Nhân dịp năm mới 2012, Năm An toàn giao thông Quốc gia, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng đưa ra cách nhìn khác về giao thông khi cho rằng nên chống ùn tắc giao thông bắt đầu bằng chính công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch.
Nguyên nhân từ chính quy hoạch
Ông nhìn nhận thế nào về nguyên nhân ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội, TPHCM?
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng (ảnh bên): - Tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra do nhiều nguyên nhân, cần phải được xem xét trên các khía cạnh về tổ chức giao thông (mạng lưới giao thông, công trình đầu mối…), tổ chức vận tải và quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông, nhưng nguyên nhân cơ bản là do tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông rất thấp như ở Hà Nội và TPHCM chỉ đạt 6-8% trong khi đó, theo quy định đối với đô thị đặc biệt phải đạt 20 – 26%...
Ngoài ra, còn phải kể đến các nguyên nhân như dân cư đô thị tập trung quá cao ở khu vực trung tâm; tổ chức mạng lưới giao thong còn bất cập như thiếu các đường vành đai, đường tránh qua đô thị lớn, các tuyến xuyên tâm chưa được đầu tư hoặc đầu tư chưa đảm bảo yêu cầu; thiếu phương thức vận chuyển hành khách khối lượng lớn như tàu điện ngầm, monorail… Mặt khác, việc quản lý phát triển nhà cao tầng trong khu vực nội đô còn hạn chế, chưa đồng bộ với phát triển giao thông.
Dư luận cho rằng, hai thành phố lớn nhất nước chưa quan tâm đúng mức việc giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông?
- Vừa qua, thành phố Hà Nội và TPHCM tập trung thực hiện nhiều giải pháp ngắn hạn, có tác dụng tích cực như tổ chức giao thông vận tải (phân luồng, phân làn, phát triển xe buýt), tổ chức các nút giao thông, thay đổi giờ làm việc, hạn chế phương tiện cá nhân… nên vấn đề ùn tắc ở hai thành phố đã được kiềm chế.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, do sự gia tăng của các phương tiện cá nhân, đặc biệt là ô tô, trong khi hạ tầng giao thông phát triển chậm hơn nên tình trạng ùn tắc giao thông là khó tránh khỏi. Chúng ta phải có kế hoạch dài hạn để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông và đòi hỏi sự quyết tâm cao của Nhà nước, xã hội và của người dân mới có thể giải quyết được.
Cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về quy hoạch, kế hoạch đầu tư, cơ chế chính sách, bố trí các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông… để giải quyết hiệu quả tình trạng ùn tắc giao thông. Đây không phải là nhiệm vụ riêng của ngành giao thông mà cần có sự chung tay của các Bộ ngành liên quan và chính quyền các địa phương.
Bộ Xây dựng sẽ có giải pháp gì để chia sẻ khó khăn cùng các địa phương này ?
- Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà chúng ta sẽ triển khai là tổ chức thực hiện Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị quốc gia đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050; phát triển các đô thị hài hòa giữa các vùng miền và cả nước để giảm áp lực gia tăng dân số về các đô thị trung tâm; điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội, vùng TPHCM phát triển theo mô hình chùm đô thị, đô thị đối trọng...
Xây dựng kế hoạch thực hiện theo các giai đoạn hằng năm, 5 năm, 10 năm…; lựa chọn các dự án quan trọng để ưu tiên đầu tư như hệ thống giao thông kết nối toàn vùng, các đường tránh, đường vành đai, đường xuyên tâm, đường trên cao, đường ngầm, nút giao thông; bãi đỗ xe ngầm và nổi…
Ngoài ra, Bộ sẽ cùng các bộ ngành liên quan sớm ban hành cơ chế, chính sách về tài chính, đất đai và đầu tư xây dựng để thực hiện lộ trình di dời các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi nội thành...
Bên cạnh đó, cần có các giải pháp để khống chế mật độ cư trú, hệ số sử dụng đất, tầng cao, mật độ xây dựng; kiểm soát quy mô các bệnh viện trong khu vực đô thị trung tâm; di dời các trụ sở cơ quan Trung ương ra ngoài khu vực trung tâm đô thị theo quy hoạch; ban hành quy định về chỗ đỗ xe đối với các công trình cao tầng; cải tạo khu vực chung cư cũ theo hướng dành thêm diện tích cho không gian mở, đường giao thông.
Ùn tắc giao thông hiện diễn ra ngay tại các khu vực ngoại ô, những khu đô thị được cho là hiện đại… Có ý kiến cho rằng đây là hệ quả của công tác quy hoạch manh mún, chắp vá do doanh nghiệp tự làm và thiếu sự đồng bộ?
- Đúng là hiện nay có không ít khu đô thị mới còn thiếu đồng bộ, đặc biệt hạ tầng xã hội, cư dân tại các đô thị này vẫn phải vào khu vực đô thị trung tâm để sử dụng dịch vụ hạ tầng xã hội, dẫn đến giao thông con lắc, nên càng tăng áp lực cho hệ thống giao thông của đô thị.
Việc hình thành không ít khu đô thị thời gian qua còn mang tính tự phát, còn bị động theo nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp, chưa tuân thủ quy hoạch, thiếu định hướng tổng thể của cơ quan quản lý nhà nước. Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Xây dựng đang chủ trì xây dựng Nghị định về quản lý đầu tư phát triển đô thị nhằm tăng cường sự kiểm soát của nhà nước trong phát triển đô thị.
Theo ông, trong công tác quy hoạch sắp tới tại Thủ đô, Bộ sẽ đưa ra những giải pháp gì để khắc phục những hạn chế này?
- Bộ Xây dựng sẽ cùng Hà Nội kiểm soát việc lập các quy hoạch này theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn và những yêu cầu được xác định trong Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong đó đã xác định rõ tỷ lệ đất giao thông khu vực đô thị trung tâm chiếm 20 - 26% đất xây dựng đô thị; tỷ lệ đất giao thông các đô thị vệ tinh chiếm 18 - 23% đất xây dựng đô thị; đô thị trung tâm được liên kết với đô thị vệ tinh bằng các loại phương tiện vận tải hành khách công cộng; các tuyến đường vành đai, xuyên tâm được hoàn thiện. Tăng cường hệ thống bãi đỗ xe ngầm tại các công viên, vườn hoa, các tổ hợp công trình quy mô lớn.
Quản chặt nhà cao tầng ở nội đô
Quyết định 108/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chỉ ra 4 quận nội thành Hà Nội phải giữ mật độ dân số 80 vạn, nay sau 13 năm, dân số 4 quận nội thành đã lên 120 vạn. Ở đây có câu chuyện quy hoạch chưa được tuân thủ?
- Đây chính là những hạn chế trong quản lý đô thị của chúng ta cũng như Hà Nội nói riêng. Việc quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt còn chưa được coi trọng, hay nói cách khác việc thực hiện quy hoạch chưa nghiêm. Thời gian tới, việc kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch là nhiệm vụ trọng tâm của các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương và của cả người dân.
- Ảnh bên: Cảnh tắc đường thường thấy ở Hà Nội (Ảnh: Hồng Vĩnh)
Hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp được di dời khỏi khu vực trung tâm, tuy nhiên tại đây lại được nhồi thêm rất nhiều khu nhà cao tầng, làm tăng mật độ đô thị. Ông có suy nghĩ gì?
- Việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm ra khỏi khu vực trung tâm là một chủ trương đúng, nhằm tạo ra quỹ đất dành để phát triển các khu chức năng của đô thị, được gọi là tái thiết đô thị. Tuy nhiên, việc xác định chức năng sử dụng, tầng cao, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất phải được tính toán rất kỹ từ bài toán quy hoạch.
"Đối với vùng Thủ đô Hà Nội, hình thành các đô thị đối trọng trong vùng như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hoà Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Thái Nguyên; hình thành các đô thị vệ tinh như Hoà Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sóc Sơn. Với vùng TPHCM, hình thành các đô thị đối trọng như Bình Dương, Nhơn Trạch, Phú Mỹ, Vũng Tàu, Biên Hoà, Long Thành…); hình thành các khu đô thị Nam Sài Gòn, Tây Bắc Củ Chi, Hiệp Phước - Nhà Bè…”- Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng. |
Giá trị đất tại các khu vực trung tâm là rất lớn, nhưng cũng phải đảm bảo khả năng đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của đô thị. Như vậy, chúng ta phải tính toán rất kỹ từ điều kiện của hạ tầng để đề xuất giải pháp quy hoạch phù hợp, đồng thời phải khống chế được quy mô dân số của những khu đất tái phát triển.
Ví dụ, trong điều kiện diện tích đường giao thông hiện nay còn thấp, ngoài việc dành quỹ đất phát triển nhà ở, công trình thương mại, chúng ta phải ưu tiên dành quỹ đất cho không gian xanh, đường giao thông, bãi đỗ xe, công trình công cộng…; đồng thời với việc kiểm soát mật độ xây dựng, tầng cao, hệ số sử dụng đất theo đúng quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết được duyệt.
Tại nhiều khu đô thị mới, khi dự án còn đang dang dở đã lại được điều chỉnh quy hoạch theo hướng tăng mật độ xây dựng, tăng tầng cao, giảm diện tích kết cấu hạ tầng xã hội... làm cho đô thị ngày thêm ngột ngạt, ùn tắc trầm trọng?
- Hiện nay, không phải tất cả quy hoạch đều có chất lượng tốt, dẫn đến phải điều chỉnh. Tuy nhiên, cũng có những nơi điều chỉnh quy hoạch còn tùy tiện, cần phải chấn chỉnh. Vì vậy, phải tăng cường quản lý, kiểm soát việc thực hiện quy hoạch, trong đó phải giám sát các chỉ tiêu về diện tích đường, đất cây xanh công viên, trường học, nhà trẻ...
Cảm ơn ông.
Phùng Sưởng (thực hiện)
[ Chuyên đề: Giao thông đô thị ]
- Ông Nguyễn Bá Thanh: Đà Nẵng không “cấm cửa” dân nhập cư
- Luật sư Trần Hữu Huỳnh: "Cần sớm sửa Luật đất đai"
- Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt nói về Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng
- PGS.TS Nguyễn Văn Thụ: "Việc thu phí lưu hành phương tiện cá nhân hoàn toàn không khả thi"
- Thay đổi quan điểm về thu hồi đất
- Năm 2012, bất động sản chuyển từ phân khúc giá cao sang giá thấp
- Bộ trưởng Xây dựng: 2012, bất động sản tiếp tục khó khăn
- Quy hoạch điểm đỗ: "loạn" vì lúng túng trong quản lý
- Hướng tới đô thị... đi bộ
- Tìm hiểu về kiến trúc và nội thất ngôi nhà Nhật Bản