Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Điểm đến Udayagiri - khu di tích Kỳ Na giáo hơn 2.000 năm tuổi

Udayagiri - khu di tích Kỳ Na giáo hơn 2.000 năm tuổi

Viết email In

Không chỉ có những pho tượng, phù điêu thường gặp ở các di tích khác mà có cả những di chỉ chạm khắc trên đá, cũng đã hơn hai thiên niên kỷ tuổi tác (2.170 năm). Đá thinh lặng, nhưng buổi trưa nắng mùa đông vàng hực, nghe gió Ấn Độ Dương mát rượi rù rì qua những hang xưa động cũ, cứ ngỡ đá đang thì thầm kể.  

Có nhiều miền di tích mang tên Udayagiri trên xứ Ấn. Được mệnh danh là “thành phố của đền đài”, Bhubaneswar bắt đầu được biết nhiều vào năm 265 trước Công nguyên. May mắn cho các học giả và người đời sau, vua Ashoka để lại nhiều di chỉ về Phật giáo khắc trên những trụ đá nổi tiếng mang tên ông. Một điều lạ, dù rất mộ đạo Phật, ông vẫn tôn trọng tín ngưỡng Kỳ Na giáo (đạo Jaina) của người bản địa ở Bhubaneswar thời đó. Nên mới có Udayagiri bây giờ, khu di tích Kỳ Na giáo hơn 2.000 năm tuổi. 

Những dòng sử ghi trên đá

Ngọn đồi đá hoa cương Udayagiri, tiếng địa phương là ngọn đồi Bình Minh, giờ chỉ còn 18 hang động có các tượng đá và di chỉ. Cho dù theo thông tin từ chính các di chỉ khắc tại đây, vua Kharavela đã cho chạm trổ cả thảy 117 hang động ở đây và bên mấy ngọn đồi lân cận. Trong 18 hang động của Udayagiri, dù không đẹp nhất nhưng quý nhất, bảo trọng nhất là hang số 14 – Hathi Gumpha – hang Voi, vì hang này lưu giữ những dòng chữ khắc vào đá đã hơn 2.000 năm tuổi kể lại những câu chuyện xưa. 17 dòng chữ Brahmi cổ trên vách đá trong hang Voi lưu giữ nhiều nhất những thông tin giá trị về cuộc sống thời bấy giờ. 

Được khắc từ năm 157 trước Công nguyên, những dòng chữ này được bổ sung nhiều lần sau đó, như những dòng sử ký bằng đá, ghi dài trong suốt ba thế kỷ (từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên đến thế kỷ thứ 1). Qua đó người ta biết được về những cuộc chinh chiến của các vị vua, quá trình xây dựng kinh thành Kalinga sau những hư hại của chiến tranh hay thiên tai, sự phát triển của Kỳ Na giáo… cũng đều được ghi lại rõ ràng trên đá. Và đều được dịch ra tiếng Hindu, tiếng Anh, khắc trên những bia đá đặt trước hang. 


Hang cung điện của hoàng hậu Rani Ka Naur 2 tầng có nhiều hình ảnh chạm trổ bên trong (ảnh: T.H. Bảo) 

Hang động hai tầng Rani Ka Naur 

Theo sự chỉ dẫn nhiệt tình của đám trẻ con bản địa đang chơi ở đó, leo lên hang 9, số 3, rồi số 10, số 12… tôi đi hết ngỡ ngàng này đến bất ngờ khác. Hang 9, hang Cọp chẳng còn tượng đá phù điêu gì, nhưng lý thú là từ một hang đá có hình dáng hao hao, người xưa tạc thêm cái đầu cọp oai hùng. 

Ở hang 3, Ananta Cave, những pho tượng các phụ nữ xinh đẹp đầy đặn, những vận động viên trong các tư thế khoẻ khoắn hay các chú voi đều được chạm khắc rất tinh tế… Vẫn rất tinh xảo, mềm mại dù đứng giữa đất trời đã mấy ngàn năm. 

Rani Ka Naur – hang Hậu cung – hang 1 thu hút du khách không chỉ vì hang động rộng lớn nhất có đến hai tầng mà bởi những pho tượng, phù điêu tinh xảo bên trong. Các cột cũng như các cửa vòm vào các gian nhỏ ở tầng dưới đều được chạm trổ những hình ảnh về cuộc sống hoàng gia, tôn giáo. Một số là hình ảnh về những cuộc chinh chiến, khải hoàn của các nhà vua. Tầng trên chạm trổ các dấu hiệu của đạo Kỳ Na, hoa sen và rắn… bên cạnh những hình ảnh về đời sống thị dân thời bấy giờ. Khó có thể tưởng tượng, chúng vẫn còn tinh xảo dù đã mấy thiên niên kỷ tuổi tác. Những câu chuyện bằng hình ảnh này, hỗ trợ thêm bởi di chỉ trên đá trong các hang động gần đó quả là những chứng tích độc nhất vô nhị Udayagiri. 

Tôi nghỉ chân bên một khe đá dưới bóng cội già. Gió từ Ấn Độ Dương không xa lắm rười rượi thổi về, ru mơn man giấc mơ hoang. Như chập chờn thấy những phi tần mỹ nữ từ đá xưa đang uyển chuyển những vũ điệu mê hồn, rủ rê khách du về ngàn năm cũ. Rồi giấc mơ cứ theo mãi những đêm mộng mị lang bạt xứ Ấn huyền bí. 

Trần Hoàng Bảo 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo