Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Đối thoại Chuyên gia giao thông: Người dân quan tâm sự minh bạch của BOT hơn là câu chữ

Chuyên gia giao thông: Người dân quan tâm sự minh bạch của BOT hơn là câu chữ

Viết email In

Đó là khẳng định của TS. Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia đã có hơn 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu về giao thông. 

Mới đây, Bộ GTVT đã trần tình về việc chuyển từ trạm "thu phí" sang trạm "thu giá". Bộ này khẳng định, tên đầy đủ là “trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ". Khi đổi tên, có một vài trường hợp các nhà đầu tư đã sử dụng tên gọi tắt là “trạm thu giá”. 

Các chuyên gia cho rằng, tên đầy đủ “trạm thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ” vẫn không ổn. Liên quan vấn đề này, phóng viên đã có trao đổi với TS. Nguyễn Xuân Thủy.  


Trạm Dầu Giây vừa được đổi tên.
 (Ảnh: Lê Tuyết) 

Với BOT điều người dân quan tâm là gì?

Nhiều người cho rằng, khái niệm "thu giá” không có gì sai vì tên đầy đủ là “trạm thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ”, việc tách “thu giá” ra khỏi ngữ cảnh để phê phán là không nên. Ông có đồng tình?

TS. Nguyễn Xuân Thủy (ảnh bên): - Theo tôi, tên đầy đủ “trạm thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ” không ổn vì khái niệm này rất mông lung, không phù hợp với sự hiểu biết của đa số người dân. Phải nhận định rằng, "giá" được hiểu là giá cả, không thể "thu giá". Còn thu một khoản tiền nào đó gọi là "thu phí". Bạn sử dụng dịch vụ đường bộ thì bạn phải trả phí cho dịch vụ này. Mức phí có thể thấp hoặc cao phụ thuộc vào việc giá được ấn định như thế nào. 

Cách gọi "thu giá" hay kể cả "thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ" đánh đố người dân và đánh tráo khái niệm.

Theo ông, điều người dân quan tâm về BOT có phải việc sử dụng khái niệm "thu giá" hay "thu phí" để phù hợp?

- Thông thường, người dân không mấy quan tâm đến khái niệm, chữ nghĩa. Điều mà họ cần biết là phí BOT có phù hợp, đã đặt đúng chỗ, đúng với các chi phí qua tính toán không...?

Người dân quan tâm sự minh bạch, tính đúng đắn và chính xác của BOT hơn là thứ ngữ nghĩa. Tôi cho rằng, BOT phải thu theo ETC (thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng). Việc này làm càng sớm càng tốt.

Ngoài ra, thương mại hóa giao thông cũng là vấn đề đáng chú ý. Tôi lấy ví dụ, trên một tuyến đường từ A-B, nếu có 2 đường thì nhà đầu tư sẽ làm một tuyến đường tốt hơn, đặt trạm BOT, ai có tiền đi đường đó. Song vẫn phải có đường khác cho người dân, phục vụ công cộng. Đường phục vụ giao thông là chính, không phải để thu tiền.

Những vấn đề "nóng" chất vấn Bộ trưởng

Trong tuần tới, các đại biểu Quốc hội sẽ chọn 4 nhóm vấn đề để chất vấn, tương ứng với 4 Bộ trưởng trả lời gồm: Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và xã hội. Ông kỳ vọng gì về phiên chất vấn của Bộ trưởng GTVT?

- Tôi được biết, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể sẽ trả lời về giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhất là tại các thành phố lớn. Giải pháp xử lý triệt để những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Đây đều là những vấn đề rất "nóng".

Theo tôi, chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng GTVT phải trình bày những vấn đề mang tính chiến lược và tầm nhìn, không phải những vấn đề nhỏ nhặt.  

Hệ thống giao thông Việt Nam hiện có 5 loại hình đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển và đường hàng không. Hiện nay, chúng ta chưa tận dụng được lợi thế của đường sông, đường biển.

Hai loại hình này có chi phí vận chuyển rất thấp. Trong khi đó, Nhà nước lại xây dựng quá nhiều đường bộ, "ngốn" tiền lớn, chi phí vận chuyển cao. Ví dụ, một tấn hàng hóa vận chuyển từ Cà Mau ra Hà Nội, đi bằng đường bộ đắt gấp 3-4 lần đường biển.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT phải có phương án nâng cấp đường sắt, càng nhanh càng tốt, và không nên đợi, rồi phụ thuộc đường sắt cao tốc. Việc nâng cấp đường sắt để giảm bớt tai nạn, tăng lượng hàng hóa vận chuyển, giảm giá thành, giảm bớt container chạy từ Bắc vào Nam.

Vấn đề nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông (nhất là ở khu vực đô thị) để giảm ùn tắc, tai nạn cũng rất quan trọng. Đừng đổ tội cho người tham gia giao thông ý thức kém. Ý thức của người dân không tệ chút nào, chỉ là hạ tầng hạn chế, đường quá chật, dẫn đến những bức xúc của người dân phải chen lấn để di chuyển.

Còn những giải pháp xử lý triệt để những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT thì sao, thưa ông?

- Quan điểm của Bộ GTVT là từ hai đường trở lên mới được đặt trạm BOT. Đặt trạm phải phù hợp, đúng điểm, phí trả để qua trạm không được "trên trời".... Quan điểm này rất tốt nhưng thực tiễn triển khai không được bao nhiêu. Giống như trạm BOT Cai Lậy, người dân bức xúc vì xây đường này nhưng đặt trạm ở chỗ khác, không hợp lý.

Như đã nói, trong năm nay (2018), Bộ GTVT phải hoàn thành các trạm thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng. Làm được điều này sẽ minh bạch hóa vấn đề thu phí, giảm ùn tắc giao thông. 

Cường Ngô thực hiện 

(Lao Động) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2837 khách Trực tuyến

Quảng cáo