Những ngày cuối năm, miền đồng bằng Tây Bắc Bangladesh lúa chín vàng mênh mang. Nằm giữa lưu vực sông Padma (tên của sông Hằng khi đến đây) và sông Jamuna, miền quê Dinajpur cũng xôn xao mùa gặt, cũng là mùa lễ lạt hội hè. Và, người dân ở đây không đi lễ ở nhà thờ Hồi giáo mà đến viếng ngôi đền Hindu linh thiêng Kantanagar – một trong những ngôi đền cổ, đẹp nhất trên đất nước Hồi giáo này.
Ngôi đền cổ đã 300 năm tuổi, các viên gạch kết nối nhau kể lại những câu chuyện sử thi nổi tiếng Ấn Độ qua những hoạ tiết chạm trổ sắc sảo.
Buổi sớm mùa đông mờ sương, tôi xuống chiếc xe buýt cọc cạch ở vùng ngoại ô Kantanagar. Ngang qua con sông Dhepa, cứ ngỡ lạc về ngày cũ quê xưa. Chiếc cầu thân tre mỏng mảnh, lát bằng nứa đập giập, lúc lắc dưới những bước chân lại càng chông chênh khi chú bò gầy trơ xương kéo chiếc cộ vun đầy rơm vàng ì ạch qua. Con sông Dhepa chở đám lục bình nặng nề trôi xuôi chẳng khác chi miền quê Việt mới ngày nao, có chăng là những chiếc saree vàng đỏ thướt tha của các chị, các cô phất phới trong gió sớm.
Mùa gặt, mùa lễ hội nhà quê
Mùa đông sông cạn, phải lội bộ qua triền sông mênh mông cát mới vào đến làng quê. Xóm nhỏ bên sông đã nôn nao thức cùng ngày lễ, hội mùa từ sớm. Hàng quán cho khách hành hương đã bày biện xong từ lâu. Đơn sơ mộc mạc nhưng lắm sắc màu những thứ đồ chơi, hàng hóa… của người địa phương. Những chậu bánh vòng, kẹo đường tán vàng hực, thèo lèo như đã mất dạng nơi quê nhà, giờ vẫn là món quà thú vị cho trẻ con và cả người lớn ở đây. Có những thứ hơi khác là các loại đậu được rang tẩm, nhuộm màu bày từng dãy mâm vun đầy, trông thật đẹp mắt. Đây là món ăn vặt ưa thích của người Bangladesh mà bạn có thể thấy khắp nơi nơi. Ngoài chợ đông vui, trong xóm cũng nhộn nhịp chẳng kém khi những cộ lúa mới gặt được chở từ đồng về sân để “đập lúa” – đúng nghĩa đen. Lúc đầu tôi hơi đượm buồn, khi thấy đã qua thập niên thứ hai của thiên niên kỷ mới mà nông dân ở đây chẳng có lấy chiếc thùng suốt lúa thô sơ đạp chân hay quay tay chứ nói gì đến máy suốt có động cơ. Các cô chú anh chị vẫn đập thẳng những bó lúa vào mấy tấm ván để hạt lúa rụng rồi gom lại. Trước sự chào đón thân tình ấm áp của bà con, tôi được biết thu hoạch vụ mùa này của làng cũng tương đối khá, nên bà con rất mừng.
Ham vui trong xóm quê, đến lúc nghe ngoài ngõ xôn xao bà con về đi lễ, cũng như xôn xao mua bán ở hội chợ quê, tôi vội vã đi theo đoàn người cùng đến ngôi đền Kantanagar. Và sửng sốt! Vì đền Kantanagar đẹp tinh xảo hơn tôi hình dung, dù đã nghe nhiều người khen tặng.
Người dân quê xứ này vẫn đập lúa thủ công như ở nông thôn Việt Nam cách nay đã lâu.
Theo thông tin tiếng Phạn khắc trên đá xưa tìm thấy, ngôi đền được khởi công năm 1704 bởi tiểu vương Prannah vùng Dinajpur thời bấy giờ. Gần nửa thế kỷ sau đền mới được hoàn tất bởi người con nuôi của ông, tiểu vương Ramnath, năm 1752. Thờ phụng vị thần Hindu giáo đẹp trai, tài hoa Krisna, ngôi đền ba tầng được xây dựng theo kiến trúc nava-ratna, kiểu kiến trúc có chín tháp nhọn của các ngôi đền Hindu. Trận động đất năm 1897, cả chín ngọn tháp đã sụp đổ. Có được phục hồi, gia cố chút ít bởi tiểu vương Girijanath Bahadur vào đầu thế kỷ 20, ngôi đền vẫn giữ nguyên hiện trạng không có tháp nhọn nào từ đó đến giờ. Tuy vậy, với những gì còn lại, Kantanagar vẫn được nhiều người cho là ngôi đền có kiến trúc terracotta – làm từ gạch nung được đúc khuôn hay chạm trổ tinh xảo, đẹp nhất Bangladesh.
Nét đẹp tinh tế của gạch nung
Đã mấy thế kỷ, nhiều cuộc chiến trôi qua, những viên gạch đỏ với các hoạ tiết sắc sảo ở Kantanagar vẫn còn giữ được. Các viên gạch nối tiếp nhau kể lại những câu chuyện sử thi nổi tiếng Ấn Độ Mahabharata, Ramayana… Nhiều mảng tường khác kể về cuộc sống thời bấy giờ, cũng không cổ xưa lắm qua hình ảnh những khẩu súng dài cầm tay của các chiến binh hay các thợ săn… Tận mắt nhìn mới ngạc nhiên về tài hoa của những nghệ nhân Bengal xưa khi trong từng viên gạch là các tượng người được chạm trổ chi tiết đến từng khoé miệng, nét mi, kẽ tóc… Các loại thú cũng được chạm khắc rất sinh động ở các tư thế đa dạng. Đến giờ người ta vẫn chưa rõ các nghệ nhân đã làm từng mảng tường lớn rồi cắt ra từng viên gạch nhỏ để nung riêng rồi ráp lại hay làm riêng từng viên ngay từ đầu. Và, các chuyên gia nghiêng về giả thuyết đầu nhiều hơn.
Khác với nhiều khu di tích của Bangladesh vắng vẻ, tôi thấy rất nhiều đoàn du khách Âu Mỹ ghé Kantanagar. Mê miết chụp hình, họ cứ hết à tới ồ khi nghe các hướng dẫn viên vừa thuyết minh vừa “tán” thêm đây là tượng người phụ nữ đang massage cho chồng, kia là người đang chải chí nhưng với mớ tóc của người ngồi kế bên… Trò chuyện với tôi, trầm ngâm một lúc, Naomi, cô gái Nhật trẻ cũng đi bụi một mình chia sẻ: “Thật ngạc nhiên. Dù còn rất nghèo và ít nhiều bất an, đến nỗi gia đình bạn bè rất lo lắng khi tôi sang đây, lại trải qua mấy cuộc chiến tang thương… mà Bangladesh còn gìn giữ được nhiều di tích cổ giá trị đến vậy. Và không có chuyện gạt gẫm chèo kéo như ở nhiều nước khác”.
Chia tay Kantanagar. Biết khó lòng quay lại, tôi vẫn mong một ngày về thăm những người bạn mới gặp mà như đã thân, thăm lại miền quê hiền êm ả.
Bài, ảnh: Trà Khúc
- 7 điểm du lịch độc đáo trên thế giới
- Udayagiri - khu di tích Kỳ Na giáo hơn 2.000 năm tuổi
- Lạc lối ở Venice
- Bảo tàng Văn hóa Khmer Trà Vinh
- Québec - "thành phố Pháp" trong lòng Canada
- Khám phá vương triều Majapahit ở Trowulan
- Nhà thờ đá cổ ở Tam Đảo
- Chiang Rai với những ngôi chùa kiến trúc lạ
- Miền Sandakan dưới những ngọn gió
- Chùa Bà Đanh