Ashui.com

Saturday
Nov 30th
Home Tương tác Góc nhìn Kỳ vọng Luật đầu tư công

Kỳ vọng Luật đầu tư công

Viết email In

Với đầu tư công hiện nay, thực tế cho thấy nhiều bộ, ngành, địa phương quyết định chủ trương đầu tư nhiều công trình quy mô gấp đôi, gấp ba yêu cầu sử dụng, gây lãng phí lớn và bức xúc dư luận xã hội. 

Tôi lấy ví dụ: theo quy hoạch, nước ta hiện có đến 266 cảng biển các loại, 22 sân bay (trong đó có 8 sân bay quốc tế), 15 khu kinh tế, 28 khu kinh tế cửa khẩu, 260 khu công nghiệp và 650 cụm công nghiệp với với tổng mức đầu tư lên tới gần 444.000 tỷ đồng trong khi nền kinh tế nước ta có quy mô GDP chỉ hơn 100 tỷ USD. Ở nhiều địa phương, có sân bay thỉnh thoảng mới đón một chuyến bay, nhiều cảng chỉ hoạt động 10% - 20% công suất… nhưng đầu tư một số vốn rất lớn – có khi cả nghìn tỉ đồng. Không ít địa phương xây dựng trụ sở nguy nga như cung điện. Không chỉ trụ sở UBND tỉnh, tỉnh ủy, mà trụ sở các sở, ban, ngành cũng rất hoành tráng. Điều này dẫn đến hệ quả là cả xã hội đang lãng phí và sử dụng không hiệu quả hàng trăm ngàn tỷ đồng.  

Nguyên nhân của tình trạng này là do hệ thống pháp luật quản lý đầu tư công chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, thiếu các chế tài và biện pháp quản lý, giám sát, nên đã phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế; đầu tư còn dàn trải, phân tán, kế hoạch đầu tư bị cắt khúc ra từng năm, hiệu quả đầu tư kém... Cùng với đó, việc quản lý đầu tư công hiện nay được quy định rải rác trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau như: Luật Ngân sách nhà nước năm 2003, Luật Xây dựng năm 2003, Luật Đầu tư năm 2005… Đi kèm theo là các văn bản hướng dẫn, các quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành... 

Trong bối cảnh đó, Dự thảo Luật Đầu tư công có thể trình Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ họp tới được xem là bước đi quan trọng trong việc “siết” lại hoạt động đầu tư vốn còn nhiều bất cập, khắc phục tình trạng lãng phí, kém hiệu quả trong đầu tư công. Thế nhưng, để khắc phục căn bản những tồn tại hiện nay trong đầu tư công, cần phải tách bạch được ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Cụ thể, đối với từng dự án cần phải xác định rõ phải dung nguồn vốn từ ngân sách nào: Dự án lớn, quan trọng thuộc nhóm A do Trung ương xem xét, dự án nhỏ hơn thuộc nhóm B do địa phương quyết định… thì cần phải xác định rõ là phải sử dụng ngân sách nào: quốc gia, trung ương hay địa phương. Nếu tách bạch được vấn đề này sẽ hạn chế rất nhiều tình trạng việc các địa phương chạy ra trung ương xin vốn, hình thành cơ chế xin - cho.

Cùng với đó, Dự thảo Luật Đầu tư công cần quy định cụ thể trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong đầu tư công theo hướng, Chính phủ chỉ quyết định chủ trương đầu tư, danh mục đầu tư, còn quyết định đầu tư cụ thể từng dự án, cần phải giao cho cá nhân chịu trách nhiệm. Đồng thời, để phòng ngừa việc chủ đầu tư và DN tư vấn bắt tay nhau, nâng đơn giá lên gấp 2-3 lần so với giá trị thực tế, dự thảo Luật Đầu tư công sẽ phải làm rõ trách nhiệm của đơn vị tư vấn, cùng với chủ đầu tư và ban quản lý để răn đe, truy cứu trách nhiệm và phòng ngừa sai phạm. Ngoài ra, để hạn chế sự lãng phí, tham nhũng và hiệu quả đầu tư thấp cần phải nâng cao tiếng nói, sự tham gia và giám sát của cộng đồng. Nếu vai trò của cộng đồng, của người dân không được phát huy trong các dự án đầu tư công thì các biện pháp chính sách sẽ khó phát huy tác dụng. Nếu cần thiết, có thể nghiên cứu thành lập cơ quan giám sát, đánh giá đầu tư độc lập từ trung ương đến địa phương.

Lý Đình Quân - Tổng giám đốc Cty CP SQ VN, Giám đốc TT Hỗ trợ và phát triển DNNVV TP Đà Nẵng 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...