Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Góc nhìn Ôi cây xanh Hà Nội!

Ôi cây xanh Hà Nội!

Viết email In

Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ chặt hạ, thay thế hàng loạt cây xanh trên nhiều tuyến phố Khoảng 6.700 cây xanh trên tổng số gần 30.000 cây xanh tại 10 quận nội thành của Hà Nội bị đốn hạ, thay thế từ tháng 3/2015. Như vậy, vốn dĩ thành phố đã thiếu màu xanh nay lại càng trở nên tồi tệ, ngột ngạt.

Ngay sau khi quyết định trên được đưa ra, một trang fanpage phản đối đã được lập ra, thu hút hơn 5.000 lượt like chỉ trong vòng 15 tiếng đồng hồ bởi ai cũng biết, cây xanh đồng nghĩa lá phổi xanh của thành phố. Hàng triệu người không khỏi băn khoăn về tình trạng này. Vẫn biết rằng sẽ có cây thay thế, nhưng phải mất hàng nhiều năm nữa, hàng cây trồng mới mới có thể cho bóng mát, chưa kể đến những giá trị văn hóa đã trường tồn bao năm của người Hà Nội. Biết bao trái tim rỉ máu, khóc lóc với nuối tiếc những hàng cây mướt mát, vô tội bị đốn chặt một cách rất thô bạo. 


Đau lòng cây xanh cổ thụ bị đốn chặt. 

Tình hình cây xanh trước khi có kế hoạch chặt đốn

Thành phố ngày càng thiếu vắng cây xanh. Những vùng vành đai thành phố trước kia bao gồm vườn cây, vườn rau, bãi cỏ nay đã được thay thế bằng những dãy nhà liên tiếp, hiện đại hơn, bề thế hơn và cũng ngột ngạt hơn. Còn những ngôi nhà trong đô thị dường như hiếm thấy nhà nào có chỗ cho cây trồng, cùng lắm là một vài kiểng cây cảnh đơn lẻ và ai cũng cố gắng tận dụng đất để xây nhà ở cho rộng hơn. Đô thị ngày càng phát triển, môi trường ngày càng ô nhiễm thì cây xanh càng khẳng định vai trò quan trọng trong cuộc sống con người và là yếu tố quan trọng giúp đô thị phát triển bền vững. 

Hiện tại là mùa Xuân, chưa tới những ngày hè nóng bức, oi ả nhưng tới đây, có lẽ người dân thành phố sẽ phải chịu đựng cảm giác ngột ngạt của các con phố. Khi nền kinh tế càng phát triển, thu nhập của người dân tăng cao nhưng chất lượng môi trường sống không cân bằng theo tỷ lệ thì không thể gọi là cuộc sống chất lượng cao. Ở các nước tiên tiến, chất lượng cuộc sống cao có tiêu chí về cây xanh rất lớn. Phát triển thành phố hiện đại, năng động về kinh tế là cần thiết nhưng cũng cần hài hòa giữa cơ sở hạ tầng và cảnh quan cây xanh. 

Theo nguyên tắc quy hoạch, mỗi công trình phải dành ít nhất 20% diện tích cho cây xanh, nhưng trong tình trạng tấc đất tấc vàng như hiện nay, diện tích này cũng bị xà xẻo. Thiếu cây xanh tưởng như chuyện nhỏ nhưng cư dân thành phố sẽ thấy ngay hiệu quả khi ra khỏi thành phố và hướng về các vùng ngoại ô có nhiều cây xanh bóng mát. Khi đó, ta sẽ có cảm giác mát mẻ và thoải mái và cảm nhận tầm quan trọng của cây xanh với quy hoạch đô thị.

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay cây xanh ở đô thị nước ta chưa đạt tiêu chuẩn về độ che phủ cũng như cân bằng hệ sinh thái. Tại các vùng đô thị hóa nhanh, chưa có vành đai xanh để bảo vệ môi trường. Hệ thống cây xanh mới hình thành và tập trung tại các đô thị lớn và trung bình, còn tại các đô thị nhỏ, cây xanh chiếm diện tích không đáng kể. So với các tiêu chuẩn và quy chuẩn thì tỷ lệ diện tích đất dành cho cây xanh còn rất thấp.

Tại nhiều nước trên thế giới, chỉ tiêu diện tích cây xanh bình quân đầu người nhiều thành phố rất cao: Các thành phố của Nhật đạt 7,5m2/người, London: 26,9, Berlin 27,4; New York 29,3... Trong khi đó, theo Viện Nghiên cứu môi trường và Phát triển bền vững, đất để trồng cây xanh trong các đô thị mới chỉ đạt 0,5m2/người. Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, chỉ tiêu này cũng không quá 2m2/người, chỉ mới bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố hiện đại trên thế giới (khoảng 20m2 - 25m2 cây xanh/người). Hà Nội có chỉ tiêu cây xanh thấp với chưa đầy 2m2/người.

Tình trạng cây xanh tại thành phố Hà Nội sẽ còn tồi tệ hơn rất nhiều lần cùng với bầu không khí ngột ngạt bi đát hơn nữa khi chính sách chặt đốn thay thế cây xanh được áp dụng.

Như vậy, vấn đề phát triển cây xanh tại các đô thị hiện nay bộc lộ nhiều tồn tại. Sự phát triển nhanh của các đô thị khiến cho hầu hết các nhà đầu tư sao nhãng đi việc phải dành một diện tích đất nhất định để trồng cây xanh, tạo không gian mở... 


Thành phố thiếu màu xanh
(ảnh minh họa) 

Truy tìm nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tính trạng trên nhưng một trong những nguyên nhân chính là thiếu nguồn lực cho sự phát triển cây xanh và thiếu chiến lược đúng đắn trong hoạch định chính sách cây xanh. Hầu hết, nguồn lực chủ yếu là dựa vào ngân sách nhà nước và chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích mọi thành phần kinh tế và nhân dân tham gia. Một số thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng có chi phí đầu tư cho cây xanh tương đối cao hơn, các đô thị còn lại hầu như được đầu tư với chi phí rất thấp. Việc quản lý cây xanh hiện vẫn còn lỏng lẻo, tình trạng chặt phá cây vẫn diễn ra thường ngày. Nhiều đô thị cải tạo, nâng cấp và mở rộng đường phố nên chặt hạ hàng loạt cây xanh.

Thiếu quy hoạch cây xanh và khâu quản lý về cây xanh còn lỏng lẻo nên tình trạng chặt phá, khai thác tuỳ tiện cây xanh đô thị diễn ra khá phổ biến. Quy hoạch đô thị phải gắn với quy hoạch không gian xanh, gắn với việc bảo vệ môi trường nhưng nhiều dự án chủ đầu tư không tham khảo ý kiến của ngành chuyên môn về quy hoạch cây xanh và loại cây trồng nên việc trồng cây chưa được chú trọng.

Những nhà hoạch định chính sách và những người có quyền quyết định dường như bỏ qua những lời tâm huyết của cộng đồng, trong đó có rất nhiều tâm thư của nhà văn, nhà báo, giảng viên… Có biết bao nhiêu ý kiến của cộng đồng bức xúc, băn khoăn về việc chặt đốn cây xanh nhưng có tác động gì, có thay đổi được gì tình trạng này? Ở các nước phát triển trên thế giới, muốn đốn bỏ, thay thế cây xanh lâu năm thì phải trưng cầu dân ý một thời gian dài nếu không thì sẽ có ngay những cuộc biểu tình rầm rộ.

Luật lệ quản lý bảo tồn cây xanh ở các nước cũng rất chặt chẽ. Ví dụ ở Singapore, một người dân chặt 3 cây ăn quả trong khu vườn của mình ở đường Holland vào một ngày tháng 9/2007, không có chuyện gì xảy ra. Tuy nhiên tới tháng 2/2009, ông đã bị phạt 6.000 USD khi đệ trình hồ sơ cấp phép xây nhà. Không có chuyện muốn chặt cây là được, dù rằng đó là cây trong khuôn viên nhà riêng nhưng nằm trong khu vực bảo tồn. 

Kiến nghị giải pháp

Để cải thiện được tình trạng nêu trên không đơn giản tuy nhiên, dù khó khăn chúng ta vẫn có thể giải quyết được dù rằng cần có lộ trình thích hợp.

Cây xanh là phục vụ lợi ích công cộng nên đương nhiên là phải cần đến ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng và quản lý. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách hằng năm thì rất khó đạt kết quả mong muốn. Để phát triển công viên, cây xanh đô thị ngoài nguồn vốn ngân sách, cần huy động nguồn lực trong nhân dân và các thành phần kinh tế khác trong và ngoài nước.

Cộng đồng luôn đóng vai trò lớn trong việc phát triển, quản lý cây xanh. Nếu không có sự hỗ trợ hợp tác của cộng đồng thì khó có thể làm nên điều khả thi cho một nền tảng cây xanh tốt. Vì thế, các cơ quan chức năng cần phải tiếp thu ý kiến của cộng đồng để đưa ra một giải pháp hợp lý nhất cho vấn đề này.

Bên cạnh đó, quản lý cây xanh cần phân công rõ chức năng và nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó chính quyền đô thị các cấp có trách nhiệm và vai trò quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ, phát triển cây xanh trên địa bàn. Công tác khuyến khích các hộ gia đình tự trồng cây xanh, chăm sóc, bảo vệ cây xanh trong và ngoài khuôn viên ngôi nhà của mình cũng rất hữu ích, góp phần xanh hóa thành phố. 

Khánh Phương 
(Báo Xây dựng)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo