Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tương tác Điểm đến Québec - "thành phố Pháp" trong lòng Canada

Québec - "thành phố Pháp" trong lòng Canada

Viết email In

Thành phố Québec là tỉnh lỵ của tỉnh Québec ở miền Đông Canada. Trong đất nước Canada mà ngôn ngữ chính thức ở cấp trung ương và cấp tỉnh (nếu gọi cho đúng là tỉnh/bang vì thực chất mỗi tỉnh là một bang có quốc hội và chính phủ của tỉnh/bang) đều là tiếng Anh, thì riêng ở tỉnh Québec, tiếng Pháp được công nhận là ngôn ngữ chính thức. Đến Québec, bạn có cảm giác như đi đến một thành phố của nước Pháp.  

Thành phố cổ xưa nhất Canada 


Thành phố Québec cổ bên dòng sông Saint Laurent 

Trước khi thăm thú, chúng tôi cũng đã tìm hiểu đôi nét về Québec. Năm 1935, nhà thám hiểm Pháp Jacques Cartier đến vùng này và gọi nó là Nước Pháp mới (Nowelle France). 

Lúc đó, nơi đây có tên là Stradacona với khoảng 1.000 người bản địa thuộc bộ lạc da đỏ Iroquois và Algonquin. Vì sự chống đối của dân địa phương và thời tiết khắc nghiệt vào mùa đông, Jacques Cartier cuối cùng phải trở về Pháp. 

Hơn nửa thế kỷ sau, chính nhà thám hiểm người Pháp là Samuel de Champlain mới thực sự là người bắt đầu xây dựng thành phố Québec vào năm 1608. Champlain được vinh danh là “Người cha của nước Pháp mới”, trở thành toàn quyền cai trị lãnh thổ này cho đến khi qua đời vào năm 1635.
Về sau, qua nhiều cuộc chiến tranh, người Anh đánh bại người Pháp và làm chủ lãnh thổ Canada. Pháp mất quyền cai trị vùng Québec, nhưng hơn nửa triệu người Pháp ở đây vẫn duy trì những truyền thống văn hóa, sinh hoạt Pháp. 

Hiện nay, trong một nước Canada thống nhất, tỉnh Québec được hưởng một “quy chế đặc biệt” với nền văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán riêng. Ngày 27/11/2006, quốc hội Canada thông qua một kiến nghị công nhận “người dân Québec họp thành một dân tộc trong nước Canada thống nhất”.

Tỉnh Québec có số dân là tám triệu người, còn thành phố Québec có 500 ngàn dân. 


Quán cà phê vỉa hè 

Québec có hai khu vực riêng biệt: Thành phố hiện đại và thành phố cổ. Chúng tôi nghỉ tại một khách sạn trong khu phố hiện đại, nơi có nhiều tòa cao ốc, trụ sở ngân hàng, văn phòng công ty, cơ quan chính phủ, giống như các thành phố khác ở Bắc Mỹ.
Trọng điểm tham quan của chúng tôi là thành phố cổ, nơi đã được UNESCO xếp vào danh sách di sản văn hóa của thế giới từ năm 1985.

Thành phố cổ có diện tích 11km2, chia làm hai khu vực: Thành phố trên cao và Thành phố bên dưới. Đây là nét đặc biệt của Québec, tạo nên vẻ đẹp độc đáo kỳ lạ và hấp dẫn mà ít thành phố nào trên thế giới có được.

Thành phố trên cao 

Chiếc xe bus đưa chúng tôi đến Thành phố trên cao, vì đây là tâm điểm của Québec, là trung tâm chính trị và quân sự khi Québec là thuộc địa của Pháp.

Thành phố nằm trên đỉnh cao, có tên là Mũi Kim Cương nhìn xuống dòng sông Saint Laurent bên dưới. Những du khách như chúng tôi không khỏi trầm trồ nhìn ngắm quanh cảnh đẹp trải dài đến tận chân trời.


Đường Petit Champlain

Đứng giữa quảng trường Dufferin, nhìn chung quanh chỉ thấy toàn những kiến trúc cổ theo phong cách châu Âu của những thế kỷ trước. Nổi bật nhất là Tòa lâu đài Frontenac, uy nghi, tráng lệ, vượt lên các công trình khác trên nền trời cao.

Lâu đài được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX, lấy tên hầu tước Pháp Frontenac (1620-1698) đã nhiều lần làm toàn quyền Pháp ở xứ này.Lâu đài có quy mô lớn như những lâu đài cổ ở châu Âu, bốn góc có bốn tháp tròn, còn mái thì lợp bằng đồng. Lâu đài đồng thời cũng là một khách sạn cao cấp với 650 phòng, là nơi trú ngụ của nhiều vị quốc vương, nguyên thủ quốc gia khi họ đến thăm Canada.

Đối diện với lâu đài Frontenac, ở phía bên kia quảng trường Dufferin, là bức tượng đặt trên bệ cao 15 mét mà anh hướng dẫn viên giới thiệu là tượng của Samuel de Champlain, người đã cho khởi công xây dựng thành phố Québec vào năm 1608.

Tản bộ xung quanh quảng trường Dufferin, du khách có thể ngắm nhìn một số công trình kiến trúc quan trọng như Tòa thị chính (được xây dựng từ năm 1896), Nhà thờ Đức Bà (được xây cách đây 350 năm, theo phong cách baroque), Trường Đại học Laval (xây dựng năm 1949) là trường đại học Pháp ngữ đầu tiên ở Bắc Mỹ. 


Tác giả trước tượng Samuel de Champlain


Bán tranh trên đường phố 

Thú vị nhất là đi tản bộ trong những phố nhỏ. Có những chiếc xe ngựa chở du khách chạy lọc cọc trên những con đường lát đá mòn nhẵn thín. Người đi bộ thì luồn lách qua những con đường ngoằn ngoèo xinh xắn.

Chúng tôi vừa đi vừa ngắm nhìn những ngôi nhà đầy ắp những giàn hoa trên khung cửa. Có những quán nhỏ bán hàng lưu niệm. Những họa sĩ ngồi vẽ tranh cho du khách ngay trên đường phố, những nhạc công kéo đàn accordeon hoặc đàn violon ngay trên vỉa hè và cũng có những người đứng làm nhân tượng ở các góc phố để xin tiền du khách.

Bên cạnh đó, là những quán ăn trong những ngôi nhà cổ kính với vách tường bằng đá, với mái hiên nghiêng phủ đầy hoa. Lại có những quán cà phê trên vỉa hè chật hẹp mà ngồi ở đấy, vừa nhâm nhi ly cà phê vừa ngắm nhìn quang cảnh chung quanh, thì thật là thú vị.

Người đi bộ rất đông, có thể nói là chen chúc nhau, nhưng không ồn ào, không huyên náo, thể hiện nếp sống rất văn minh. Cảnh tượng ở đây thật giống ở trên đồi Montmarte của thủ đô Paris, không chỉ vì cảnh quan, mà còn vì mọi người đều nói tiếng Pháp. 

Rất tiếc là vì đi theo đoàn nên tôi không thể ở đây lâu, chỉ thăm thú một vài quãng đường rồi phải nhanh chân trở lại nhập với đoàn du khách để thăm Thành phố bên dưới.

Thành phố bên dưới 

Để xuống Thành phố bên dưới, phương tiện nhanh và thuận lợi nhất là ngồi ca-bin theo đường ray tuột dốc. Trong khi chiếc ca-bin từ từ tuột xuống, du khách ngồi bên trong đã có thể nhìn thấy một phong cảnh ngoạn mục là dòng sông Saint Laurent với những chiếc phà qua lại, nối liền thành phố Québec với thành phố Levis bên kia bờ sông. 


Lâu đài Frontenac

Ca-bin dừng lại trong trạm có tên là Ngôi nhà Louis Jollet, lấy tên của một nhà thám hiểm Pháp đã tìm ra con sông Mississipi. Xưa kia, Thành phố trên cao là nơi cư ngụ của những người thuộc tầng lớp thượng lưu, còn Thành phố bên dưới là nơi sinh sống của tầng lớp dân thường, những nhà buôn, những người thợ thủ công. Ngày nay, sự khác biệt đó không còn nữa.

Thành phố bên dưới còn náo nhiệt hơn Thành phố trên cao vì hàng quán ở đây nhiều hơn, dân số đông hơn. Con đường chính tại đây có tên là Petit Champlain. Đường nhỏ hẹp, hai bên đường có khoảng 50 nhà hàng, quán ăn, nhưng do xuất hiện ngay từ khi thành phố Québec ra đời năm 1608 nên được xem là trung tâm thương mại cổ xưa nhất ở Bắc Mỹ. 


Xe ngựa chạy trong thành phố cổ 

Từ Thành phố trên cao đi xuống nếu không ngồi ca-bin theo đường ray tuột dốc, du khách có thể đi bộ theo con đường bậc thang có cái tên rùng rợn là Thang gãy cổ. Du khách thường không chọn cách này vì vừa mệt vừa mất thời gian, vào mùa Đông còn dễ trượt ngã.

Xuống bậc cuối cùng của Thang gãy cổ, là lối đi vào đường Petit Champlain, một con đường ngắn nhưng rất đẹp. Từ đó tỏa ra những con đường nhỏ hơn ở hai bên, cũng lát đá, cũng quán cà phê, hiệu bánh, quán ăn, cửa hàng lưu niệm, tất cả đều nho nhỏ xinh xắn, xây dựng theo kiểu những nhà cổ ở châu Âu, với những mái nhà nghiêng có những cửa nhỏ trổ dưới mái nhà.

Ở đầu đường, bỗng xuất hiện một số nhà quý tộc và mệnh phụ phu nhân với những mái tóc giả, những trang phục lộng lẫy của thời phong kiến. Họ vừa đi vừa cất tiếng chào mừng du khách bằng tiếng Pháp, thỉnh thoảng dừng lại để du khách chụp ảnh chung làm kỷ niệm. 

Ở một con đường khác, một nhóm diễn viên ăn mặc theo kiểu nông dân Pháp thời xưa, vừa đẩy một xe chở thùng rượu vang vừa cãi nhau inh ỏi, khiến du khách bật cười và vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt.

Không khí ở thành phố Québec cổ quả thật như trong ngày hội. Từ nhỏ, tôi theo học trường Pháp, tiếp thu nền văn hóa đầy tính nhân văn của nước Pháp, cho nên cái gì có liên quan đến nước Pháp tôi đều cảm thấy rất gần gũi.

Nên với riêng tôi, Québec rất gần gũi. Và so với những thành phố của Canada tôi đã đi thăm (Vancouver, Victoria, Ottawa, Montreal, Toronto), tôi cho rằng Québec là thành phố đẹp nhất. 

Trần Vĩnh An (Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo