổ vận hành bánh xe lăn trên đường sắt, làm phương tiện vận chuyển cho người và hàng hóa đi lại trong vùng.

Từ sáng kiến tự phát trong nhân dân vì nhu cầu dân sinh, sau đó người ta tổ chức thành dịch vụ phục vụ cho khách du lịch. Phương tiện giao thông thô sơ này đã bao năm tỏ ra hiệu quả, hữu ích cho người dân địa phương và trở thành một trò tiêu khiển hấp dẫn cho du khách đến từ các nước phát triển. Thậm chí có thể nói đó là một sản phẩm du lịch độc đáo không phải đầu tư nhiều tiền của mà đem lại hiệu quả rõ rệt. Và đó chính là nét đáng khen cho những người làm du lịch ở đây. 


Một nữ du khách (bên phải) - có vẻ là người Nhật - phơi mình dưới cái nắng đầu hè ở Battambang. 

Chúng tôi mua vé, giá 5 đô la Mỹ cho một người. Lúc lên cái mảng tre này, ngoài ba đứa tôi còn có một chị - tôi đoán là người Nhật - lên cùng. Chị ấy trông tướng rất ‘phong trần’, trời nắng như thế mà mặc đồ ngắn, da rám nắng hết ngắm nổi, lại chạy xe đạp đi một mình tham quan ở cái chốn khỉ ho có gáy này mà không cần bạn đồng hành như tôi. Tôi chợt nghĩ, ‘nữ nhi’ thời nay có khác, thích là làm, là đi như mình muốn. 

Tốc độ của các bánh xe lăn trên đường ray nhanh hơn tôi tưởng. Tôi ước lượng nó chạy khoảng hơn 40km/giờ chứ không phải như tài liệu trên mạng nói chỉ chạy chừng 20km/giờ thôi. Do chỉ có một đường ray nhưng xe chạy hai chiều nên khi gặp một chiếc khác chạy ngược lại thì bên nào ít khách hơn phải nhường đường. Có lần gặp một chiếc đi ngược chiều đông người hơn, chúng tôi phải xuống để cho người lái tháo rời xe rồi khiêng ra khỏi đường ray nhường cho chiếc kia chạy qua rồi mới đặt lên chạy tiếp. Xe chạy cùng chiều thì luôn nối đuôi nhau chứ không có chuyện vượt qua!

Đó là nói về những chiếc chở du khách, còn người dân địa phương - dù nhiều hay ít người, thậm chí có cả hàng hóa - đi lại trên tuyến ra này luôn phải nhường đường cho ‘tàu’ chở khách du lịch. Không biết có phải sự nhường nhịn đó là bắt buộc vì họ không phải nộp phí giao thông trên đường ra này hay xuất phát từ ý thức ứng xử ‘lịch sự’ với khách nước ngoài của người địa phương (?)!

Hai bên đường ray cỏ mọc đầy, các loại cây dại mọc gần đường ray nhìn giống như một hàng rào được cắt xén ngay ngắn, trông khá đẹp mắt; nhưng thật ra, vì khi mảng tre chạy qua quét vào những cây này không cho mọc cao lên. Cánh đồng hai bên đường ray khô hạn, không thấy trồng trọt gì. Nắng về chiều làm cho không khí mát dịu hẳn so với buổi trưa. 

Xe chạy khoảng 7km đến một trạm dừng và quay đầu trở về điểm xuất phát. Tại ‘nhà ga’ này, du khách được nghỉ ngơi, thư giãn khoảng 30 phút, nhưng quang cảnh xung quanh không có gì để ngắm. Cảnh vật ở đây cũng khô cằn, tiêu điều... nhưng không biết khách du lịch đến từ những nước phát triển sẽ cảm nhận thế nào khi họ đến nơi này. Có đi ra ngoài thế này mới biết mình còn hạnh phúc hơn cả khối người về tinh thần cũng như vật chất, nhất là đối với những người dân nơi đây.

Loanh quanh một hồi, tôi thấy cũng chẳng có cảnh gì mà ngắm, chợt thấy có cái võng bỏ trống gần đó tôi liền tót lên đại, nằm nhìn ngó các anh chị Tây ba lô đi đoàn đông ngắm nghía cái phương tiện thô sơ “kỳ quái” vừa chở họ đến đây, rồi lại nằm võng chờ người ta gọi lên xe trở về nơi xuất phát. 


Khách du lịch châu Âu tỏ ra thích thú khi ngồi trên bamboo train. 
 

Ba cô gái - ba ngày, ba đêm bụi đời

Trở về Battambang, bọn tôi chạy lòng vòng mua cơm với mấy món cá nướng, thịt nướng ở chợ, thêm mấy bịch nước mía đem ra bờ sông ngồi ăn bốc; vừa ăn vừa tán dóc, trông giống những kẻ lang thang không nhà. 

Người ta đi du lịch chăn êm nệm ấm, ăn trong những quán sang trọng, ít lắm thì cũng vào quán ngồi ăn cho tử tế; đằng này ba đứa ngồi tụm một chỗ bốc lủm, bốc lủm trông thiệt mắc cười. Tối về khách sạn trả xe, chúng tôi lang thang ra mấy cái quán nước dọc bờ sông ngồi chơi, uống sinh tố. Buổi tối mà còn kêu sinh tố dừa với thơm uống chung nữa, không biết có sao không?! 

Nhìn sang bên kia sông nhộn nhịp hơn, có nhiều khách sạn xây cao tầng, đèn sáng hơn bên này, có cả quán bên sông chơi nhạc sống với những bài hát tiếng Anh vọng sang tận bờ bên này. Còn bên tôi ở đa phần là kiến trúc cũ thời Pháp còn để lại với những dãy nhà phố thấp bé dùng cho buôn bán nhưng trông gọn gàng, người sống ở đây thì ngoài người Khmer bản địa còn có người Hoa và có cả thêm hội người Việt nơi đây nhưng chúng tôi không có dịp ghé qua vì thời gian nghỉ phép của hai bạn kia đã hết.

Sáng hôm sau, chúng tôi đến một quán khá đông khách ở gần khách sạn, hủ tiếu Nam Vang ở đó khá ngon, ăn cũng hợp khẩu vị vì nấu theo kiểu của người Hoa, nhưng nước dùng không đậm đà bằng người Việt mình nấu. Ăn xong, chúng tôi chạy ra chợ xem có gì mua đem lên xe ăn không. Buổi sáng ở đây chỉ thấy bán cơm với hủ tiếu chứ không có mấy thứ khác, hôm tối có bán bánh mì, sáng ra thì không thấy, ít có sự lựa chọn món ăn ở đây.

Chia tay Battambang, chúng tôi ra xe quay lại Phnompenh, đến nơi khoảng hơn 2 giờ. Chúng tôi lại phải dạo chợ trung tâm, lang thang ra bờ sông ngồi mòn mỏi chờ tới nửa đêm, đi chuyến xe khởi hành lúc 12g đêm hướng về Sài Gòn, kết thúc 3 ngày 3 đêm lăn lóc bụi đường. 

Bài, ảnh: Nguyễn Kim Oanh (TBKTSG) 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo