Những ngày đầu tháng 5 vừa qua, đoàn phóng viên truyền hình của Cơ quan Quan hệ công Thái Lan, đơn vị truyền thông chính thức của Chính phủ Thái Lan, đã có chuyến đi thực tế để thực hiện các tác phẩm giới thiệu hình ảnh của thành phố Đà Lạt đến người dân Thái Lan.
Bà Siriwan Dampreeda, Trưởng Ban quan hệ Quốc tế, trưởng đoàn phóng viên Thái Lan, nhận xét rằng ấn tượng đầu tiên khi đến Đà Lạt đó chính là khí hậu rất dễ chịu, cơ sở hạ tầng rất tốt cùng với không gian yên tĩnh và sạch đẹp. Theo bà, đây là những điều kiện lý tưởng để Đà Lạt phát triển mạnh hoạt động du lịch, nhất là các sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp.
Sân Golf Đà Lạt. (nguồn: baolamdong.vn)
"Tiềm năng du lịch của Đà Lạt rất lớn nhưng việc quảng bá thành phố này ở nước ngoài vẫn còn hạn chế. Ngay tại Thái Lan, nhiều công ty du lịch mở tour cho khách đến Việt Nam hầu hết đều chỉ nhắc đến Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang hay Đà Nẵng chứ rất ít khi đề cập đến Đà Lạt. Chính quyền địa phương nên tăng cường hơn nữa kênh thông tin quảng bá hình ảnh của thành phố xinh đẹp này tại nước ngoài", bà Siriwan khẳng định.
Được khai phá bởi người Pháp, từ lâu Đà Lạt được mệnh danh là “xứ lạnh” ở đất nước nhiệt đới Việt Nam. Sân golf đầu tiên của Việt Nam, Dalat Palace hay còn gọi là sân Đồi Cù, cũng được xây dựng tại thành phố này từ năm 1922. Được xây dựng để phục vụ vị Hoàng đế cuối cùng Việt Nam - Bảo Đại, Dalat Palace là sân golf lâu đời nhất đất nước, nằm trong khuôn viên 1.500 m2 giữa trung nguyên mát mẻ của Đà Lạt. Gần đây, Dalat Palace được công nhận là sân golf có kiến trúc đẹp nhất Việt Nam trên 2 tạp chí Asian Golf Monthly và Golf Digest (Mỹ).
Không có gì khó hiểu khi vua Bảo Đại quyết định xây sân golf ở Đà Lạt. Từng là người dành nhiều thời gian ở các nước phương Tây, vua Bảo Đại đã quen với khí hậu ôn đới mát mẻ và bị chinh phục bởi golf, môn thể thao của những người giàu có. Phải công nhận rằng khí hậu Đà Lạt có nhiều nét tương đồng với xứ ôn đới, rất thích hợp để nghỉ dưỡng. Chọn Đà Lạt làm nơi xây sân đánh golf cho mình, vua Bảo Đại đã chọn đúng nơi lý tưởng nhất để giải trí và thư giãn.
Thực tế, Việt Nam sở hữu cảnh quan tự nhiên tuyệt vời vốn lý tưởng để phát triển sân golf. Theo dự báo, golf sẽ tiếp tục phát triển ở tốc độ tương đương với sự mở rộng của tầng lớp trung lưu Việt Nam. Từ năm 2008, Việt Nam đã được bình chọn là điểm đến du lịch golf nhiều tiềm năng. Đến năm 2012, Việt Nam chính thức trở thành điểm đến du lịch golf tốt nhất ở Đông Nam Á, theo bình chọn của Hiệp hội các Nhà Điều hành Du lịch Golf Quốc tế.
Trở lại với Đà Lạt, không phải tự nhiên mà tỉnh Lâm Đồng vừa qua đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cho mở đường bay quốc tế Đà Lạt - Singapore. Bên cạnh việc thúc đẩy hoạt động xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, thu hút du khách chơi golf quốc tế cũng là một định hướng đang được tỉnh này nhắm đến. Ông Tang Kay Hwa, Giám đốc Điều hành Centurion Properties (Singapore), nhân vật nhiệt tình hỗ trợ tỉnh Lâm Đồng trong hoạt động kêu gọi mở đường bay đến Singapore, là một người rất háo hức với hướng đi mới của thành phố Đà Lạt.
Tại Đà Lạt, Centurion Properties đang đầu tư vào dự án sân golf quốc tế mang tên Dalat at 1200, có tổng diện tích 650 ha và dự kiến sẽ được khánh thành giai đoạn 1 và đi vào hoạt động trong năm 2015.
“Dự án bao gồm một sân goft 18 lỗ tiêu chuẩn thế giới, nhà câu lạc bộ (clubhouse) có diện tích 6.500 m2. Đây sẽ là điểm đến đầu tiên trong hệ thống Asian Tour Destinations, nơi mà các tay golf đẳng cấp thế giới tập luyện trong và sau các chuyến thi đấu, đồng thời sẽ trở thành một dự án thu hút nguồn khách du lịch golf đang tăng nhanh tại châu Á”, đại diện Centurion Properties chia sẻ.
Thực tế, người Hàn Quốc, Nhật và các nước khác trong khu vực vẫn đang là đối tượng khách hàng chủ yếu tại các sân golf Việt Nam. Du lịch golf là ngành công nghiệp toàn cầu trị giá đến 50 tỉ USD. Tuy nhiên, muốn thu hút được người chơi golf ở khắp nơi trên thế giới thì cần nhất vẫn là đầu tư cơ sở hạ tầng như đường cao tốc, sân bay và tần suất các chuyến bay đến những địa điểm có sân golf tại Việt Nam.
Rõ ràng, Đà Lạt sở hữu những điều kiện tự nhiên rất phù hợp cho nghỉ dưỡng, du lịch và golf. Tất cả những gì mà địa phương này còn thiếu là hạ tầng và đường bay quốc tế thuận tiện cho du khách nước ngoài. Không để chậm trễ, từ cuối năm 2009, sân bay Liên Khương đã được tỉnh Lâm Đồng nâng cấp với 2 nhà ga quốc tế và quốc nội riêng biệt, có khả năng đáp ứng 1,5 - 2 triệu khách mỗi năm. Với sự xuất hiện của các nhà đầu tư du lịch nước ngoài, tỉnh Lâm Đồng cũng đang thực hiện nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối Liên Khương - Đà Lạt.
Sau gần 100 năm, tiềm năng phát triển golf của Đà Lạt đang dần được hiện thực hóa thành một ngành công nghiệp đầy tiềm năng. Với golf, Đà Lạt hy vọng sẽ có thể sánh vai với những thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển mạnh mẽ.
Hòa Thuận (Nhịp cầu đầu tư)
- Dân nhà nghèo ngấm cái khổ ở chung cư giá rẻ
- Hội An và bài toán bảo tồn di tích
- Hà Nội khôi phục không gian kiến trúc phố nghề Lãn Ông
- Ngầm hóa lưới điện và dây thông tin: Mỹ quan đô thị từ bài học xã hội hóa
- Kỳ vọng Luật đầu tư công
- Đời sống thời bao cấp: Nhà tập thể
- 500 tấn rác y tế thải ra mỗi ngày đang "đi" về đâu?
- Chính phủ bác một nửa số đề xuất của Bộ Xây dựng, vì sao?
- Chợ Bến Thành tròn 100 tuổi
- Chậm như... metro