Tôi phải lòng nước Anh từ chính thành phố nhỏ mang tên Oxford. Thành phố đầu tiên tôi đến để sinh sống chứ không chỉ đi du lịch nên cảm giác lưu luyến luôn tràn đầy khi nhắc đến. Đến Oxford vào tháng 5, khi vừa sang hạ, tiết trời lạnh lành dễ chịu, hoa cỏ nở khắp nơi làm dịu đi nỗi nhớ nhà của kẻ vừa xa quê.
Nhà ở gần một công viên nhỏ, từ đó đi tắt vào trung tâm rất gần, chỉ mất khoảng mười phút đi bộ. Dù rất nhớ, rất yêu Sài Gòn, nhưng tôi cũng thấy may mắn: từ nay không phải lái xe trong rừng xe máy nữa, mà được đi bộ hoặc đạp xe ung dung ở đây. Từ nhà vào trung tâm phải qua một cây cầu nhỏ bắc qua một đoạn sông cũng nhỏ, có vài cây liễu rủ ven bờ. Nếu không có việc gì vội, tôi hay thơ thẩn ở đây chờ đàn vịt con líu ríu theo mẹ để thả bánh mì xuống cho chúng ăn, đứng dưới tán hoa anh đào lúc nở rộ cách cây cầu một chút, phía sau là những tán lá liễu la đà trên mặt nước, khung cảnh thật thơ mộng.
- Ảnh bên: Càphê ngoài trời và xe đạp ở Oxford.
Thành phố của trường đại học
Nói đến Oxford phải nói đến khuôn viên của các trường đại học. Quẩn quanh trong khu trung tâm, cứ đi vài bước lại thấy một tấm biển nhỏ đề tên một trường đại học. Trường nào cũng có vẻ nhỏ bé, nhưng bước qua cánh cổng vào đến khuôn viên, mới thấy hết vẻ đẹp của nó. Mọi tính từ như uy nghiêm, trầm mặc, cổ kính đều không đủ để diễn tả hết cảm giác của tôi khi lần đầu tiên bước qua cánh cổng vào tham quan. Trường nào cũng có bãi cỏ xanh mượt, mà chỉ có giáo sư mới được đi trên cỏ. Tôi cũng đã đến trường Brasenose nơi hồi xưa Thủ tướng Anh David Cameron theo học. Không xa trung tâm là một công viên rộng lớn tên: công viên đại học (University Parks), nối liền với Christchurch Meadow. Gọi là công viên đại học, nhưng cửa luôn rộng mở cho mọi người. Công viên có nhiều bãi cỏ rộng dài, đủ cho mọi người ngồi rải rác hoặc thành nhóm và nhiều cây cổ thụ vài vòng tay ôm không hết, tán lá rũ xuống tận mặt đất tạo thành… hang động.
Đi sâu vào trong là dòng sông Thames chảy ngang qua thành phố, nơi bạn sẽ thấy mọi người, đa phần là sinh viên đang chèo thuyền vào những ngày hè. Ở một khúc sông khác là địa phận của lũ vịt trời, ngỗng, thiên nga và vô số các loại chim chóc khác đủ màu sắc như một sở thú chim thu nhỏ. Tôi còn nhớ mãi buổi dã ngoại đầu tiên với cô bạn người Malaysia đang làm việc tại Oxford: Trong khi mọi người bày nào bánh mì, xúc xích thịt nguội; tôi và cô bạn với hai đôi đũa khoáy đảo ly mì ăn liền do tự chế biến sẵn ở nhà, đạp xe ra công viên thì vừa đủ thời gian mì nở. Gần gũi với thiên nhiên hiền hoà, cảnh vật thơ mộng, mọi muộn phiền như tan biến.
Oxford có nhiều siêu thị và cửa hàng như mọi thành phố khác ở Anh, nhưng du khách đến Oxford thể nào cũng phải len lỏi vào chợ tham quan. Chợ nằm ngay trung tâm, gồm nhiều cửa hàng nằm liền kề và được sắp xếp như bàn cờ. Đi vòng vòng rất dễ lạc nhưng cũng rất dễ tìm đường ra, nếu bạn để ý quan sát một chút. Có lẽ vậy mà tôi thường thấy các nhóm sinh viên nước ngoài được giáo viên cho chơi trò tìm kho báu trong chợ. Các bạn tay cầm bản đồ, bảng mật mã và tha hồ nhờ dân bản xứ chỉ đường – một cách học tiếng Anh hiệu quả và giúp các bạn dạn dĩ trong giao tiếp. Riêng với tôi, ngôi chợ này là nơi hay lui tới, không chỉ để mua thức ăn, nơi có những người bán thịt, bán cá, hoa quả tuổi trung niên. Họ luôn kiên nhẫn chờ tôi phát âm, diễn tả món muốn mua và luôn làm hài lòng khách dù mua rất ít. Nơi đây còn làm dịu bớt nỗi nhớ ngôi chợ nhỏ mình hay lui tới ở Sài Gòn trong ký ức.
