Diện mạo đô thị TPHCM sẽ tiếp tục được nâng cấp khi một loạt các công trình trọng điểm được Thành phố hoàn thiện và đưa vào khai thác trong năm nay.
Dự án nâng cấp, cải tạo đường Nguyễn Huệ
Cùng với công trình Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường Nguyễn Huệ thành quảng trường đi bộ (khởi công vào tháng 9/2014) đang được gấp rút thi công để kịp hoàn thành, đưa vào khai thác trước 30/4, đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước. Dự án có tổng kinh phí đầu tư gần 430 tỷ đồng.
Phối cảnh dự án quảng trường Nguyễn Huệ (quận 1, TPHCM).
Theo thiết kế, quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ rộng 64m, dài 670m (từ UBND TPHCM đến bến Bạch Đằng).
Các hạng mục xây dựng chính gồm nâng cấp, cải tạo mặt đường và vỉa hè hiện hữu bằng đá tự nhiên thành quảng trường đi bộ; xây lại hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật (cấp thoát nước, cấp điện, cây xanh, mảng xanh, hệ thống chiếu sáng công cộng và chiếu sáng nghệ thuật…), đài phun nước; xây ngầm trung tâm điều khiển ánh sáng, nhạc nước, âm thanh...
Trên trục đường Nguyễn Huệ sẽ tổ chức các chuyên đề nhạc nước, nghệ thuật 3D ở khu vực vòng xoay, bồn phun nước. Riêng khu vực Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thành phố sẽ tiến hành trồng hoa và cây xanh hai bên vỉa hè.
Sau khi hoàn thành, quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ sẽ là không gian công cộng vui chơi, tham quan cho người dân và du khách.
Thông xe toàn tuyến đường Phạm Văn Đồng
Tuyến đường Phạm Văn Đồng là trục đường đô thị hướng tâm quan trọng của TPHCM. Dự án có tổng vốn đầu tư là 340 triệu USD, được khởi công từ tháng 6/2008. Đây cũng là dự án đầu tiên tại Việt Nam do nước ngoài đầu tư xây dựng theo hình thức BT (xây dựng-chuyển giao).
Thiết kế đường Phạm Văn Đồng có tổng chiều dài gần 14 km, chạy dài từ sân bay Tân Sơn Nhất đến quốc lộ 1. Để triển khai dự án, TPHCM đã giải tỏa gần 4.000 hộ dân với diện tích 62,53 ha, di dời hơn 42 công trình hạ tầng kỹ thuật. Đến nay, tuyến đường Phạm Văn Đồng đã hoàn thành 11km, cho phép phương tiện lưu thông bình thường.
Kế hoạch trong năm 2015, ngành GTVT TPHCM sẽ nỗ lực, tập trung hoàn thành toàn tuyến đường này để thông xe xuyên suốt từ sân bay Tân Sơn Nhất đến quốc lộ 1.
Sau khi hoàn thiện, đường Phạm Văn Đồng sẽ kết nối Sân bay Tân Sơn Nhất đến Quốc lộ 1 và Quốc lộ 1K; tạo hướng giao thông mới qua các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức, kết nối với tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, góp phần giảm ùn tắc cho cửa ngõ phía Đông của Thành phố.
Dự án cầu vượt chữ Y ngã 6 Gò Vấp
Dự án cầu vượt thép tại ngã 6 Gò Vấp có tổng số vốn đầu tư gần 406 tỷ đồng được khởi động từ cuối năm 2014 và dự kiến sẽ hoàn thành sau 7 tháng thi công.
Dự án được thiết kế theo hình chữ Y, với nhánh chính nằm theo hướng đường Nguyễn Oanh-Nguyễn Kiệm. Dự án có tổng chiều dài 234m, rộng 6m và nhánh rẽ theo hướng đường Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Oanh dài 274m, rộng 6m.
Theo tính toán của Sở Giao thông Vận tải TPHCM, khi cầu vượt được đưa vào sử dụng sẽ giảm kẹt xe đến 80% tại nút giao thông quan trọng này.
