Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tương tác Góc nhìn Những "quả bom nước" trên nóc nhà cao tầng

Những "quả bom nước" trên nóc nhà cao tầng

Viết email In

Với trọng lượng hàng nghìn cân, được lắp đặt tự phát, không theo bất cứ một tiêu chuẩn an toàn nào, hàng trăm nghìn bồn nước i-nốc đang chen chúc trên nóc nhà cao tầng, trên những tầng thượng của các khu chung cư cũ ở Hà Nội. Vì thế, những bồn nước này được ví như những "quả bom nước" hằng ngày rình rập, đe dọa tính mạng người dân, nhất là trong mùa mưa bão.  

Theo khảo sát của chúng tôi tại các khu tập thể (KTT): Nghĩa Tân (Cầu Giấy), Giảng Võ, Thành Công (Ba Ðình), Trung Tự, Kim Liên (Ðống Ða), Thanh Xuân (Thanh Xuân)..., thì hầu như toàn bộ những KTT này đều có tình trạng lắp đặt bồn nước i-nốc trái phép trên nóc. Mỗi nhà tập thể tại đây thường bị chất trên tầng thượng khoảng từ 20 đến 90 bồn nước, với đủ kiểu đứng, nằm, dung tích phổ biến từ 500 đến 1.500 lít/bình. Hầu hết các chân đế của bồn nước được làm đơn giản, sơ sài bằng thép không gỉ, với độ dày chỉ 2 mm, mối hàn mỏng manh nâng đỡ. 

  • Ảnh bên: Hàng nghìn bồn nước i-nốc đặt trên sân thượng các khu nhà tập thể Thanh Xuân (Hà Nội). (Ảnh: Thu Hà) 

Nhiều giá đỡ bồn nước được gia công bằng sắt phế liệu, hoen gỉ, cong vênh, có thể gãy đổ bất cứ lúc nào. Số người lắp đặt đế bể bằng thép tốt, loại V5, dày từ 4 đến 5 mm rất ít. Vốn được thiết kế không phải để dành chỗ cho những bồn nước "ký sinh", cho nên hầu hết bồn nước "bám" trên tầng thượng KTT đều ở những vị trí tận dụng, được người sử dụng lắp theo kiểu mạnh ai nấy làm... Nguy hiểm hơn, ở một số tầng thượng mái nghiêng của các nhà tập thể kiểu cũ, xây dựng từ những năm 70, 75 của thế kỷ trước, nhiều bồn nước được người sử dụng "giữ cân đối" bằng cách xây chân xi-măng, đế gạch, chỉ nhìn bằng mắt thường cũng thấy bồn nước đang ở tình trạng sẵn sàng đổ sập khi có gió to hay mưa bão. 

Phó Chủ tịch UBND phường Trung Tự Ðinh Quốc Trung cho biết: "Tại địa bàn phường, hiện tượng lắp đặt bể i-nốc trên nóc nhà đã có từ rất lâu. Khoảng một phần ba đến một phần tư số nhà sống trong KTT có lắp bể trên nóc. Tuy UBND phường không cho phép, nhưng các hộ dân vẫn lén lút đưa lên". Việc lắp đặt các bồn chứa, thiết bị trên các nóc nhà là vô cùng nguy hiểm, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới kết cấu ngôi nhà, như gây nguy cơ nứt, gãy, sụt lún. Nếu lắp quá nhiều bồn nước sẽ gây ra tình trạng quá tải, sập đổ phần mái. Việc thi công ẩu, nguyên vật liệu kém chất lượng cũng khiến cho hàng trăm nghìn "quả bom nước" có thể đổ ập, đe dọa tính mạng người dân. Ông Hoàng Thế Anh, cán bộ hưu trí phường Kim Liên lo lắng chia sẻ: "Khu nhà tôi ở giờ chưa đến mức độ sập, lún, nhưng nếu cứ phải oằn mình tải thêm vài chục "quả bom nước" nữa thì chưa biết thế nào. Mỗi lần vào nhà, ra đường, ngửa cổ lên nhìn lại thấy chân run...".

Quan sát KTT Nghĩa Tân, chúng tôi nhận thấy, hầu như nhà nào cũng bị xuống cấp theo các kiểu khác nhau. Có nhà bị bong tróc, nứt kết cấu cầu thang, có nhà bị thấm dột, rêu phong vì nước chảy từ trên xuống... Trong đó, ba nhà B1, B11, C5 là xuống cấp nặng nhất. Trên nhà B1 có lắp đặt một số bể i-nốc, nguyên nhân bởi bể nước chính đặt ở buồng thang chung bị hỏng, cho nên người dân buộc phải lắp bể nước riêng. Với những nhà tập thể đã xuống cấp nhiều như E4 Y khoa (Khương Thượng), nhà E7, B4, H7 (Thành Công), thì việc có thêm những bồn nước i-nốc là rất nguy hiểm. Thế nhưng, tình trạng bể nước chung bị vỡ, mốc bẩn, không thể sử dụng được, tình trạng nguồn nước luôn chỉ vỏn vẹn đủ dùng, hoặc thiếu, cũng là nguyên nhân lớn khiến những người dân sinh sống ở các KTT cũ như Giảng Võ, Thành Công, Trung Tự, Kim Liên, Thanh Xuân... buộc phải lắp đặt bể nước riêng.

