Việc Chính phủ Nhật Bản vừa quyết định tạm dừng giải ngân cho Dự án Đường sắt đô thị TP. Hà Nội, tuyến số 1, giai đoạn I đang thu hút sự quan tâm của dư luận, trong đó có cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế đang hỗ trợ vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam.
Quyết định đáng tiếc này được Chính phủ Nhật Bản đưa ra sau nghi án một số quan chức ngành đường sắt nhận 16 tỷ đồng từ Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản để giúp nhà thầu này thắng thầu gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn cho Dự án.
Cách đây 6 năm, sau vụ nhận hối lộ để thắng thầu liên quan tới Công ty tư vấn Thái Bình Dương - PCI (Nhật Bản) tại Dự án Đại lộ Đông Tây TP.HCM, Chính phủ Nhật Bản đã tạm dừng giải ngân 3 tháng (từ tháng 12/2008 đến tháng 3/2009).
Có một điều giống nhau là, cả hai vụ việc nói trên liên quan đến nguồn vốn ODA của Nhật Bản đều được phát hiện từ tài liệu do phía Nhật Bản cung cấp.
Nghi án đưa nhận hối lộ của ngành đường sắt đang được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
Mặc dù vậy, việc Chính phủ Nhật Bản tạm dừng giải ngân cho Dự án Đường sắt đô thị TP. Hà Nội cho thấy, chống tham nhũng là điều kiện tiên quyết đối với quá trình tiếp nhận và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA.
Mặc dù trong những năm qua, Việt Nam đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp phòng, chống tham nhũng, trong đó có việc công khai, minh bạch trong quản lý vốn, đầu thầu, nhưng lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản vẫn là một “điểm nóng”, vẫn còn không ít kẽ hở.
Thực tế trên đòi hỏi, cùng với việc nhanh chóng điều tra đưa ra xét xử một cách nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật tại vụ án JTC, việc tìm ra những giải pháp ngăn chặn hữu hiệu, không để tái diễn vụ việc tương tự là điều kiện tiên quyết để Nhật Bản sớm nối lại việc giải ngân vốn cho Dự án Đường sắt đô thị TP. Hà Nội.
Hiện phía Việt Nam đang tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan của Nhật Bản để nghiên cứu đề xuất sửa đổi cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo quản lý chặt các dự án ODA, tránh để xảy ra vụ việc như trên. Quốc hội cũng đang ban hành Luật Đầu tư công nhằm ngăn ngừa, hạn chế tiêu cực trong các dự án sử dụng vốn nhà nước, trong đó có vốn vay.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng đã khẳng định sẽ không có bất cứ vùng cấm vào trong quá trình xử lý các vụ việc tham nhũng. Việc 6 quan chức ngành đường sắt đã bị tạm giữ vì nghi ngờ liên quan đến vụ việc, bao gồm nguyên Phó tổng giám đốc Đường sắt Việt Nam Trần Quốc Đông và nguyên Trưởng ban Quản lý dự án đường sắt ông Trần Văn Lục đã cho thấy điều đó.
Dư luận cả nước và cộng đồng nhà tài trợ quốc tế đang theo dõi sát cách xử lý vụ việc của Việt Nam. Nếu hành động quyết liệt thì sẽ không quá khó và quá lâu để đưa vụ việc ra ánh sáng. Đây không chỉ là câu chuyện buộc một cá nhân, tập thể nào đó phải chịu trách nhiệm, mà còn là uy tín của quốc gia trong mắt cộng đồng quốc tế.
Anh Minh
- Tràng An trở thành Di sản thế giới: Bắt đầu "bài toán khó" thứ hai
- Giật mình với “6 không”!
- Thầu xây dựng: Chọn sai nên phải xử?
- Đôi điều về buýt nhanh
- Công trình Nha Địa dư quốc gia (Xí nghiệp bản đồ Đà Lạt)
- Dân nhà nghèo ngấm cái khổ ở chung cư giá rẻ
- Hội An và bài toán bảo tồn di tích
- Hà Nội khôi phục không gian kiến trúc phố nghề Lãn Ông
- Ngầm hóa lưới điện và dây thông tin: Mỹ quan đô thị từ bài học xã hội hóa
- Kỳ vọng Luật đầu tư công