Trước đó, một loạt các cây cầu vượt thép tại ngã tư Thủ Đức, ngã tư Hàng Xanh, vòng xoay lăng Cha Cả, nút giao Nguyễn Tri Phương-Lý Thái Tổ-3/2 và giao lộ Hoàng Hoa Thám-Cộng Hòa và cầu vượt thép hình chữ Y tại bùng binh Cây Gõ khi đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại khu vực.
Dự án cầu Kinh Thanh Đa
Trước đây, bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh) kết nối với trung tâm Thành phố bằng cầu Kinh. Đây là cây cầu bán vĩnh cửu được xây dựng trước năm 1975 dài hơn 85 m, chịu được tải trọng 15 tấn. Nước chảy xiết và khoảng không thông thuyền quá thấp và hẹp nên tàu thuyền qua đây luôn bị đẩy, va đập vào trụ cầu dẫn tới chìm ghe, vỡ tàu...
Ngày 8/1/2011, cầu Kinh Thanh Đa mới với tổng chiều dài 325 m, rộng 21 m, bốn làn xe lưu thông được Thành phố khởi công, xây dựng để thay thế cây cầu cũ đã không còn phù hợp.
Với tổng kinh phí đầu tư gần 435 tỷ đồng (riêng kinh phí đền bù giải tỏa khoảng 105 tỷ đồng), dự án được kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực; đồng thời góp phần phát triển bán đảo Bình Quới-Thanh Đa trở thành trung tâm văn hóa và du lịch cấp Thành phố.
Đến nay, cầu Kinh Thanh Đa mới đã tổ chức thông xe giai đoạn 1 và dự kiến sẽ được hoàn thành ngay trong năm 2015.
Dự án cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa-Lò Gốm
Theo ước tính của cơ quan chức năng TPHCM, trước đây, tình trạng ô nhiễm trầm trọng của tuyến kênh Tân Hóa-Lò Gốm đã làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của khoảng 1 triệu người dân tại các khu vực quận 6, quận 11, Tân Bình và Tân Phú.
Với quyết tâm cải thiện môi trường sống của hàng triệu hộ dân, tạo mỹ quan đô thị của tuyến kênh Tân Hóa-Lò Gốm, năm 2011, TPHCM chính thức khởi công dự án cải tạo kênh và xây đường dọc tuyến kênh này.
Các hạng mục đầu tư của dự án gồm xây dựng hệ thống cống hộp (đoạn từ đường Âu Cơ quận Tân Phú đến cầu Hòa Bình quận 11) dài 3 km; cải tạo 7,4 km tuyến kênh Tân Hóa-Lò Gốm, 12 km đường được làm mới.
Dự án cũng mở rộng kênh, nắn dòng chảy, nạo vét bùn, đắp bờ kênh, cải tạo đường rộng từ 6 m đến 20 m, xây mới 10 cầu qua kênh, chỉnh trang 4 khu cảnh quan dọc tuyến với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, công trình cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm sẽ được hoàn thành trong năm 2015, góp phần cải tạo môi trường sống trong khu vực, đồng thời góp phần chỉnh trang, nâng cấp diện mạo đô thị TPHCM ngày càng văn minh, hiện đại.
Phan Hoàng (Chinhphu.VN)
- Chuyện Hà Nội: Dang dở sông Tô
- Tham nhũng vỉa hè
- Sài Gòn, thời của những biểu tượng thất truyền
- Sài Gòn xưa: Hồn trăm năm cũ
- Từ bảo tàng Nông công thương nghiệp đến trường Mỹ thuật Đông Dương
- Báo Pháp cảnh báo về "tai họa" xe gắn máy ở Đông Nam Á
- Không gian nào để thở
- Nhà sử học Dương Trung Quốc và ký ức về Tết Xưa ở Hà Nội
- Những công trình mang dấu ấn ông Nguyễn Bá Thanh
- Bình Dương: Đất lành "hút" nhà đầu tư