Mẹ và con cùng đến trường ở Oxford.
Không mua vé nghe nhạc, vào bảo tàng…
Ngay giữa trung tâm là toà tháp Carfax (Carfax Tower), nơi du khách có thể leo lên tới đỉnh tháp để nhìn toàn cảnh thành phố, cũng là nơi các nghệ sĩ nghiệp dư biểu diễn vào mỗi cuối tuần. Đa số các nghệ sĩ là người nước ngoài, ông cụ người Trung Hoa với cây đàn bầu tấu những khúc nhạc da diết giữa phố phường đông vui. Anh sinh viên người Peru với cây đàn hạc du dương cùng ánh mắt lấp lánh niềm lạc quan. Nhóm nghệ sĩ người Nga với những cây đàn accordion cùng các cô gái mặc đầm dài nhiều màu sắc nhảy múa tưng bừng nhưng không giấu được ánh mắt đượm buồn của người tha phương cầu thực.
Viện bảo tàng Ashmolean Museum trên đường Beaumont cũng là nơi tôi hay đến trong những ngày đầu rảnh rỗi. Viện trưng bày nhiều tranh, tiền cổ, nhạc cụ và không mất tiền mua vé vào cửa. Tôi đã ngây thơ viết thư cho bạn bè kể rằng, ở đây ngoài tiền thức ăn, mọi thứ đều miễn phí như vào thư viện, công viên và cả viện bảo tàng!
Ngoài ra, vườn hoa Botanic cũng là nơi khiến tôi mê mẩn hàng giờ không muốn ra, với muôn vàn loài hoa lạ từ ôn đới đến nhiệt đới. Và, nơi đây đã giúp hiểu thêm về văn hoá làm vườn của người Anh, vun đắp cho thú đam mê làm vườn của tôi.
Người Oxford hiền hoà, lịch sự mà mình chỉ nhận ra điều này sau nhiều năm tháng sống tại London – nơi mọi người có phần khép kín hơn. Với tâm trạng của một chú ếch mới đi xa, tôi viết thư kể cho mọi người nghe rằng: nước Anh đẹp tuyệt vời và con người thì hữu tình dễ mến, vì cứ nghĩ mọi nơi ở cả đất nước này đều giống như Oxford! Thật không hổ danh là thành phố đại học với bề dày lịch sử đáng tự hào. Chính ở thành phố này, tôi nhận được và học cách nói: cảm ơn – xin lỗi một cách chân thành, không như ở London, đôi khi mọi người chỉ nói cho có lệ.
Mỗi chiều về, hình ảnh cô sinh viên mặc váy đạp xe trong phố với mái tóc tung bay, chồng sách vở trong giỏ xe có gắn hoa, làm lòng mình dịu lại nhớ đến những cô bé trung học trong tà áo dài trắng ở quê nhà.
Oxford là nhịp cầu tiếp nối giữa Sài Gòn và London sôi động, giúp tôi hoà nhập vào một đất nước mới nhưng không có cảm giác xa lạ. Tôi ở Oxford chỉ được một năm, đủ để thấy bốn mùa xuân hạ thu đông đi qua thành phố này với nhiều kỷ niệm gói gọn trong lòng.
Phan Quỳnh Dao - ảnh: Văn Hùng Tiến (SGTT)
- Diving Village - Ngôi làng di sản của Dubai
- Những vườn địa đàng ở Croatia
- Làng Nôm, vẻ đẹp xưa ở Hưng Yên
- Phước Minh Cung ở Trà Vinh
- Những bảo vật ngàn năm ở Nara (Nhật Bản)
- Mặt tiền Belfast
- Florence phục hưng, tỏa sáng
- Madrid - thành phố của cái cũ và mới
- Về Tây Đô thăm vùng đất Long Tuyền
- Làng nổi Kampong Ayer ở Brunei
Lời bình
tin bình luận RSS của chủ đề này