Khi chúng tôi trao đổi ý kiến với người dân sống ở những KTT này, thì ý kiến chung của người dân là không hề muốn tốn tiền xây thêm một bể nước đặt trên chính ngôi nhà của mình đang sống. Họ biết là rất nguy hiểm, nhưng vẫn phải cố lắp vì nếu không sẽ không có nước để dùng. Bác Vũ An Ninh ở phường Trung Tự chia sẻ: "Hai ngày chúng tôi được bơm nước một lần, mỗi lần vài tiếng. Nếu như không tích đủ nước dùng trong hai ngày, chúng tôi không biết lấy ở đâu. Nếu mất điện thường xuyên thì chúng tôi phải nghĩ ra cách tích điện, nếu thiếu nước thường xuyên thì chúng tôi buộc phải nghĩ ra cách tích nước. Ngôi nhà ngày một xuống cấp còn người thì ngày càng nhiều lên. Mà người phải sống chen chúc thì bể nước i-nốc cũng phải đeo bám, chất chồng".

Làm việc với lãnh đạo các phường: Thành Công, Giảng Võ, Nghĩa Tân..., chúng tôi nhận thấy chính quyền địa phương hiện đang "hết sức khó xử lý", "cân nhắc kỹ lưỡng giữa tình và lý" trong việc đề ra biện pháp xử lý triệt để, tận gốc vấn nạn bồn nước i-nốc treo trên mái nhà. Phó Chủ tịch UBND phường Nghĩa Tân Lê Minh Hải cho biết: "Cuộc sống người dân hiện còn nhiều khó khăn, chính quyền cần chia sẻ với người dân những khó khăn ấy. Phần lớn những bồn nước đã tồn tại từ lâu, giờ rất khó xử lý triệt để. Nếu đã phạt thì phải cưỡng chế, nếu phạt cho tồn tại thì không giải quyết được vấn đề, chỉ giống bắt cóc bỏ đĩa. Mà phạt cưỡng chế thì phải phạt hết, tạo sự công bằng, không thể phạt kiểu vỏ đỗ, chỗ có chỗ không".

Ðể giải quyết vấn đề này, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân nhận thức rõ sự nguy hiểm khi lắp đặt các bồn nước trên nóc nhà, từ đó tăng cường các biện pháp gia cố, kiểm tra sự an toàn; đồng thời ngăn chặn, kiên quyết không cho lắp thêm các "bom nước" mới. Cùng chia sẻ khó khăn, cũng như đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân, lãnh đạo thành phố và các cơ quan chức năng ngành nước cần nhanh chóng thực hiện đồng bộ thêm giải pháp "gốc", đó là ổn định nguồn nước, tăng giờ bơm phục vụ nhân dân. Khi nguồn nước đã ổn định, không mất bất ngờ, mất lâu, thì sẽ hạn chế được nhu cầu dự trữ nước, lắp đặt bể tràn lan như hiện nay. 

NGUYỄN VĂN BẢOPhó Chủ tịch UBND phường Giảng Võ: 

Các nhà tập thể đều có bể nước i-nốc trên nóc. Ðây là tình trạng phổ biến trên toàn bộ các nhà tập thể của Hà Nội cũng như cả nước. Việc đặt thêm tải trọng, chắc chắn có tác động xấu đến công trình, tuy nhiên, để đánh giá mức độ phải có các cơ quan chuyên môn. 

NGUYỄN MẠNH HÙNG - Chủ tịch UBND phường Thành Công: 

Tôi đã giao cho lực lượng quản lý đô thị, cảnh sát khu vực, tổ trưởng dân phố rà soát, nắm bắt tình hình, yêu cầu các hộ phải tự cam kết và chằng chống bồn nước i-nốc của nhà. Những trường hợp phát sinh mới thì kiên quyết không cho lắp đặt. Quan trọng nhất là bảo đảm an toàn tính mạng người dân. 

LÊ MINH HẢIPhó Chủ tịch UBND phường Nghĩa Tân: 

Trong thời gian tới, phường sẽ thành lập chuyên đề, phối hợp ba bên giữa UBND phường, tổ dân phố và các cơ quan quản lý nhà để đi kiểm tra, rà soát các bể i-nốc. Nơi nào nguy hiểm, sẽ yêu cầu tổ dân phố khu vực đó vận động người dân giảm tải khối tích, xoay ngang bể... Trước mắt sẽ thí điểm vận động, thuyết phục một vài nhà, nếu đạt hiệu quả sẽ nhân rộng. 

Lê Quân (Báo Nhân Dân) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo