"Sự tồn tại của phố cổ Hà Nội là một tất yếu khách quan, nếu như không có phố thì không còn là Hà Nội" - lúc đương chức, Chủ tịch UBND TP Hoàng Văn Nghiên đã kết luận như vậy trong cuộc họp bàn về phố cổ. Vì vậy, dãn dân phố cổ là đề tài rất được quan tâm, không chỉ với người dân ở đây, mà với người dân cả nước.
Xung quanh nội dung này, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm - Trưởng Ban quản lý phố cổ Hoàng Công Khôi (ảnh bên) đã trao đổi với báo chí.
- Thưa ông, đâu là lý do khiến 11 năm trôi đi kể từ khi bắt đầu có văn bản chấp thuận đề án dãn dân, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được?
- Đây là vấn đề hết sức nhạy cảm, động chạm đến nơi ở của các hộ dân, đặc biệt đây là khu vực người ta ở đã rất lâu và cũng là nơi mưu sinh của họ, do đó phải hết sức thận trọng. Mặt khác, tính chủ động của lãnh đạo quận chưa thực sự cao. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng của thành phố chưa tốt, trong đó đơn vị được giao làm chủ đầu tư triển khai xây dựng khu nhà tái định cư cũng chậm. Ngoài ra, rất nhiều số nhà có rất nhiều hộ cùng chung sống, hoặc một phòng có khi rất nhiều thế hệ cùng ở, đó là yếu tố khó khăn khi giải quyết...
Tuy nhiên, hiện đã có các yếu tố thuận lợi hơn rất nhiều. Trước hết, lãnh đạo TP chỉ đạo nội dung này rất quyết liệt. Bí thư Thành uỷ Phạm Quang Nghị, Chủ tịch UBND TP đã xuống quận vài lần để nghe và cho ý kiến chỉ đạo trực tiếp, cụ thể về việc dãn dân phố cổ. Do đó, những năm gần đây quận coi đây là một trong những việc cần tập trung giải quyết. Mặt khác, quận hiện cũng đã nhận được 11,12ha đất ở khu Việt Hưng, quận Long Biên để xây nhà tái định cư. Ban quản lý phố cổ đã có những nghiên cứu rất cơ bản về nguyện vọng của người dân khi đi, những ai cần phải đi hoặc tự nguyện đi...
- Ông có thể nói cụ thể hơn với những trường hợp nào sẽ được dãn dân trong đợt đầu tiên và khi nào có thể triển khai?
- Vì quỹ đất đã có cũng chỉ rất hạn hẹp, với diện tích 11,12ha đất cũng chỉ có thể giải quyết được khoảng 1.800 hộ (khoảng 10% dân phố cổ), nên chúng tôi ưu tiên dành đất dãn dân với một số đối tượng sau:
Thứ nhất là diện những người có nhu cầu muốn di dời (theo khảo sát, có khoảng 1.600 hộ). Nhằm đảm bảo mục đích dãn dân, khi đi thì họ có quyền chuyển nhượng cho người hàng xóm, người trong khu phố cổ và không được nhượng cho người khu khác;
Thứ hai là các hộ dân sống trong các di tích, trong cơ quan, trường học là diện buộc phải ra đi (tổng cộng khoảng 230 hộ). Những trường hợp này TP sẽ giải phóng mặt bằng (GPMB) bằng các quyết định thu hồi đất, còn chế độ, chính sách thực hiện theo các quyết định của Nhà nước, của TP khi GPMB. Ngoài ra, theo khảo sát của Ban quản lý phố cổ, hiện có 109 hộ có nhà thuộc diện nguy cơ sụp đổ. Đây cũng thuộc diện cần di dời ngay trong đợt đầu.
- Khó nhất hiện nay của công tác này là gì và ông có đề xuất gì với TP không?
- Khó nhất là vấn đề kinh phí. Theo dự toán, để di dời khoảng gần 2.000 hộ và xây dựng các nhà chung cư để tái định cư cho họ phải cần khoảng 4.000 tỉ đồng. Đồng thời, giá nhà tái định cư sao cho người dân có thể chấp nhận được. Để khắc phục, chúng tôi cũng đã đề nghị TP cho phép xã hội hoá việc xây dựng nhà tái định cư để tính giá đảm bảo kinh doanh chứ không tính lãi. Muốn vậy, cần có cơ chế cho những đơn vị đồng ý nhận thầu như các công trình xây chung cư cho người nghèo.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đề xuất chỉnh sửa lại quy hoạch 1/500 ở khu tái định cư. Nội dung, đề nghị tất cả quỹ đất (11,12ha) để xây nhà chung cư chứ không xây biệt thự, nhà liền kề như quy hoạch cũ vì quỹ đất hạn hẹp. Và vì dân phố cổ phần lớn kiếm sống nhờ buôn bán, nên chúng tôi cũng đề nghị xây những trung tâm thương mại để họ có thể làm ăn ngay tại nơi ở mới.
Đồng thời, để đảm bảo dãn dân các giai đoạn sau, chúng tôi cũng đang đề nghị TP tiếp tục cấp khu đất tái định cư. Hiện Bí thư Thành uỷ và Chủ tịch UBNDTP đã chấp thuận và chỉ đạo các cơ quan chức năng để thực hiện đề nghị này.
- Theo kế hoạch, đến khi nào dự án này mới được triển khai?
- Hiện chúng tôi đã trình dự án lên thành phố để các sở, ban, ngành xem xét, cho ý kiến và thành phố sẽ có có quyết định cuối cùng. Song song với quá trình chờ đợi TP phê duyệt, chúng tôi đã mời một số đơn vị tham gia thiết kế và tư vấn thiết kế. Sau đó, chúng tôi sẽ tổ chức thi tuyển các thiết kế này. Dự kiến, quý IV/2010 sẽ khởi công xây dựng nhà tái định cư ở khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên.
- Xin cảm ơn ông!
Duy Hưng (ghi)
>>
- Sẽ hoàn thành một loạt dự án nhà ở xã hội trong năm nay
- KTS Phạm Cương: "Chưa có môn học phong thủy là thiệt thòi cho sinh viên kiến trúc"
- Tín dụng bất động sản tại Hà Nội thấp “đáng ngạc nhiên”
- Đề án Quy hoạch Thủ đô chưa đáp ứng được nhịp sống của dân cư đô thị
- Hà Nội: “Các khu đô thị thực hiện sai qui hoạch sẽ phải sửa”
- Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo: Quy hoạch Hà Nội hiện đại, có bản sắc
- “Không cưỡng chế” dân phố cổ sang khu đô thị mới
- TS. Khuất Việt Hùng: "Không nên phá bỏ kiến trúc cây cầu biểu tượng thủ đô"
- Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc: "Tôi tán thành việc dỡ đường sắt khỏi cầu Long Biên"
- Quy hoạch đô thị: Bám riết tư duy đã bị phủ nhận